Phú Xuyên: Nỗ lực chuyển mình, phấn đấu về đích nông thôn mới nâng cao

Monday, 03/06/2023 15:35
Acronyms View with font size

Với sự vào cuộc quyết liệt, nỗ lực của cả hệ thống chính quyền cùng nhân dân địa phương, từ một huyện khó khăn nằm ở ngoại thành Thủ đô, huyện Phú Xuyên đã về đích nông thôn mới và tiếp tục chuyển mình, phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Huyện Phú Xuyên nổi tiếng với làng nghề làm da giày truyền thống. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Ngày 25/4/2022, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Phú Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Trong hành trình 10 năm, với xuất phát điểm thấp, trung bình các xã mới đạt từ 5 - 6 tiêu chí, hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ, tiêu chí trường học, đường giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập của người dân… ở mức thấp. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, chung tay của cả hệ thống chính trị và nhân dân, sau hơn 10 năm nỗ lực thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tính đến nay, huyện Phú Xuyên đã hoàn thành xây dựng 100% hệ thống đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, xóm… đảm bảo kiên cố, khang trang. Bên cạnh đó, 100% tuyến đường trục chính giao thông nội đồng cũng được cứng hóa, thuận lợi cho việc đi lại vận chuyển hàng hóa của người dân; hệ thống trường học và thiết bị dạy học được đầu tư nâng cấp, không còn phòng học tạm hay phòng học bị dột nát. Đến nay toàn huyện đã có 56/88 trường học đạt trường chuẩn quốc gia.

Trong phát triển nông nghiệp, huyện đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 9.060ha đất nông nghiệp, trong đó có 2.830ha đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi. Qua đó đã góp phần hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Lúa chất lượng cao 400ha, thủy sản 300ha, rau an toàn xã Minh Tân 159ha, rau cần Khai Thái 30ha, bưởi thồ Bạch Hạ 40ha… Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Đến hết năm 2020, tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 55,93%, thương mại - dịch vụ 29,1%, nông lâm thủy sản 15,6%. Năm 2020, tổng thu ngân sách địa phương đạt 1.893,116 tỷ đồng (tăng 13,3 lần so với năm 2010). Ngoài ra, huyện Phú Xuyên có 43 làng nghề được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống; 546 doanh nghiệp, hợp tác xã và 17.600 hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; đã thành lập được 3 cụm công nghiệp, hiện đã khởi công xây dựng 2 cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng và Phú Túc.

Đặc biệt, chương trình xây dựng nông thôn mới đã nhận được sự ủng hộ, đồng lòng, góp sức rất lớn từ người dân địa phương. Nhân dân trong huyện đã đóng góp 43.690 ngày công, số tiền tự nguyện đóng góp, công trình quy ra tiền là 276.347 triệu đồng và hiến hàng chục nghìn mét đất nông nghiệp cũng như đất ở để mở rộng đường giao thông nông thôn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo nền tảng cho phát triển của địa phương.

Toàn huyện có 43 làng nghề được thành phố công nhận là làng nghề truyền thống; có 546 doanh nghiệp, hợp tác xã và 17.600 hộ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; đã thành lập được 3 cụm công nghiệp, hiện đã khởi công xây dựng 2 cụm công nghiệp làng nghề Đại Thắng và Phú Túc. Thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến năm 2021, toàn huyện có 137 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới nên đời sống của người dân Phú Xuyên cũng ngày càng được nâng lên, thu nhập trung bình đạt hơn 55 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,2%, rác thải sinh hoạt được thu gom vận chuyển đi ngay trong ngày, tỷ lệ 100% người dân dùng nước hợp vệ sinh.

Nhiều sản phẩm da giày của huyện Phú Xuyên đã đạt tiêu chuẩn OCOP, góp phần nâng cao đời sống cho nhân dân địa phương. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Với những kết quả nỗ lực phấn đấu, ngay sau khi về đích huyện nông thôn mới, huyện Phú Xuyên đã bắt tay ngay vào chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Điển hình tại xã Tri Trung, trong 2 năm qua, địa phương đã huy động được 131 tỷ đồng triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó, có 8,2 tỷ đồng là vốn xã hội hoá. Hiện nay, xã đã có cơ sở hạ tầng khang trang với trường học 3 cấp đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có Trường Tiểu học Tri Trung đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Tri Trung không để nợ xây dựng cơ bản. Đặc biệt, kết quả lấy ý kiến hài lòng của người dân với 19 câu hỏi, tỷ lệ hài lòng đạt từ 98,85% đến 99,75%…

Hay tại xã Đại Thắng cũng được lấy làm xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Phú Xuyên. Thôn có 3 mô hình nông nghiệp hiệu quả là trồng chuối, cây công trình, trồng lúa kết hợp nuôi cá. Đồng thời có khu vui chơi, sân bóng đá, bóng chuyền… Các vấn đề về điện, đường trường trạm trên địa bàn xã cũng được xây dựng khang trang, kiên cố. Sau hơn 10 năm xây dựng, xã Đại Thắng trở thành điểm sáng của thành phố về xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, trên địa bàn huyện Phú Xuyên còn có xã Phúc Tiến cũng đạt được nhiều kết quả nổi bật. Năm 2017, xã đã đạt chuẩn nông thôn mới và nỗ lực bước vào luôn giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nâng cao các tiêu chí đã đạt. Hiện xã đã có 100% các tuyến đường trục liên xã, đường trục liên thôn được nhựa hoá; 100% đường trục xã, thôn, ngõ xóm có rãnh thoát nước có nắp đậy.

Qua đợt thẩm định xã nông thôn mới nâng cao mới đây, ông Ngọ Văn Ngôn, Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội cho biết, cả 3 xã: Phúc Tiến, Đại Thắng và Tri Trung của Phú Xuyên đã đủ điều kiện hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022. Theo đó, các phòng, ban, đơn vị thuộc huyện Phú Xuyên bám sát, hướng dẫn 3 xã trong việc hoàn thiện hồ sơ công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao để được cộng điểm thêm một số tiêu chí; đồng thời tiếp tục quan tâm đầu tư để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)