Một số vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu trong quy hoạch các đô thị ven biển Việt Nam

Friday, 10/29/2021 11:13
Acronyms View with font size

Việt Nam là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu (BĐKH) trên thế giới. Trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều hiện tượng như lũ lụt, sạt lở đất, gió bão, nước biển dâng, xâm nhập mặn…với tần suất ngày càng cao, mức độ tàn phá ngày càng nặng nề hơn đối với môi trường, đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam.

Với bờ biển dài (trên 3.200km) và diện tích đồng bằng ven biển rộng lớn (135.946km2), Việt Nam đã xây dựng được hơn 405 đô thị ven biển. Đó là các thành phố cảng, trung tâm kinh tế biển, các đô thị du lịch và thương mại, dịch vụ - đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Biến đổi khí hậu tạo ra những thiệt hại về kinh tế - xã hội ở các đô thị ven biển nhiều hơn bất cứ nơi nào khác vì vậy quy hoạch đô thị khu vực này cần phải có giải pháp kịp thời về cấu trúc đô thị, sử dụng đất, tổ chức không gian môi trường, cơ sở hạ tầng, cảnh quan, … để đô thị phát triển bền vững và chống chịu, tự phục hồi trước những diễn biến bất thường của BĐKH. Bài viết giới thiệu những ảnh hưởng của BĐKH đối với hệ thống đô thị ven biển Việt Nam và một số giải pháp quy hoạch đô thị nhằm giảm nhẹ và thích ứng với các tác động của BĐKH.

1. Giới thiệu

Việt Nam có bờ biển dài, đồng bằng ven biển rộng là cái nôi để phát triển hệ thống đô thị ven biển đa dạng, phong phú trở thành những trung tâm kinh tế, du lịch và dịch vụ quan trọng, đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Là một trong số những quốc gia được đánh giá là bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất trên thế giới, Biến đổi khí hậu có ảnh hưởng sâu rộng đến mọi lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội và môi trường Việt Nam. Đặc biệt các đô thị ven biển Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với các thách thức lớn của BĐKH như hiện tượng nước biển dâng, xâm nhập mặn, lũ lụt, và thiên tai… làm giảm quỹ đất xây dựng, phá hoại hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật, suy giảm nguồn nước, xáo trộn và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sinh kế của người dân đô thị. Trước những yêu cầu thực tế, Quy hoạch đô thị cần có những thay đổi về cách tiếp cận để góp phần giảm thiểu các tác động bất lợi của BĐKH, giúp các đô thị ven biển Việt Nam chuyển hóa, thích ứng và chống chịu được BĐKH.

2. Hệ thống đô thị ven biển Việt Nam

Với bờ biển dài (trên 3.200km) và diện tích đất liền ven biển rộng lớn 331.221,6km2, phần lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế trên biển khoảng gần 1.000.000 km2 (VIUP-2008), Việt Nam đã xây dựng được hơn 405 đô thị ven biển (Đỗ Tú Lan, 2010). Đó là các trung tâm kinh tế, có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của cả nước hoặc các vùng, địa phương khác nhau. Định hướng quy hoạch các đô thị ven biển Việt Nam là phát triển kinh tế biển, công nghiệp, dịch vụ hàng hải, du lịch nghỉ dưỡng.

Vùng duyên hải Việt Nam bao gồm 28 tỉnh thành đó là: Quảng Ninh, TP Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, TP Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Trong đó 6 tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng trực tiếp với nước biển dâng. Hệ thống đô thị ven biển có 3 thành phố trực thuộc Trung ương (TP Đà Nẵng, Hải Phòng và TP.HCM) 32 đô thị giáp biển, 3 đô thị bị xâm nhập mặn, 5 đô thị cảng biển lớn, 13 đô thị hải đảo.

Khu vực ven biển Việt Nam được chia thành 3 vùng chính như sau:

- Ven biển phía Bắc: gồm 5 tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình với dân số khoảng 8,656 triệu người.

- Ven biển miền Trung gồm 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, dân số khoảng 21,427 triệu người.

- Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long gồm 13 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc TRăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Dân số 17,204 triệu người.

Hầu hết các đô thị ven biển Việt Nam đều là các thành phố tỉnh lỵ, là trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh, hoặc của vùng như Hạ Long, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Vinh, Hà Tĩnh, Đồng Hới, Đông Hà, Huế, Đà Nẵng, Tam Kỳ, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Nha Trang, Phan Thiết, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bạc Liêu, Rạch Giá.

Ngoài ra, các đô thị ven biển còn là các trung tâm chuyên ngành như:

- Đô thị cảng: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chân Mây, Vũng Áng, Cái Lân

- Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng biển: Hạ Lng, Sầm Sơn, Cửa Lò, Đồ Sơn, Hội An, Vũng Tàu.

- Trung tâm đào tạo: Huế, Vinh, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Nha Trang

- Trung tâm công nghiệp mỏ và than: Hạ Long, Cẩm Phả

- Trung tâm kinh tế, dịch vụ, khai thác dầu khí: Vũng Tàu, Dung Quất.

Trong tương lai, các đô thị ven biển vẫn tiếp tục phát triển mạnh, dự báo như sau:

- Số lượng các đô thị ven biển sẽ tăng thêm 70 đô thị đến năm 2025 và 130 đến năm 2050.

- Dân số đô thị ven biển đến năm 2025 sẽ lên đến khoảng 22 triệu người chiếm 66% dân số đô thị cả nước.

- Khu kinh tế tập trung: 15 khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh); Đình Vũ-Cát Hải (Hải Phòng); Nghi Sơn (Thanh Hóa); Đông Nam Nghệ An (Nghệ An); Vũng Áng (Hà Tĩnh); Hòn La (Quảng Bình); Chu Lai (Quảng Nam); Dung Quất (Quảng Ngãi); Vân Phong (Khánh Hòa)…Tạo thành các động lực phát triển cho các khu vực khó khăn, xóa khoảng cách giữa đô thị với nông thôn. (Nguồn Đỗ Tú Lan, 2010)

3. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến các đô thị ven biển Việt Nam

Trong vòng 50 năm qua, khí hậu Việt Nam có những biến đổi rõ rệt, nhiệt độ trung bình năm của Việt Nam đã tăng thêm 0,70C, mực nước biển dâng tăng thêm 20cm, thiên tai đặc biệt là lũ lụt, hạn hán xảy ra ngày càng nhiều. Theo dự báo mới nhất thì cùng với tốc độ đô thị hóa ảnh hưởng của BĐKH cũng ngày càng nghiêm trọng hơn.

Năm 2009 Chính phủ Việt Nam đã công bố Kịch bản BĐKH đầu tiên cho Việt Nam trên cơ sở tổng hợp các nghiên cứu trong và ngoài nước. Mức độ chi tiết của các kịch bản mới chỉ giới hạn cho 7 vùng khí hậu và dải ven biển Việt Nam để kịp thời phục vụ các Bộ, ngành và các địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu.

Năm 2011, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu được ban hành, xác định mục tiêu cho các giai đoạn và các dự án ưu tiên. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng dựa trên các nguồn dữ liệu, các điều kiện khí hậu cụ thể của Việt Nam và các sản phẩm của các mô hình khí hậu.

Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho Việt Nam năm 2015 được cập nhật theo lộ trình đã được xác định trong Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, nhằm cung cấp những thông tin mới nhất về những biểu hiện, xu thế biến đổi của khí hậu trong quá khứ và kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thế kỷ 21 ở Việt Nam.

Theo kịch bản này, trong vòng 100 năm mực nước biển Việt Nam có thể dâng từ 27cm đến 66cm (theo RCP 2.6), hoặc từ 49cm đến 102cm (theo RCP 8.5).( Bảng 1). Như vậy sẽ có khoảng 45% diện tích khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ngập dưới mực nước biển. Ngoài nguy cơ suy giảm quỹ đất, các đô thị ven biển Việt Nam còn đối diện với các vấn đề khác như khả năng bị phá hủy hệ thống hạ tầng kỹ thuật; suy giảm nguồn nước sinh hoạt; suy giảm sinh kế, việc làm; xáo trộn đời sống sinh hoạt do lũ lụt, xâm ngập mặn và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác.

Đơn vị: cm

Kịch bản

Các mốc thời gian của thế kỷ 21

2030

2040

2050

2060

2070

2080

2090

2100

RCP2.6

13

(8÷19)

17

(10÷25)

21

(13÷32)

26

(16÷39)

30

(18÷45)

35

(21÷52)

40

(24÷59)

44

(27÷66)

RCP4.5

13

(8÷18)

17

(10÷25)

22

(14÷32)

28

(17÷40)

34

(20÷48)

40

(24÷57)

46

(28÷66)

44

(27÷66)

RCP6.0

13

(8÷17)

17

(11÷24)

22

(14÷32)

27

(18÷39)

34

(22÷48)

41

(27÷58)

40

(32÷69)

44

(27÷66)

RCP8.5

13

(9÷18)

17

(12÷26)

25

(17÷35)

32

(22÷46)

41

(28÷58)

51

(34÷72)

40

(42÷87)

44

(49÷103)

(Bảng 1: Kịch bản nước biển dâng cho dải ven biển Việt Nam theo các kịch bản - Bộ Tài nguyên Môi trường, 2016)

4. Quy hoạch các đô thị ven biển Việt Nam

Các đô thị ven biển luôn được chú trọng trong các chiến lược phát triển và quy hoạch lãnh thổ của Việt Nam. Ngày 22/10/2018, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TƯ về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những đô thị ven biển trở thành hạt nhân thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.

Ngày 5/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về việc ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đưa ra các nội dung, giải pháp về quản trị biển và đại dương, quản lý vùng bờ. Trong đó, về phát triển kinh tế biển, ven biển tập trung vào các lĩnh vực:

- Dịch vụ du lịch

- Kinh tế hàng hải và cảng biển

- Kinh tế dầu khí và khoáng sản

- Nuôi trồng hải sản

- Bảo đảm quốc phòng, an ninh trên các vùng biển, hải đảo của Tổ quốc

Trong hệ thống đồ án quy hoạch, theo Luật Quy hoạch mới, Việt Nam có quy hoạch không gian biển quốc gia chú trọng đến việc phân vùng chức năng và sắp xếp, phân bố hợp lý không gian các ngành, lĩnh vực trên vùng đất ven biển, các đảo, quần đảo, vùng biển, vùng trời thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.

5. Nguyên tắc quy hoạch đô thị ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu

Quy hoạch đô thị các ven biển cần bám sát các mục tiêu và cụ thể hóa các chủ trương, kế hoạch của Đảng và Nhà nước, thay đổi cách tiếp cận để ứng phó với BĐKH. Nguyên lý quy hoạch trước đây đã tương đối đầy đủ các nội dung từ phân tích đánh giá điều kiện tự nhiên, hiện trạng đến dự báo, tính toán các chỉ tiêu và đề xuất giải pháp quy hoạch, tuy nhiên trước những biến đổi rõ rệt của khí hậu đối với khu vực ven biển trong thế kỷ XXI đòi hỏi phải bổ sung, cải tiến quy trình và phương pháp nghiên cứu cho phù hợp

Cụ thể, trong quy trình quy hoạch cần phải:

- Thu thập dữ liệu liên quan đến biến đổi khí hậu trong giai đoạn đầu của mỗi đồ án quy hoạch

- Phân tích, đánh giá tiềm năng đất đai và các rủi ro khác do biến đổi khí hậu gây ra

- Đánh giá môi trường đô thị để xem xét tác động của nó đến khí hậu và ngược lại

- Đánh giá nhu cầu tiềm năng để xây dựng công trình sản xuất năng lượng tái tạo, trên cơ sở các kịch bản giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính và đề xuất vị trí thuận lợi để xây dựng (khu vực điện gió, điện mặt trời…)

- Giám sát việc thực hiện quy hoạch đô thị, bao gồm cả quan sát khí hậu

Khi triển khai lập quy hoạch các đô thị ven biển Việt Nam ngoài những nguyên tắc chung có những nguyên tắc riêng để đáp ứng yêu cầu đặc thù riêng của khu vực ven biển và phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương. Đó là:

- Nguyên tắc 1: Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên thiên nhiên, hệ sinh thái ven biển

Cần duy trì và phục hồi tồn tại các hệ sinh thái tự nhiên và cảnh quan. Thiết lập một khung thiên nhiên bền vững của đô thị bao gồm ven bờ, bờ biển, các dải cây xanh công viên ven biển, các dòng sông, suối kết hợp với biển và các núi, đồi tạo cảnh quan, các vùng nông lâm nghiệp thành phố… Đây là nền tảng rất cơ bản để các đô thị ven biển phát triển bền vững.

Phải rà soát, thống kê một cách có hệ thống các tài nguyên thiên nhiên ven biển của khu vực, phân tích cụ thể những tài nguyên đã sử dụng hiệu quả hay không hiệu quả. Đảm bảo phân loại các khu vực khác nhau theo đặc thù hệ sinh thái, ví dụ như khu vực cần bảo tồn, tôn tạo hay phát triển, tạo thêm những hiệu quả sinh thái và kinh tế…Quỹ đất ven biển là tài nguyên hữu hạn của môi đô thị do đó việc sử dụng phải được tính toán cẩn thận, đảm bảo hài hòa lợi ích của cộng đồng, đảm bảo giữ các không gian mở ra biển hợp lý, duy trì nhiều công viên ven biển cho lợi ích lâu dài của đô thị biển.

- Nguyên tắc 2: Đảm bảo hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tiện ích đô thị thích hợp, hiện đại, kết nối đồng bộ cả khu vực đô thị hiện hữu và xây mới.

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và tiện ích đô thị được thiết kế và đầu tư phát triển phù hợp với điều kiện thực tế của đô thị, tiện lợi sử dụng nhưng không làm ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái đô thị.

Các đô thị ven biển có không gian sinh thái rất nhạy cảm, do đó việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật như đê, kè ven biển, ven sông phải đảm bảo nguyên tắc bền vững kỹ thuật nhưng đồng thời phải mỹ quan và tiện dụng, dễ phục hồi sinh thái ven biển. Các hệ thống cống nước thải chưa xử lý không được thải ra sông và ven biển, các công trình đầu mối kỹ tuật đô thị không sử dụng những vị trí có cảnh quan đẹp ven biển.

Hệ thống giao thông kết nối thuận lợi đối với các khu vực trong đô thị, đảm bảo các bãi đỗ xe không chiếm dụng đất giá trị ven biển. Đối với các đô thị du lịch phải đảm bảo hệ thống xe không ô nhiễm môi trường (như xe điện) phục vụ khu vực các trục ven biển, không thiết kế các trục đường xe lớn sát ven biển. Các công trình tiện ích đô thị phải có thiết kế đẹp đóng góp thêm cảnh quan đô thị.

Đối với khu vực du lịch biển, khuyến khích có nhiều phố đi bộ ven biển, tăng cường giao tiếp xã hội, thiết kế cảnh quan đẹp và đảm bảo môi trường sạch, sinh thái cho đô thị.

- Nguyên tắc 3: Đảm bảo an toàn môi trường phát triển bền vững

Đô thị phát triển đồng nghĩa với sự gia tăng dân số và khách du lịch, cũng như các hoạt động kinh tế xã hội cũng phát triển, đặc biệt là hệ thống dịch vụ du lịch, ăn uống. Quy hoạch và phát triển, đặc biệt là hệ thống dịch vụ du lịch, ăn uống. Quy hoạch và phát triển đô thị cần đảm bảo xác định đủ quy mô và hình thái phát triển, tạo lập các không gian hợp lý cho các loại hình kinh tế đặc thù này phát triển không làm ô nhiễm môi trường.

Đô thị kinh tế biển như cảng biển phải đảm bảo các nguyên tắc bảo vệ môi trường do sự khai thác cảng biển, các cụm kho xăng dầu và các khu công nghiệp, khu chế xuất ven biển phải đảm bảo giữ gìn môi trường sạch ven biển.

Đảm bảo các không gian sống của dân cư đô thị ven biển không bị ô nhiễm môi trường và có điều kiện tiếp cận các không gian mở ven biển một cách tối đa nhất.

- Nguyên tắc 4: Kết hợp hài hòa khai thác phát triển kinh tế biển hiệu quả với bảo tồn sinh thái biển

Để triển khai các loại hình kinh tế biển phong phú và đa dạng, cần xây dựng các cơ sở sản xuất, khai thác, dịch vụ trên biển và ven biển, các hoạt động có tương hỗ với nhau trong quá trình phát triển, đặc biệt đối với các đô thị đa chức năng, vừa có cảng  biển, vừa hoạt động dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí khai thác nuôi trồng thủy hải sản, công nghiệp chế biến, thậm chí có cả khai thác dầu khí…Các cơ sở kinh tế cần được quy hoạch với quy mô thích hợp đảm bảo hiệu quả khai thác nhưng không áp tải và phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên của khu vực. (VIUP, 2008)

- Nguyên tắc 5: Đảm bảo quốc phòng an ninh

Các đô thị ven biển Việt Nam ngoài chức năng là các trung tâm kinh tế còn giữ các vị trí xung yếu, quan trọng trong hệ thống phòng thủ, an ninh biển của Việt Nam. Quy hoạch đô thị ven biển cần đặc biệt chú ý đến vấn đề này nhất là các đô thị hải đảo. Tạo động lực phát triển hợp lý, tổ chức không gian đô thị thuận lợi cho cuộc sống, sinh hoạt để quân - dân bám đất, bán đảo, an tâm sinh sống và phát triển. Mỗi đô thị ven biển, hải đảo là những chốt tiền tiêu, giữ vững chủ quyền, đất đai cho Tổ quốc.

6. Kết luận

Các đô thị ven biển Việt Nam trong giai đoạn mới phải đối diện với những thách thức to lớn do ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu, đặc biệt hiện tượng gia tăng nhiệt độ, nước biển dâng. Vì vậy, quy hoạch đô thị cần có những thay đổi về phương pháp về nguyên lý quy hoạch, chú trọng nghiên cứu các tác động của BĐKH đến quỹ đất, đến không gian kiến trúc cảnh quan và hệ thống hạ tầng đô thị để kịp thời ứng phó và chống chịu với BĐKH. Những thay đổi này cần đồng bộ và hệ thống từ khảo sát, đánh giá hiện trạng đến tính toán dự báo các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật, đề xuất các giải pháp quy hoạch.

Cách tiếp cận của quy hoạch đô thị cũng chuyển đổi từ ngăn chặn, phòng chống sang giảm nhẹ, thích ứng với BĐKH. Quy hoạch đô thị nhằm tăng cường khả năng chống chịu, tự phục hồi cho các đô thị ven biển trước các hiện tượng khí hậu cực đoan, thiên tai do BĐKH gây ra. Đồng thời xây dựng hệ thống các đô thị ven biển, vững chắc về quốc phòng an ninh, bảo vệ hệ sinh thái và môi trường biển bền vững.

Source: Tạp chí Khoa học Kiến trúc & Xây dựng, Số 40/2021

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)