Thành lập thành phố Hoa Lư - Động lực phát triển của tỉnh

Thursday, 07/25/2024 14:55
Acronyms View with font size

Theo Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2023-2025, trong năm 2024 sẽ thực hiện hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình, thành lập thành phố Hoa Lư. Đây là chủ trương lớn nhằm xây dựng thành phố trở thành vùng chức năng tổng hợp, là hạt nhân giữ vai trò là động lực phát triển của tỉnh.

Sau khi thành lập, thành phố Hoa Lư sẽ có diện tích trên 150km2.

Đáp ứng yêu cầu "sứ mệnh" đô thị hạt nhân

Việc nhập huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư không chỉ là yêu cầu bắt buộc theo chủ trương của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030 mà còn xuất phát từ yêu cầu thực tiễn phát triển của thành phố Ninh Bình để xứng tầm là trung tâm đô thị hạt nhân của tỉnh, hướng tới mục tiêu chung phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương mang đặc trưng của Đô thị Di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo..

Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Nam vùng Duyên hải Bắc Bộ, đồng thời là cửa ngõ phía Đông Nam của vùng thủ đô Hà Nội, lâu nay, thành phố Ninh Bình đóng vai trò là đô thị hạt nhân trung tâm, tuy nhiên hiện tại vẫn chưa đáp ứng mong chờ đó bởi thành phố Ninh Bình phải đối mặt với những khó khăn, thách thức lớn, như: Diện tích tự nhiên thành phố Ninh Bình chỉ có 46,75 km2, thấp hơn nhiều so với tiêu chuẩn của thành phố theo quy định của Nghị quyết số 27 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (150 km2), và quá nhỏ so với các đô thị là trung tâm tỉnh lỵ của các tỉnh đã và đang được mở rộng không gian phát triển đô thị. Trong khi đó, thành phố chưa phát huy được các lợi thế về vị trí địa lý, giao thông quốc gia và vùng để trở thành đô thị hạt nhân phát triển đô thị toàn tỉnh và thúc đẩy sự phát triển của các đô thị lân cận. Quy mô đô thị Ninh Bình quá nhỏ so với tốc độ phát triển đô thị, hạ tầng xã hội khu vực trung tâm đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị…

Còn đối với huyện Hoa Lư, mặc dù nằm giữa 2 đô thị lớn của tỉnh là thành phố Ninh Bình và thành phố Tam Điệp, đã có những bước phát triển vượt trội, song mô hình quản lý của chính quyền nông thôn hiện nay đã làm hạn chế khả năng đột phá, chưa khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên của Hoa Lư. Việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các danh thắng, di sản văn hóa lịch sử của vùng Cố đô còn nhiều hạn chế… Chính vì vậy, khi được gắn kết với thành phố Ninh Bình sẽ là điều kiện thuận lợi nhằm "đánh thức" tiềm năng, chuyển hóa thành thế mạnh, nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Năm 2024 sẽ thực hiện hợp nhất huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình, thành lập thành phố Hoa Lư. Trong ảnh: Cổng chào Cố đô Hoa Lư.

Mặt khác, huyện Hoa Lư có vị trí, dư địa và tiềm năng rất lớn trong phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, đô thị, dịch vụ - thương mại, du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa, lễ hội… Theo đó, khi nhập huyện Hoa Lư vào thành phố Ninh Bình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu lại tổ chức, phân bố không gian phát triển công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, các khu dân cư nông thôn; hình thành các trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp gắn kết thuận lợi với hệ thống hạ tầng khung nhằm phát triển thành phố hình thành sau sắp xếp trở thành thành phố trực thuộc tỉnh với định hướng là "Đô thị Di sản thiên niên kỷ", gắn với tập trung phát triển du lịch - dịch vụ dựa trên nền tảng giá trị văn hóa - lịch sử của Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An để thành phố trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia và có ý nghĩa quốc tế.

Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư đã nhiều lần chia tách, sáp nhập, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính với nhau; là khu vực gắn liền với nền tảng giá trị văn hóa - lịch sử của Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, nên huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình có chung các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của vùng Cố đô. Chính vì vậy, sáp nhập huyện Hoa Lư vào thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư nhằm tiếp nối truyền thống lịch sử lâu đời của vùng đất này. Không những thế, việc thành lập thành phố Hoa Lư sẽ đảm bảo phù hợp với các định hướng quy hoạch và phát triển đô thị, tính chất ĐVHC mới sau hợp nhất là "Đô thị Di sản thiên niên kỷ". Đây cũng là cơ sở để hoàn thiện các tiêu chí công nhận ĐVHC mới sau hợp nhất (thành phố Hoa Lư) là đô thị loại I trực thuộc tỉnh.

Việc nhập huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư là nhu cầu tất yếu và thật sự cần thiết để mở rộng phạm vi quản lý của chính quyền đô thị thay cho chính quyền nông thôn hiện hữu, đáp ứng yêu cầu quản lý của chính quyền cơ sở đối với khu vực đang trong quá trình đô thị hóa cao; tạo dư địa, điều kiện để mở rộng không gian phát triển đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh; góp phần tăng quy mô đơn vị hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh tế - xã hội, hiệu quả, hiệu lực hoạt động của hệ thống chính trị.

Ý Đảng hợp lòng dân

Theo đồng chí Đinh Văn Tiên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Ninh Bình: việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính thành phố là tâm tư, nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, người dân thành phố Ninh Bình. Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để thành phố có điều kiện thực hiện tốt sứ mệnh gìn giữ những giá trị di sản, giá trị văn hóa cốt lõi cùng với việc thực hiện sứ mệnh của một đô thị động lực trung tâm. Đồng thời với định hướng phát triển là "Đô thị Di sản thiên niên kỷ", thành phố Hoa Lư trong tương lai cũng sẽ có thêm điều kiện tập trung phát triển du lịch - dịch vụ dựa trên nền tảng giá trị văn hóa - lịch sử của Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An để thành phố trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia và có ý nghĩa quốc tế; tạo không gian, dư địa và động lực đầu tư phát triển một cách đồng bộ, hoàn chỉnh, đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị theo hướng "Xanh và Bền Vững".

Theo phương án tổng thể, sau khi thành lập, thành phố Hoa Lư có diện tích tự nhiên khoảng 150,67 km2, gồm 20 đơn vị hành chính (15 phường và 5 xã), dân số trên 25 vạn người. Sau khi xây dựng Đề án "Thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thành lập các phường trực thuộc", thành phố Ninh Bình đã chỉ đạo tổ chức lấy ý kiến cử tri. Kết quả, đã có 99,45% cử tri thành phố tán thành với việc thành lập thành phố Hoa Lư thuộc tỉnh Ninh Bình; trên 99,7% cử tri tán thành với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thành lập các phường trực thuộc thành phố.

Cùng với thành phố Ninh Bình, thời gian qua, huyện Hoa Lư đã tích cực tuyên truyền, thông tin về Đề án "Thành lập thành phố Hoa Lư, đồng thời sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thành lập các phường trực thuộc", qua đó giúp cử tri, nhân dân nắm rõ chủ trương, hiểu về mục đích, ý nghĩa của việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Các địa phương đã tiến hành lấy ý kiến cử tri. Kết quả lấy ý kiến, đã có 97,89% cử tri huyện Hoa Lư đồng ý thành lập thành phố Hoa Lư; 96,93% cử tri tán thành với về việc thành lập các phường trực thuộc thành phố Hoa Lư.

Đón nhận thông tin sẽ thành lập thành phố Hoa Lư, người dân thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư đều rất vui mừng, phấn khởi bởi mong muốn, nguyện vọng nhiều năm nay của người dân về một đô thị xứng tầm với vai trò là đô thị hạt nhân của tỉnh đang dần hiện hữu.

Nhiều người dân phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) đồng thuận với chủ trương thành lập thành phố Hoa Lư.

Ông Nguyễn Quang Huy, cử tri phường Tân Thành (thành phố Ninh Bình) phấn khởi chia sẻ: Nhiều ý kiến cho rằng sau khi hợp nhất, tên thành phố Ninh Bình không còn, nhưng tôi nghĩ huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình vốn có những nét tương đồng về văn hóa, không gian địa lý, thì văn hóa người thành phố sẽ không mất đi mà truyền thống lịch sử lâu đời của vùng đất này sẽ được tiếp nối, đảm bảo các yếu tố đặc thù về truyền thống lịch sử, văn hóa, dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục, tập quán của vùng Cố đô, gắn với định hướng phát triển là "Đô thị Di sản thiên niên kỷ", tạo điều kiện tập trung phát triển du lịch - dịch vụ dựa trên nền tảng giá trị văn hóa - lịch sử của Cố đô Hoa Lư và giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An để thành phố trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia và có ý nghĩa quốc tế. Hơn nữa, tên gọi thành phố Hoa Lư phù hợp với định danh đô thị tỉnh lỵ Ninh Bình; phù hợp với quá trình hội nhập và phát triển hiện nay cũng như trong tương lai.

Ông Đỗ Văn Tú, cử tri thị trấn Thiên Tôn (Hoa Lư) cho biết: Hướng về sự kiện này, tôi cũng như nhiều người dân ở phố Thiên Sơn (thị trấn Thiên Tôn) rất phấn khởi, háo hức sẽ chính thức trở thành công dân của thành phố Hoa Lư. Ai cũng hy vọng sau khi huyện Hoa Lư hợp nhất vào thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư, đời sống người dân cũng như cơ sở vật chất, hạ tầng của địa phương sẽ được quan tâm nhiều hơn. Đối với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thành lập các phường trực thuộc thành phố sau hợp nhất, trong đó có việc sáp nhập thị trấn Thiên Tôn với xã Ninh Mỹ thành đơn vị hành chính mới là phường Ninh Mỹ, tôi cho rằng rất phù hợp, tạo dư địa cho địa phương phát triển. 

Tuy vậy, tôi cũng lo ngại việc sắp xếp đơn vị hành chính, người dân sẽ phải làm thủ tục thay đổi, cập nhật thông tin các loại giấy tờ có liên quan. Do vậy, tôi mong muốn những bất cập này sẽ được khắc phục, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính trong thời gian đầu thành lập thành phố.

Việc nhập huyện Hoa Lư và thành phố Ninh Bình để thành lập thành phố Hoa Lư; sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và thành lập các phường thuộc thành phố Hoa Lư có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước phát triển vượt bậc của tỉnh Ninh Bình nói chung và khu vực thành lập thành phố Hoa Lư nói riêng. Để tiến tới thành lập thành phố Hoa Lư sẽ còn rất nhiều việc phải làm, song sự đồng thuận của mỗi người dân trong việc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính là sự khởi đầu thuận lợi để việc triển khai các bước tiếp theo đảm đúng quy định, tiến độ, khoa học và hiệu quả, tạo tiền đề để thành phố Hoa Lư trong tương lai phát triển mạnh mẽ, đáp ứng sự kỳ vọng phát triển của nhân dân.

Source: Ninhbinh.gov.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)