Hướng dẫn giải quyết sự cố vỡ thủy điện Ia Krel 2

Friday, 06/21/2013 07:14
Acronyms View with font size
Ngày 19/6/2013, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng đã có văn bản số 164/GĐ-GĐ2 gửi Sở Xây dựng và Sở Công thương Gia Lai về việc hướng dẫn giải quyết sự cố vỡ đập công trình Thủy điện Ia Krel2.

Công văn nêu rõ, sau khi xảy ra sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krel 2 (tỉnh Gia Lai),thực hiện chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Xây dựng thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định) đã tổ chức Đoàn công tác phối hợp với đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng, Sở Công thương và một số chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy điện kiểm tra hiện trường và làm việc với các chủ thể tham gia xây dựng công trình thủy điện Ia Krel 2. Trên cơ sở kết quả kiểm tra và ý kiến của các chuyên gia, Cục Giám định hướng dẫn giải quyết sự cố vỡ đập công trình Thủy điện Ia Krel 2 với 3 nội dung chính là bảo vệ hiện trường sự cố, giám định nguyên nhân sự cố và khắc phục sự cố.

Về bảo vệ hiện trường sự cố:UBND tỉnh Gia Lai cần sớm yêu cầu chủ đầu tư thực hiện cắm biển cảnh báo và tổ chức bảo vệ khu vực hiện trường vỡ đập. Trường hợp cần thiết, có thể tiến hành phá dỡ một phần đập tại vai trái để tránh ảnh hưởng đến phần đập còn lại.

Về tổ chức giám định nguyên nhân sự cố:Đập công trình thủy điện Ia Krel 2 bị vỡ là sự cố cấp II, theo quy định, UBND tỉnh Gia Lai có tránh nhiệm tổ chức giám định nguyên nhân chính xác, khắc phục triệt để, đảm bảo chất lượng công trình theo quy định của thiết kế. Nhằm thuận lợi trong quá trình thực hiện giám định nguyên nhân sự cố, UBND tỉnh Gia Lai có thể chỉ định một cơ quan đầu mối giúp thực hiện công việc trên.

Cơ quan tổ chức giám định này có thể trực tiếp thực hiện hoặc chỉ định tổ một chức tư vấn kiểm định có năng lực phù hợp để giám định nguyên nhân sự cố. Nội dung thực hiện giám định nguyên nhân sự cố theo quy định tại Khoản 2 Điều 39 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP, trong đó tập trung vào việc kiểm tra, đánh giá hồ sơ thiết kế, hồ sơ quản lý chất lượng, các kết quả thí nghiệm, các số liệu quan trắc tại các hạng mục xảy ra sự cố như đập dâng, cống dẫn dòng và xem xét mực nước hồ tại thời điểm xẩy ra sự cố.

Trường hợp cơ quan tổ chức giám định nguyên nhân sự cố trực tiếp thực hiện giám định thì cần lưu ý lựa chọn các cá nhân có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn phù hợp để thực hiện. Trên cơ sở báo cáo giám định nguyên nhân sự cố, UBND tỉnh Gia Lai làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xảy ra sự cố này.

Về khắc phục sự cố:Sự cố trong quá trình tích nước tại công trình thủy điện Ia Krel 2 không những phá hỏng một phần đập và toàn bộ cống dẫn dòng mà còn làm ảnh hưởng đến chất lượng của phần đập. Do đó, Chủ đầu tư cần thuê một đơn vị tư vấn đủ năng lực theo quy định phối hợp cùng tư vấn thiết kế để khảo sát, đánh giá hiện trạng của phần đập đất còn lại (trong trường hợp Chủ đầu tư tiếp tục sử dụng phần đập này) và kiểm định lại chất lượng các hạng mục đã thi công như đập tràn, tuyến năng lượng, nhà máy…

Việc đánh giá thực trạng chất lượng đập đất và kiểm định chất lượng các hạng mục này cần tập trung vào các việc như: Khảo sát hiện trạng khu vực xảy ra sự cố và các hạng mục đã thi công của công trình. Kiểm tra kích thước hình học và lấy mẫu thí nghiệm để xác định các chỉ tiêu cơ, lý… tại các bộ phận, hạng mục để xảy ra sự cố và các hạng mục đã thi công theo quy định. So sánh kết quả thí nghiệm với yêu cầu của chỉ dẫn kỹ thuật và hồ sơ thiết kế. Kiểm tra chất lượng khảo sát, thiết kế trong đó đánh giá sự phù hợp việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, giải pháp thiết kế và khả năng đảm bảo ổn định và chống thấm của đập dâng, đập tràn, đặc biệt lưu ý tại các khu vực tiếp giáp hai vai đập và đáy đập với nền đập. Kiểm tra tình trạng làm việc của các thiết bị quan trắc và công tác xử lý số liệu quan trắc theo thiết kế. Kiểm tra hồ sơ quản lý chất lượng và biện pháp thi công thực tế.

Trên cơ sở báo cáo giám định nguyên nhân sự cố và kết quả khảo sát, đánh giá hiện trạng công trình, nhà thầu xây dựng và tư vấn thiết kế đề xuất giải pháp khắc phục. Đề cương khảo sát hiện trạng và thiết kế khắc phục sự cố phải được Sở Công thương thẩm tra trước khi Chủ đầu tư phê duyệt theo quy định.

Văn bản cũng lưu ý, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể chỉ định một tổ chức tư vấn để kiểm tra, tính toán đánh giá lại khả năng chịu lực của đập và các hạng mục công trình đã được thi công xây dựng theo quy định tại Điều 32 và Điều 38 của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP trước khi cho phép Chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công hoặc đưa công trình vào sử dụng.

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)