Càng gần đến ngày kỷ niệm lớn của đất nước 2-9, không khí lao động và làm việc của cán bộ, kỹ sư, công nhân Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam LILAMA lại càng khẩn trương và sôi nổi.
Kỹ sư trẻ Lilama - Những Tổng công trình sư tương lai của Đất nước trên công trình khí điện Cà Mau Ảnh Nguỵ Hoàng Sơn
Tổng Giám đốc Phạm Hùng cho biết, trên các công trường nhiệt điện Uông Bí mở rộng và Cà Mau lúc này, khu làm việc của Ban Quản lý BQL các dự án vẫn sáng đèn hàng đêm. Các chuyên gia tư vấn, cùng các cán bộ, kỹ sư LILAMA đang làm việc hết sức mình để các công trình được thực hiện theo đúng tiến độ đề ra.
Nhớ lại những ngày tháng 3/2001 được Chính phủ tin tưởng giao cho Tổng Công ty TCT làm tổng thầu EPC từ khâu khảo sát thiết kế đến chế tạo, cung cấp thiết bị và tổ chức quản lý thi công xây lắp Dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng công suất 300 MW. Ông tâm sự: Đây là lần đầu tiên những người thợ lắp máy Việt Nam làm chủ một công trình trọng điểm quốc gia có tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD, công việc mà trước đây thường do các nhà thầu nước ngoài đảm nhiệm. Với riêng ông và với những cán bộ, kỹ sư, công nhân LILAMA, đây không chỉ là niềm tự hào, vinh dự mà còn là trọng trách, danh dự của một doanh nghiệp với sự phát triển kinh tế và sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, lớn hơn cả những giá trị về mặt kinh tế.
Sau hơn ba năm vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, có những lúc tưởng chừng như không thể vượt qua được, giờ đây, thành quả lao động đang từng ngày, từng giờ hiện ra trước mắt. Với việc tập trung mọi nguồn lực, phương tiện thiết bị, làm việc 3 ca liên tục kể cả ngày nghỉ với quyết tâm bảo đảm tiến độ, đến nay, khối lượng thiết kế của dự án đã thực hiện được 99.97%, công tác thi công đạt 99,47% và công tác hiệu chỉnh và chạy thử thiết bị đạt 55,79%. Ông Nguyễn Đình Hải, phó TGĐ Lilama, trưởng đại diện Lilama tại công trình cho biết, các đơn vị của LILAMA đang khẩn trương thực hiện các công việc để đạt mục tiêu hòa đồng bộ lưới điện và đốt lò bằng than lần đầu trong tháng 9, hoàn thiện hệ thống cấp hơi vào tua bin, hệ thống điều chỉnh và bảo vệ tua bin máy phát, hệ thống kích thích máy phát sẵn sàng nhận hơi cho thử vượt tốc, cân van an toàn và hòa đồng bộ; kết thúc hiệu chỉnh hệ thống thải xỉ và hệ thống thu tro khô chuẩn bị thải xỉ khí đốt lò bằng than, hệ thống bơm nước trở về sẵn sàng vào làm việc; phối hợp với EVN để hiệu chỉnh hệ thống kết nối với trạm Tràng Bạch và Trung tâm điều độ quốc gia sẵn sàng phục vụ công tác hòa điện lên lưới. Riêng ở dự án này, những người thợ lắp máy đã chế tạo hơn 21.000 tấn thiết bị trong tổng số 33.000 tấn thiết bị của nhà máy.
Ngày 6/8 vừa qua, trong chuyến đi kiểm tra tiến độ xây dựng dự án, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ghi nhận những cố gắng của các đơn vị tư vấn, giám sát và thi công, đảm bảo tiến độ của công trình. Theo Thủ tướng, công trình này, không những đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam mà còn mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế và giải quyết việc làm cho người lao động, vấn đề xã hội hết sức quan tâm.
Cùng với Nhiệt điện Uông Bí, LILAMA cũng đang đẩy nhanh tiến độ Dự án nhiệt điện Cà Mau 1, 2 có công suất 1.500MW. Đây là công trình thuộc cụm công trình khu công nghiệp khí - điện - đạm Cà Mau, khu công nghiệp lớn, mang tầm vóc quốc gia với tổng vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD. Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì bắt đầu từ tháng 3/2008 nhà máy điện số 1 và số 2 Cà Mau sẽ cung cấp khoảng 10 tỷ kWh /năm cho hệ thống điện quốc gia, chiếm 18% sản lượng điện của đất nước. Khi đi vào hoạt động, sẽ giải quyết một phần đáng kể điện năng cho đất nước, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Cà Mau và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Kỹ sư Đỗ Ngọc Thạch, Giám đốc công trường BQL dự án nhiệt điện Cà Mau cho biết, đến thời điểm này, trên công trường Nhà máy điện Cà Mau 1, công tác xử lý nền vùng 6 đã hoàn thành gia tải và trong giai đoạn chờ cố kết; vùng 3 đang gia tải và trong giai đoạn cố kết theo tiến độ. Tại gói thầu 1, 8 chuyến hàng kết cấu thép với tổng khối lượng gần 500 tấn đã về đến công trường, các đơn vị thi công đang triển khai thi công công trình phụ trợ và đã lắp đặt được 341/816 tấn cho 11&12 UMB của nhà tua bin khí. Vùng sân trạm Bay 2, đang triển khai lấp đất và đầm nén, vùng sân trạm phái đông bay 1 đã đổ bê tông giai đoạn 1 được 73/73 móng, đang ghép cốt thép cho đổ bê tông giai đoạn 2 thuộc gói thầu xây dựng 4... Việc xử lý nền nhà máy điện Cà Mau 2 cũng đang được thực hiện theo đúng tiến độ. Các đơn vị thi công phấn đấu trong tháng 8 sẽ hoàn thành cơ bản lắp kết cấu thép nhà tua bin khí, hoàn thành đổ bê tông móng tua bin khí số 1 & 2 đợt 2, đổ bê tông móng ống khói rẽ nhánh, hoàn thành móng sânt rạm và triển khai thi công móng bồn dầu. Theo Giám đốc BQL dự án thì tiến độ thực hiện các dự án luôn được kiểm soát.
Trong các dự án EPC, P chiếm tỷ trọng tới 70%. Ngoài các thiết bị công nghệ nhập khẩu thì phần lớn được chế tạo trong nước và để làm tốt công tác này, ngay từ năm 2000, LISEMCO đã được TCT đầu tư trang bị toàn bộ dây chuyền máy công nghiệp của các nước có nền công nghiệp tiên tiến như Đức, Ý, Nhật, Hàn Quốc. Hơn 10.000 tấn thiết bị và kết cấu thép của nhiệt điện Uông Bí được chế tạo tại đây. Từ đầu năm đến nay, LISEMCO đã và đang triển khai thực hiện 32 dự án với khối hượng khoảng 30.000 tấn trong đó, khối lượng chế tạo thiết bị và KCT là 23.700 tấn chỉ tiêu TCT giao là 20.000 tấn và khối lượng ĐM và SC tàu 7.000 tấn với tổng giá trị thực hiện là khoảng 800 tỷ, riêng phần đóng tàu chiếm 350 tỷ.
Ngoài ra, LISEMCO cũng đã tập trung đẩy mạnh công tác đầu tư nâng cao năng lực sản xuất của đơn vị như đầu tư, mua sắm các thiệt bị chuyên dụng cho sản xuất kết cấu thép lò hơi gồm máy nắn dầm, máy cưa đầu dầm, máy phay đầu dầm chuyên dụng; mua sắm thêm 01 cổng trục 30 tấn khẩu độ 42 m cho bãi tổ hợp thếit bị; trang bị thêm các thiết bị sản xuất khác như máy hàn hồ quang, máy hàn bán tự động, máy cắt và các thiết bị dụng cụ khác.
Ngoài việc đầu tư nâng cao năng lực, công suất nhà xưởng, kỹ thuật và quản lý hiệu quả, Công ty đặc biệt quan tâm đến yếu tố con người. Ông Trần Việt Khánh, Giám đốc công ty cho biết: Đây là yếu tố mang tính quyết định; người lao động được chăm sóc chu đáo, đảm bảo mọi quyển lợi họ sẽ đem hết sức mình để sản xuất và sáng tạo, luôn tìm cách để có được năng suất lao động cao nhất. Theo ông Khánh thì từ đầu năm 2006, số CBCNV là 1.400 người, tháng 4 công ty tuyển dụng thêm 300 công nhân và dự kiến đến tháng 9 tổng số CBCNV sẽ tăng lên 2000 người. Cùng với việc tăng về số lượng, công ty liên tục tổ chức các lớp đào tạo, nâng cao trình độ quản lý cho cán bộ kỹ sư, tay nghề cho công nhân. Quan hệ tốt với các trường đại học, trường đào tạo dạy nghề trong và ngoài ngành để tuyển chọn cán bộ, kỹ sư và công nhân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và sức phát triển của công ty.
Bộc bạch với chúng tôi lúc chia tay, vẫn cái giọng còn chút e dè của một giám đốc mới song đầy quả quyết và hóm hỉnh, rằng: …Vẫn là những nỗi lo nhưng đây là những nỗi lo lắng đáng mừng - trước đây lo sao có đủ việc làm cho hơn nghìn công nhân thì nay lo là hiện 2000 công nhân có đủ cho công việc và sự phát triển đi lên của công ty hay không.
Một nhà máy nhiệt điện Uông Bí hiện đại đang dần hiện hữu và với những gì đang diễn ra trên công trường nhiệt điện Cà Mau, tại LISEMCO cũng như trên nhiều công trình, dự án lớn khác do LILAMA làm tổng thầu đã khẳng định ý chí vươn lên của những cán bộ, kỹ sự, thợ lắp máy LILAMA.
Việc thực hiện thành công vai trò tổng thầu EPC của dự án nhiệt điện Uông Bí đã tạo động lực để LILAMA từng bước vươn lên vai trò làm chủ, từ đó, đủ sức cạnh tranh với các nhà thầu quốc tế trong các dự án lớn trong và ngoài nước.
Đồng thời, qua các dự án EPC, LILAMA cũng đã xây dựng được đội ngũ quản lý dự án, kỹ sư thiết kế, thi công giám sát vận hành có nhiều kinh nghiệm mang tính chuyên nghiệp cao, cùng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, thạo việc. Với đội ngũ này, LILAMA sẽ thực sự chuyển mình và khẳng định được "thương hiệu" trong lĩnh vực chế tạo thiết bị đồng bộ, tạo đà để vững chắc để vươn tới vị trí là tập đoàn công nghiệp mạnh theo đúng lời của Tổng Giám đốc Phạm Hùng "mạnh về sức mạnh nội tại, về khả năng tài chính, chiến lược phát triển và khả năng cạnh tranh...."./.
Ngụy Hoàng Sơn