Hiện nay, quá trình phát triển đô thị hóa của các thành phố ở Việt Nam diễn ra nhanh chóng. Để có được mặt bằng thi công, nhà thầu buộc phải phá bỏ các công trình cũ trên diện tích thi công. Phá dỡ công trình được đánh giá là công việc nguy hiểm, ảnh hưởng tới tính mạng của người phá dỡ cũng như những người sinh sống xung quanh. Do đó, vấn đề an toàn cần phải được đặt lên hàng đầu.
Ở nước ta đã ban hành nhiều quy định về công tác an toàn lao động nói chung và trong thi công xây dựng nói riêng. Thực trạng về công tác an toàn lao động (ATLĐ) trong thi công phá dỡ công trình trên tại một số địa phương đã được một số bài báo đề cập. Tuy nhiên, các bài viết dưới dạng tin tức, chủ yếu tập trung vào công tác an toàn lao động trong thi công phá dỡ công trình ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Về việc tuân thủ và chấp hành các quy trình, quy phạm, những quy định của Nhà nước về bảo hộ lao động trong thi công phá dỡ công trình ở Việt Nam ít được đề cập tới. Trong khi, số lượng các công trình được thực hiện phá dỡ ngày càng tăng, đặc biệt các công trình nhà ở thấp tầng, những công trình ít chịu giám sát của cơ quan chức năng. Chính vì vậy, việc nghiên cứu thực trạng công tác an toàn lao động trong thi công phá dỡ công trình nhà ở thấp tầng tại Việt Nam rất cần thiết , qua đó đề xuất giải pháp nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn lao động trong thi công phá dỡ công trình là hết sức cần thiết.
Thực trạng công tác phá dỡ công trình ở Việt Nam
Những tồn tại, hạn chế
Trong bối cảnh nhiều công trình được xây dựng từ thời bao cấp, nhà cũ, chung cư, cơ quan cũ… đã xuống cấp, không còn đủ an toàn để sử dụng như hiện nay thì phá dỡ đã là nhu cầu tất yếu. Thế nhưng, lĩnh vực này đang phát triển nếu thiếu chuyên nghiệp. Thị trường phá dỡ chủ yếu phát triển tự phát, theo kiểu mạnh ai nấy làm, không có tổ chức. Trong khi đó, hành lang pháp lý trong lĩnh vực này còn lỏng lẻo, chưa có chế tài rõ ràng, chưa có những quy chuẩn cụ thể dẫn đến nhiều đơn vị không đủ khả năng nhưng vẫn tham gia phá dỡ công trình. Quan trọng nhất trong phá dỡ công trình là phải an toàn. Thực tế, phá dỡ chỉ nhanh hơn xây nhưng đây là một công việc thực sự khó khăn. Nếu đơn vị phá dỡ không có kinh nghiệm, không nắm rõ được kết cấu của công trình sẽ không tính toán được hướng đổ của tòa nhà có thể gây hậu quả khôn lường. Đã có chủ đầu tư, đơn vị không có kinh nghiệm tự phá dỡ xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Việc phá dỡ công trình có thể được hiểu là quá trình tháo rời, dỡ và nhấc xuống dần dần các bộ phận công trình (các bộ phận này vẫn còn nguyên vẹn sau khi tháo, dỡ), hoặc việc đánh sập hay đẩy đổ công trình. Phá dỡ là công việc được thực hiện bằng sức người kết hợp với máy móc, máy móc sẽ là chủ động. Công tác phá dỡ chưa được coi trọng, vì vậy dịch vụ phá dỡ nhà cũ, phá dỡ công trình, tháo dỡ nhà xưởng cũng chưa được đầu tư đúng mức. Việc phá dỡ là công việc trái ngược lại với công việc xây dựng, vì vậy, thi công phá dỡ công trình đòi hỏi sự chuẩn xác, tính khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm và khả năng tài chính của đơn vị thi công.
Qua khảo sát công tác thi công phá công trình nhà ở thấp tầng trên địa bàn Hà Tĩnh, cho thấy một số tồn tại, hạn chế chủ yếu về công tác ATLĐ trong thi công phá dỡ công trình ở nước ta hiện nay như sau:
- Thi công phá dỡ trong không gian chật hẹp gây mất an toàn cho công nhân phá dỡ và những người xung quanh;
- Công tác phá dỡ được thực hiện trong mặt bằng chật hẹp, kết cấu các công trình sát nhau. Do đó, công tác phá dỡ gây tiếng ồn và bụi, ảnh hưởng tới công nhân phá dỡ và những người dân xung quanh;
- Công nhân thường xuyên phải làm việc trong môi trường có nhiều bụi, tiếng ồn, có thể có nhiều nước bẩn ở cống hoặc rãnh chảy ra do đường ống bị vỡ trong quá trình phá, dỡ công trình…Đó là các nguy cơ trực tiếp làm suy giảm sức khỏe người lao động và gián tiếp gây tai nạn lao động
- Người lao động có thể bị các vật rơi hoặc văng vào người như bê tông, gạch, thép hoặc gỗ…trong quá trình phá, dỡ công trình.
- Một số kết cấu hoặc bộ phận khác của công trình như các bức tường cột hoặc dầm…bị sụp đổ trong quá trình tháo dỡ và gây tai nạn lao động.
- Việc chuyển các phế thải và sản phẩm của việc phá, dỡ công trình như: gạch, bê tông vụn hoặc sắt thép…ra khỏi công trường không kịp thời, gây nguy hiểm cho người đi lại do dẫm hoặc va quệt phải những chỗ sắc nhọn.
- Ngoài ra, một số công trình được thực hiện phá dỡ không đúng quy trình, công tác phá dỡ ảnh hưởng ít nhiều đến kết cấu của những công trình xung quanh. Những vấn đề thường gặp phải như nghiêng nhà, nứt tường, nứt sàn, tróc vữa…
Nguyên nhân
Kết quả khảo sát chỉ ra rằng, những tồn tại hạn chế về công tác ATLĐ trong thi công phá dỡ nhà ở thấp tầng chủ yếu do các đơn vị, doanh nghiệp, người lao động không chấp hành các quy định của nhà nước; các cơ quan quản lý nhà nước chưa thường xuyên kiểm tra giám sát quá trình thực hiện. Cụ thể, do các nguyên nhân cơ bản sau:
- Đơn vị thi công
+ Đa số các đơn vị thi công là manh mún nhỏ lẻ, trang thiết bị thi công không đầy đủ, chủ yếu là thủ công. Kỹ thuật phá dỡ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và sức người là chính.
+ Hình thức phá dỡ và phương tiện thi công chưa phù hợp với từng địa điểm, từng mặt bằng thi công: Phá dỡ công trình trong hẻm, trong khu đông dân cư, khu có nhiều người qua lại…
+ Thiết bị phá, dỡ không phù hợp hoặc bị làm hỏng trong quá trình thi công cũng là một trong những nguy cơ gây tai nạn lao động.
+ Máy móc thi công không bảo đảm chất lượng, không được kiểm định, duy tu bảo dưỡng định kỳ. Nhà thầu không thường xuyên kiểm tra điều kiện làm việc tại công trường để có những biện pháp xử lý kịp thời.
+ Việc thực hiện công tác phá dỡ công trình có những lúc, những nơi chưa đúng theo quy trình. Không thực hiện che chắn khu vực thi công và các công trình xung quanh, không thực hiện việc chống đỡ một số kết cấu trước khi phá dỡ
+ Bản thân các nhà thầu chủ yếu chưa qua đào tạo về công tác ATLĐ, không có kiến thức về bảo hộ lao động, không huấn luyện về ATLĐ cho người lao động, hoặc tổ chức huấn luyện chỉ mang tính hình thức, thời gian huấn luyện không đảm bảo;
+ Không trang bị các phương tiện bảo hộ lao động cho công nhân tham gia phá dỡ công trình, hoặc trang bị nhưng không đầy đủ.
- Công nhân phá dỡ
+ Công nhân trong thi công phá dỡ nhà thấp tầng chủ yếu là lao động tự do, lao động phổ thông, phần nhiều chưa được đào tạo bài bản nên ý thức bảo hộ lao động kém, không ý thức được việc đảm bảo ATLĐ cho bản thân;
+ Ngoài việc vi phạm các quy định về an toàn trong quá trình làm việc, người công nhân thiếu ý thức, không sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân;
+ Tình trạng sức khỏe của bản thân người lao động không đảm bảo, công việc nặng nhọc, làm việc trong môi trường ô nhiễm, điều đó làm tăng khả năng xảy ra tai nạn lao động.
- Các cơ quan quản lý nhà nước
+ Việc thanh tra, kiểm tra, xử lý của cơ quan nhà nước đối với các đơn vị thi công phá dỡ còn chưa được thực sự quan tâm chú trọng; chưa thường xuyên, chưa triệt để dẫn đến tình trạng còn nhiều đơn vị sử dụng lao động không chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật
+ Về công tác huấn luyện ATLĐ chưa có chương trình đồng bộ về lý thuyết và thực hành. Cơ sở huấn luyện ATLĐ chưa được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị nhằm tạo cơ hội cho người lao động thực hành thực tế.
Phương hướng và giải pháp
Phương hướng phòng ngừa tai nạn lao động
- Nâng cao nhận thức về an toàn lao động cho người sử dụng lao động và người lao động
Tăng cường tuyên truyền về văn hóa ATLĐ và các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động tại nơi làm việc nhằm kêu gọi người sử dụng lao động và người lao động cùng nhau chung sức thực hiện tốt các quy định của nhà nước về công tác an toàn. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin tuyên truyền về ATLĐ với nhiều hình thức phong phú hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương.
- Tập huấn về an toàn lao động cho người sử dụng lao động và người lao động
Các đơn vị thi công phá dỡ công trình cần phải tổ chức các lớp tập huấn ATLĐ trên công trường cho người lao động của đơn vị mình. Phổ biến các quy định về ATLĐ cho công nhân đối với từng công việc, từng đối tượng cụ thể. Chú trọng đào tạo cán bộ chuyên trách (hoặc bán chuyên trách) về an toàn và cho họ quyền hạn cũng như chế tài nhằm kiểm tra, giám sát người và thiết bị trên công trường.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của nhà nước về an toàn lao động trong thi công xây dựng
Tăng cường công tác hướng dẫn, thanh tra việc thực hiện các quy định của nhà nước về ATLĐ trong thi công phá dỡ công trình, đặc biệt tại các công trình xây dựng nhà ở thấp tầng. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi vi phạm luật pháp lao động, đặc biệt công khai các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp không chấp hành nghiêm chỉnh công tác ATLĐ theo quy định; thực hiện tốt việc phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra kịp thời, xác định chính xác nguyên nhân xảy ra các vụ tai nạn lao động trong các đơn vị tho công, đảm bảo thời gian điều tra, lập biên bản các vụ tai nạn lao động theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện báo cáo tình hình tai nạn lao động trên địa bàn theo đúng quy định.
Ngoài ra, nhằm quản lý tốt các đơn vị tham gia thi công về công tác ATLĐ, cần phải ban hành quy định, các đơn vị thi công phá dỡ phải có giấy phép hành nghề của cơ quan quản lý chuyên môn, chỉ những đơn vị này mới có chức năng thi công phá dỡ nhà ở thấp tầng (tương tự như giấy phép hành nghề của các doanh nghiệp xây dựng). Các cá nhân trực tiếp thực hiện phá dỡ cũng phải có chứng chỉ hành nghề, những công nhân không có chứng chỉ, không được tham gia thi công.
Đề xuất một số biện pháp bảo đảm ATLĐ trong thi công phá dỡ nhà ở thấp tầng
- Biện pháp tổ chức
Để quản lý tốt công tác ATLĐ trong thi công phá dỡ công trình, về mặt tổ chức, cần thực hiện một số biện pháp sau:
+ Lập biện pháp quản lý lối ra, vào công trường
+ Quy định giờ làm việc và không làm việc, trong đó đặc biệt chú ý tới giờ không làm việc vì kết cấu công trình có thể sập đổ bất ngờ trong thời gian này, gây tai nạn cho người trong công trường. Hạn chế tháo, dỡ công trình sau 6 giờ chiều;
+ Xây dựng nội quy, quy trình ATLĐ chung và cho từng công việc cụ thể, lập phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp.
+ Trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và các chế độ khác về ATLĐ theo quy định của nhà nước (quần áo, mũ, giầy bảo hộ lao động, găng tay, khẩu trang, dây an toàn…)
+ Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các tiêu chuẩn, quy định, biện pháp ATLĐ đối với người lao động
+Tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động theo tiêu chuẩn chế độ quy định
+ Bố trí các biện pháp cảnh báo khu vực mất ATLĐ, bố trí đầy đủ các biển báo hiệu, rào ngăn và hệ thống phòng chống cháy, nổ;
+ Có kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định, nội quy, biện pháp ATLĐ trong suốt quá trình phá, dỡ công trình.
+ Xây dựng chế tài cụ thể để đôn đốc việc thực hiện ATLĐ trên công trường
+ Lập phương án và biện pháp cấp cứu trong trường hợp có tai nạn xảy ra phải được chuẩn bị kỹ, lưu ý đến các số điện thoại nóng như 115…)
- Biện pháp kỹ thuật
Về biện pháp kỹ thuật, cần lưu ý những giải pháp như sau:
+ Trước khi phá dỡ, phải khảo sát và đánh giá đúng tình trạng của nền, móng, các kết cấu như: Cột, dầm, sàn, và tường công trình.
+ Biện pháp phá, dỡ phải được lập và tính toán kiểm tra của người có chuyên môn, trong đó chú ý tới mặt bằng phá, dỡ, phương pháp phá, dỡ với các bản vẽ chi tiết.
+ Bố trí đầy đủ máy móc và dụng cụ thi công như máy đào gắn đầu kẹp, đầu búa phá bê tông, máy cắt, khoan bê tông…
+ Khi thi công phá dỡ nhà cũ ở khu đông dân cư, xung quanh công trình cần được che chắc kỹ bằng lưới để tránh văng bê tông và hạn chế bụi ra bên ngoài gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh.
+ Làm biển cảnh báo cho nhân dân xunh quanh về công trình đang thi công phá dỡ, hạn chế người và phương tiện qua lại khu vực đang phá dỡ
+ Trước khi phá dỡ nên tính toán kết cấu của công trình, tính chịu lực của cột và dầm khi phá dỡ. Cần chống đỡ một số kết cấu để tránh cho công trình đang phá dỡ không sụp đổ sang những công trình xung quanh.
+ Nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng đến công trình xung quanh, trước khi phá dỡ công trình, cần lập biện pháp chống đỡ các công trình các công trình lân cận. Đặc biệt, khi đào móng cần có biện pháp gia cố móng cho các công trình xung quanh khỏi bị lún, sụt.
+ Phải kiểm tra tình trạng máy móc thiết bị, phương tiện phục vụ thi công phá dỡ trước khi vận hành. Những người không có trách nhiệm, chưa được học tập quy trình kỹ thuật vận hành, chưa được giao nhiệm vụ thi công thì không được tùy tiện vận hành sửa chữa máy móc thiết bị thi công.
+ Phải tháo toàn bộ hệ thống điện, nước và các hệ thống kỹ thuật của công trình trước khi phá, dỡ công trình.
+ Thực hiện việc phá dỡ công trình theo đúng quy trình, trình tự phá dỡ công trình được thực hiện từ trên cao xuống, theo nguyên tắc hạ dần độ cao.
+ Nên có các giải pháp ngăn chặn bụi như dùng lưới bao che hoặc phun nước liên tục vào các vị trí phát sinh nhiều bụi trong khi phá dỡ, đặc biệt phát sinh trong quá trình thu gom phế thải lên xe vận chuyển.
+ Không nên đốt các phế thải trên công trường mà nên vận chuyển đi. Xem xét hệ thống vận chuyển phế thải sao cho liên tục và giữ cho công trường luôn gọn gàng, sạch sẽ.
Bài viết trao đổi những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân về công tác ATLĐ trong thi công phá dỡ công trình ở nước ta, đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý ATLĐ, góp phần ngăn ngừa và giảm thiểu tai nạn lao động trong thi công phá dỡ công trình. Kết quả của bài viết là tài liệu tham khảo cho các doanh nghiệp, người lao động và các cơ quan quản lý nhà nước về công tác ATLĐ trong ngành Xây dựng.