Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ: Giải quyết hài hòa giữa phát triển đô thị với đảm bảo sinh kế người dân

Monday, 03/08/2021 16:45
Acronyms View with font size

Vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Huyện ủy Gia Lâm về kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020, 2 tháng đầu năm 2021; phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 và giai đoạn 2021-2025.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ thăm Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt của Công ty Quang Vinh, xã Bát Tràng

Cùng tham gia buổi làm việc có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Nguyễn Lan Hương; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hoàng Trọng Quyết; Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn; lãnh đạo một số sở, ban, ngành Thành phố.

Trước khi làm việc với Huyện ủy Gia Lâm, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đã đi thăm, kiểm tra công tác sản xuất kinh doanh, trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại một số cơ sở sản xuất trong làng nghề gốm sứ Bát Tràng.

Huyện Gia Lâm nêu 5 nhóm kiến nghị để phấn đấu đến năm 2023 lên quận

Báo cáo với Bí thư Thành ủy và đoàn công tác Thành phố, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Việt cho biết: Năm 2020, bên cạnh việc tập trung lãnh đạo, tổ chức thành công đại hội đảng các cấp, huyện Gia Lâm cũng đã thực hiện thành công “nhiệm vụ kép”, vừa phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố giao. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 8,67%, thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.501,4 tỷ đồng, bằng 152,3% dự toán, vượt kế hoạch Thành phố giao. Trong 2 tháng đầu năm 2021, thu ngân sách trên địa bàn đạt 375 tỷ đồng, bằng 15,2% dự toán Thành phố và huyện giao.

Huyện ủy cũng tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng. Trong đó, đã ban hành 5 Chương trình công tác toàn khóa, 9 Đề án chi tiết giai đoạn 2021-2025 để sớm đưa Nghị quyết đại hội đảng các cấp vào cuộc sống.

Về thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao gắn với xây dựng huyện lên quận, đến nay, huyện có 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 2 xã hoàn thiện hồ sơ trình Thành phố quyết định công nhận nông thôn mới nâng cao; 1 xã triển khai kế hoạch nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với các tiêu chí xây dựng huyện lên quận, huyện Gia Lâm có 24/27 tiêu chí đạt, 3 tiêu chí chưa đạt là: Cân đối thu chi ngân sách (đến năm 2020 đạt 77%), cơ sở y tế cấp đô thị (hiện đạt 1,02 giường/vạn dân, tiêu chuẩn là từ 2,4 giường trở lên/vạn dân) và mật độ đường giao thông đô thị (hiện đạt 9,34km/km2, tiêu chuẩn là từ 10km trở lên/km2).

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ thăm nhà trưng bày sản phẩm gốm của nghệ nhân Trần Độ

Để phấn đấu hết năm 2023, huyện Gia Lâm đáp ứng tiêu chuẩn thành lập quận theo chỉ đạo của Thành phố, lãnh đạo huyện Gia Lâm kiến nghị với Thành phố về 5 lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư, quản lý đô thị, phân cấp quản lý nhà nước, một số nội dung liên quan đến địa giới hành chính...

Cụ thể, về quy hoạch, huyện Gia Lâm kiến nghị Thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội khu vực Đông Anh, Gia Lâm, Yên Viên và Long Biên. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh một loạt quy hoạch chuyên ngành. Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ đồ án quy hoạch phân khu đô thị Sông Hồng (R5), Sông Đuống (R6).

Về đầu tư, huyện Gia Lâm mong muốn được triển khai một loạt dự án giao thông trọng điểm và hạ tầng xã hội trên địa bàn. Trong đó, có 2 dự án đầu tư xây dựng trường học ở xã Yên Viên và xã Dương Xá với kinh phí dự kiến 162 tỷ đồng; 4 dự án xây dựng, cải tạo sửa chữa và mua sắm trang thiết bị Trụ sở công an với tổng kinh phí dự kiến khoảng 197 tỷ đồng; đầu tư cải tạo, mở rộng Bệnh viện huyện Gia Lâm với quy mô 200 giường bệnh…

Ngoài ra, để hoàn thành tiêu chí mật độ đường giao thông đô thị đáp ứng tiêu chuẩn thành lập quận, Gia Lâm còn thiếu khoảng 75,24km. Trên cơ sở rà soát thực tiễn, huyện Gia Lâm đề xuất đầu tư xây dựng 43 dự án, tổng chiều dài 81,2km, tổng nhu cầu vốn 6.872,6 tỷ đồng. Huyện Gia Lâm cũng kiến nghị Thành phố chỉ đạo chủ đầu tư các dự án vốn ngoài ngân sách đẩy nhanh tiến độ, như: điểm thông quan nội địa với quy mô khoảng 44,5ha; Xây dựng Chợ đầu mối quốc tế nông sản tại xã Yên Thường quy mô 155ha; Xây dựng cảng container Phù Đổng (công suất 2,5tr tấn/năm, cỡ tàu 800 tấn); Sân golf tại xã Dương Hà, Phù Đổng, Giang Biên với quy mô 182,3ha…

Lấy văn hóa làm động lực, nền tảng phát triển bền vững

Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các đồng chí lãnh đạo Thành phố và các đại biểu tham dự buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ ghi nhận những kết quả tích cực trong triển khai nhiệm vụ của huyện Gia Lâm trong những năm qua, đưa huyện là đơn vị phát triển sôi động, năng động; tăng trưởng kinh tế cao, thu ngân sách tăng vượt bậc; tốc độ đô thị hóa, bộ mặt đô thị Gia Lâm cũng thay đổi rất nhanh. “Với đà này thì đến năm 2023 Gia Lâm có thể lên quận được”, Bí thư Thành ủy đánh giá.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh, là đơn vị đi sau nên Gia Lâm có lợi thế hơn các đơn vị đi trước, có điều kiện để đi thẳng vào xây dựng đô thị xanh, thông minh, hiện đại, giàu đẹp. Phân tích những tiềm năng, lợi thế của huyện, Bí thư Thành ủy cho rằng, Gia Lâm là huyện có diện tích đất rộng, sự thay đổi về mặt dân số cũng rất tích cực khi nhiều tầng lớp trẻ sẽ về ở các khu đô thị, làm việc tại các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh, nên trình độ dân trí sẽ được nâng cao. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông của huyện cũng thuận lợi, cách trung tâm Thành phố chỉ 8km; huyện cũng là vùng đất có bề dày lịch sử, gắn với truyền thống dựng nước và giữ nước, cũng là huyện có nhiều di tích cấp quốc gia nhất, nhiều làng nghề nổi tiếng... Chính vì thế, Bí thư Thành ủy đề nghị huyện Gia Lâm cần đánh giá đúng để khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế đối với sự phát triển của huyện.

Lưu ý với tốc độ đô thị hóa nhanh như hiện nay, Gia Lâm cần phải giải bài toán hài hòa lợi ích, giải quyết sinh kế của người dân, coi đây là nhiệm vụ chính trị, cần bàn tay của Nhà nước, cần sự lãnh đạo của Đảng. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cũng gợi mở, nông nghiệp của huyện phải là nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp trong lòng đô thị.... “Đừng để sau này xã thành phường rồi nhưng cái ruột của nó vẫn là kinh tế nông thôn”, Bí thư Thành ủy nói.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu kết luận buổi làm việc

Đồng chí cũng đề nghị Gia Lâm cần chú ý quá trình đô thị hóa phải gắn với kinh tế đô thị, ngay từ bây giờ phải tính đến bài toán chợ đêm, trung tâm thương mại, các ngành nghề áp dụng công nghệ… để phát triển kinh tế đô thị. "Nếu phát triển đô thị không gắn với phát triển nghề nghiệp thì sẽ xuất hiện các tòa nhà không có ai ở. Nhưng nếu phát triển kinh tế mà không gắn với đô thị hóa thì sẽ dẫn đến xung đột, thiếu hạ tầng… Đừng để xây dựng những đô thị mới rồi sau này lại quay lại giải bài toán quy hoạch”, Bí thư Thành ủy lưu ý.

Bí thư Thành ủy cũng gợi mở Gia Lâm cần lấy văn hóa làm động lực, nền tảng phát triển bền vững. Cùng với đó, chú trọng phát triển du lịch sinh thái gắn với làng nghề, nông nghiệp sinh thái. Quan tâm phát triển hạ tầng sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, thay đổi từ tư duy, nhận thức, tầm nhìn; tập trung khắc phục những vấn đề còn tồn tại, những vấn đề dân sinh bức xúc.

Ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của huyện Gia lâm, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết sau buổi làm việc sẽ có thông báo kết luận cụ thể, giao trách nhiệm cho từng sở, ngành chịu trách nhiệm phối hợp với huyện để thực hiện.

Nhân dịp này, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cùng các đồng chí lãnh đạo Thành phố đã trao tặng huyện Gia Lâm 250 triệu đồng để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Source: Hà Nội portal

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)