Tại Văn bản1433/VPCP-KTTH phát hành chiều 5/3, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho 4 Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin và Truyền thông cùng Ngân hàng Nhà nước tổ chức thực hiện ngay một số biện pháp kiềm chế lạm phát.
Văn bản này được ban hành tiếp sau 2 ngày Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 (ngày 2-3/3/2010) chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thị trường, và chỉ sau 1 tuần tính từ văn bản 1269/VPCP-KTTH (ngày 27/2/2010) về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp kiềm chế lạm phát trong năm 2010.
Vận tải, xi măng, sắt thép, gạo, sữa, thuốc,... phải được kiểm soát
Nhìn từ thực tế hiện nay, mặc dù các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát nhưng giá cả nhiều loại hàng hóa vẫn đang có xu hướng tăng, gây ảnh hưởng không tốt đến việc bảo đảm các cân đối vĩ mô của nền kinh tế, cũng như gây tâm lý bất lợi trong dư luận xã hội.
Để sớm khắc phục tình trạng này, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ quy định của Pháp lệnh Giá đối với các loại hàng hóa, dịch vụ, trước hết là những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đối với sản xuất và đời sống như: vận tải, xi măng, sắt thép, phân bón, gạo, sữa, thuốc chữa bệnh,...; đồng thời yêu cầu các tổ chức, cá nhân kinh doanh phải tuân thủ đầy đủ các quy định về đăng ký giá, niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm các quy định về quản lý giá.
Kiểm tra ngay việc điều chỉnh giá bán xăng dầu
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ngay việc kiểm tra, kiểm soát đối với việc điều chỉnh giá bán của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đồng thời làm tốt trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiềm chế lạm phát; nghiên cứu, trình sớm với các cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các quy định hiện hành về kinh doanh xăng dầu cho phù hợp với tình hình và yêu cầu về quản lý kinh doanh nhằm kiềm chế lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện có hiệu quả chính sách tiền tệ, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao, vừa bảo đảm vốn cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Giảm nhập siêu, hỗ trợ tiêu thụ cà phê cho nông dân
Bộ Công Thương cũng được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế tiếp tục thực thi các biện pháp nhằm giảm nhập siêu trong thời gian tới, trong đó cần đặc biệt chú ý đến việc áp dụng các hàng rào kỹ thuật phù hợp với quy định quốc tế để hạn chế nhập khẩu các hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, trình gấp với Thủ tướng Chính phủ cơ chế hỗ trợ các doanh nghiệp mua cà phê để tiêu thụ cho người trồng cà phê khi giá cà phê xuất khẩu xuống thấp. Bộ này cũng chủ trì nhiệm vụ trình Thủ tướng Chính phủ thí điểm cơ chế khoán đối với hoạt động nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp.
Thông tin về quyết tâm và khả năng kiểm soát lạm phát
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin khách quan, kịp thời về giá cả thị trường, về quyết tâm và khả năng kiểm soát lạm phát, không tạo tâm lý đua nhau tăng giá.
Đây cũng là vấn đề thời sự được báo giới đặc biệt quan tâm và đã trao đổi với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Người phát ngôn của Chính phủ trong cuộc họp báo chiều 3/3.
Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc, không nên quá lo lắng về vấn đề tăng giá trong hai tháng đầu năm. “Chúng ta đủ khả năng để kiểm soát lạm phát”, ông nói. Song cũng không được coi thường và không để lạm phát cao quay trở lại. Chính phủ tiếp tục có các biện pháp tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất, kiểm soát triển khai đầu tư, nếu dự án nào kém hiệu quả thì phải kiên quyết cắt bỏ.
Phân tích của ông Lê Đức Thúy, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, nếu nhìn vào con số thì vấn đề không có gì đột biến. Tính từ năm 2003, lạm phát cả năm là 3%; 2004 -9,5%; 2005 -8,4%; 2006 -6,6%; 2007 -12,6%; 2008 -19,89%; 2009 -6,32%; 2010- hai tháng đầu năm là 3,35%. Do đó, chưa có gì phải quá lo lắng về mức tăng giá của hai tháng đầu năm, cũng như lo ngại lạm phát tăng cao quay trở lại.
Như vậy có thể thấy thông điệp của Chính phủ là lạm phát nằm trong tầm kiểm soát và Chính phủ cũng đang tập trung đánh giá, phân tích những vấn đề liên quan đến lạm phát – bao gồm nguyên nhân và giải pháp, không để lạm phát cao quay trở lại.
Theo : www.chinhphu.vn