Cần Thơ: Tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị

Saturday, 11/30/2024 17:32
Acronyms View with font size

Sáng 30/11, tại thành phố Cần Thơ, Bộ Xây dựng tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị. Hội thảo đã thu hút hơn 110 đại biểu đại diện các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, chính quyền đô thị, Sở Xây dựng 6 tỉnh, thành phố thuộc Vùng Đông Nam bộ và 13 tỉnh, thành phố thuộc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các nhà khoa học, chuyên gia hàng đầu về quy hoạch, phát triển đô thị.

Quang cảnh Hội thảo tham vấn ý kiến về dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị.

Tại Hội thảo, Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng đã thông qua tóm tắt dự thảo Luật và chia 3 nhóm để thảo luận theo các chuyên đề, tập trung vào 05 chính sách lớn: Quản lý phát triển đô thị theo mô hình phát triển bền vững đô thị và có hệ thống; đánh giá và phân loại đô thị; Quản lý phát triển mới, cải tạo chỉnh trang và tái phát triển đô thị; Quản lý phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ; Quản lý phát triển không gian ngầm đô thị; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý phát triển đô thị.

Sau khi đăng tải lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật từ ngày 11/10/2024, đến nay, Bộ Xây dựng đã nhận được khoảng 600 ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương về 12 nhóm vấn đề gồm: Các quy định chung; Phát triển hệ thống: Đánh giá phân loại đô thị; Chương trình phát triển đô thị; Quản lý khu vực chỉnh trang, cải tạo, tái thiết đô thị; Quản lý khu vực phát triển mới; Quản lý phát triển hạ tầng kỹ thuật; Quản lý phát triển hạ tầng xã hội; Quản lý phát triển không gian ngầm; Trách nhiệm quản lý phát triển đô thị; Điều khoản thi hành và một số ý kiến khác.

Theo nhận định của các chuyên gia, Luật Quản lý phát triển đô thị là một luật rất cần thiết và quan trọng vì phạm vi điều chỉnh của Luật liên quan tới hơn 900 đô thị trên toàn quốc có đặc điểm rất khác nhau từ quy mô, vị trí địa lý, lịch sử, tính chất đặc thù… Trong bối cảnh hiện nay đang có nhiều luật liên quan đã được ban hành và đang còn hiệu lực, vấn đề được đặt ra là phải vừa tạo ra được công cụ để quản lý nhưng phải bảo đảm không chồng chéo trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết: “Là một đô thị trung tâm của Vùng ĐBSCL, thành phố Cần Thơ đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển đô thị. Do đó, thành phố Cần Thơ đánh giá cao sự cần thiết của việc xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị. Trong đó, dự thảo Luật đã có quy định và yêu cầu đối với việc quy hoạch và xây dựng, thực hiện quản lý đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội của đô thị, đảm bảo phát triển đô thị đồng bộ, bền vững từ đô thị đến nông thôn”.

Bà Dana Julia Loew, Giám đốc Dự án “Thích ứng với biến đổi khí hậu Vùng ĐBSCL” (MCRP), đại diện Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ cho rằng: “Hiện nay, GIZ đang hợp tác với các đối tác Việt Nam thực hiện Dự án Thích ứng với biến đổi khí hậu Vùng ĐBSCL – một dự án hợp tác kỹ thuật giữa Chính phủ Đức và Chính phủ Việt Nam do Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức BMZ và Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) tài trợ. Thông qua dự án này, chúng tôi có cơ hội hỗ trợ Bộ Xây dựng trong xây dựng và cải thiện khung pháp lý về quy hoạch đô thị và nông thôn, phát triển đô thị và hạ tầng thích ứng với biến đổi khí hậu…”.

Việc nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ban tổ chức đánh giá cao và ghi nhận các nội dung phát biểu từ 50 lượt ý kiến trực tiếp tại Hội thảo của đại diện các chính quyền đô thị, Giám đốc Sở Xây dựng, các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế và trong nước về lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị.

Ban soạn thảo và Tổ biên tập sẽ tập trung tiếp thu, giải trình các nội dung góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị trình Bộ Tư pháp thẩm định trong tháng 12. Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 đã được ban hành, Quốc hội yêu cầu nghiên cứu, báo cáo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Source: Báo Xây dựng

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)