Đường giao thông xã Lam Điền đã được bê tông hóa sạch đẹp nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Ảnh: VGP/Thiện Tâm.
Theo chủ huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa, khi xây dựng nông thôn mới, huyện Chương Mỹ có xã Thụy Hương được Trung ương lựa chọn là một trong 11 xã điểm xây dựng nông thôn mới của cả nước. Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện đã từng bước "thay da đổi thịt", đời sống nông dân cũng không ngừng được cải thiện, nâng cao.
Với vị thế là một huyện ngoại thành, huyện Chương Mỹ xác định nhiệm vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân là một nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang, hiện đại. Theo đó, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. 100% số xã của huyện đã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó có 3 xã là: Thủy Xuân Tiên, Hợp Đồng, Đồng Phú đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021; năm 2022 huyện có thêm 02 xã là: Quảng Bị và Lam Điền đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ đề nghị Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020.
Theo ông Đặng Văn Hùng, chủ tịch xã Lam Điền, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn xã đã tích cực phấn đấu, chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Năm 2015, xã Lam Điền được Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Sau khi đạt chuẩn, Lam Điền tiếp tục phấn đấu duy trì các tiêu chí đạt chuẩn và tiếp tục phấn đấu xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Nhờ xây dựng nông thôn mới, tình hình kinh tế của xã tiếp tục phát triển khá, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29,9 triệu đồng/người/năm (năm 2015) lên 72 triệu đồng/người/năm (năm 2022), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 giảm còn 0.56%. Hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật được quan tâm xây dựng, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Công tác dồn điền đổi thửa, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa đã cơ bản hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp. Hệ thống chính trị ở cơ sở ổn định, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong xã được nâng lên, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cũng được giữ vững.
Với vị trí địa lý là xã có trục kết nối giao thông thuận lợi với tỉnh lộ 419, cách trung tâm huyện trên 4km, cùng thế mạnh sản xuất nông nghiệp chủ lực là rau màu, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi với quy mô trang trại, gia trại ngày càng tăng. Mặt khác lực lượng lao động chủ lực tham gia làm việc tại các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, xí nghiệp trong và ngoài địa bàn với mức thu nhập ổn định thường xuyên từ 7 triệu đến 8 triệu đồng/tháng. Đây là bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, phù hợp với giai đoạn hiện nay và đem giá trị kinh tế về cho địa phương rất lớn.
Năm 2015 Lam Điền được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, đầu tháng 2/2023, Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố do ông Nguyễn Văn Chí làm trưởng đoàn đã đồng thuận với kết quả thẩm tra của Văn phòng điều phối nông thôn mới của huyện, xã Lam Điền đạt được với tổng số 90,15/100 điểm, đủ điều kiện đạt xã chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Trưởng Tiểu học xã Quảng Bị khang trang, sạch đẹp (Đoàn thẩm định nông thôn mới Thành phố kiểm tra thực tế tại trường Tiểu học Quảng Bị). Ảnh: VGP/Thiện Tâm.
Tương tự, tại xã Quảng Bị, sau thời gian nỗ lực xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, xã đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó kinh tế tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 67,5 triệu đồng. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất hàng hóa, mô hình sản xuất liên kết chuỗi có hiệu quả. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ. Thu ngân sách đáp ứng đủ các nhiệm vụ chi của địa phương. Chất lượng giáo dục - đào tạo ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Bên cạnh đó, các vấn đề về bảo đảm an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt. Công tác quốc phòng - quân sự địa phương; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, việc tiếp cận pháp luật của nhân dân ngày càng cao, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật…
Đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân được nâng lên, phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển mạnh, cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân đoàn kết, phấn khởi, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền địa phương. Cơ sở hạ tầng nông thôn được nâng cấp; đường giao thông nội đồng được bê tông hóa phục vụ sản xuất, trạm y tế, trường học khang trang, sạch đẹp, có nhà văn hóa, có nơi tổ chức hội họp, sinh hoạt văn hóa, 93,6% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa.
Trên cơ sở kiểm tra thực tế và thẩm định hồ sơ minh chứng kết quả thực hiện các tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã Quảng Bị đã đạt tổng 90,62/100 điểm. Trong đó, có nhiều tiêu chí, xã đạt số điểm tối đa như: Tiêu chí về nhà ở dân cư, thu nhập, tỷ lệ nghèo đa chiều, giáo dục và đào tạo.....
Theo lãnh đạo huyện Chương Mỹ, nhờ thực hiện xây dựng nông thôn mới, kinh tế các năm của huyện liên tục phát triển, ổn định, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11,9%. Cơ cấu kinh tế đến hết năm 2022 chuyển dịch tích cực, theo hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ. Nếu năm 2010, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 11,3 triệu đồng/người thì đến năm 2022 tăng lên 68,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,27%. Cùng với đó, hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật được quan tâm xây dựng, công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả. Hệ thống chính trị được xây dựng vững mạnh, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân trong huyện được nâng lên.
Đặc biệt, chương trình đã làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn huyện, tạo được sự đồng thuận và hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân. Theo đó đã có những việc làm thiết thực như vệ sinh đường làng ngõ xóm, thu gom rác thải thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, xây dựng các tuyến đường do nông dân, phụ nữ tự quản, nhiều tuyến đường nở hoa, tranh tường bích họa... đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn của huyện Chương Mỹ ngày càng sáng – xanh – sạch – đẹp.
Xác định xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, vì vậy trong thời gian tới huyện Chương Mỹ sẽ không ngừng nỗ lực, phấn đấu đạt được nhiều kết quả trong lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.