Góp ý một số vấn đề cụ thể của Bộ luật Hình sự (sửa đổi)

Thứ sáu, 21/08/2015 13:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
 Luật sư Trần Hậu Thìn (Liên đoàn Luật sư Việt Nam) góp ý về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, việc chuyển đổi hình phạt tiền, quy định về tội phạm trong lĩnh vực kinh tế… trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi).

Quy định về TNHS của pháp nhân có thể bị cá nhân lợi dụng

Theo quan điểm của người viết, không nên đưa quy định trách nhiệm hình sự (TNHS) của pháp nhân vào Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) bởi pháp nhân khác cá nhân về sự tồn tại. Pháp nhân có thể bị giải thể, phá sản nên trong trường hợp này, nếu đưa ra hình phạt thì chỉ là hình thức.

Pháp nhân cũng là do cá nhân đứng ra tổ chức, quản lý và hoạt động. Mỗi hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân luôn do cá nhân gây ra. Nếu xử lí pháp nhân và cá nhân về một hành vi là trùng lặp, còn nếu chỉ xử lí pháp nhân mà không xử lí cá nhân thì bỏ sót tội phạm.

Bên cạnh đó, nếu đưa ra thì quy định rất dễ bị lợi dụng để cán bộ, người có chức vụ quyền hạn của pháp nhân chạy tội, trốn tránh TNHS. Pháp nhân bị xử lí hình sự, còn những cán bộ quản lý của pháp nhân này có thể lại thành lập pháp nhân khác.

Cần bảo đảm nguyên tắc bình đẳng khi chuyển phạt tiền thành phạt tù

Quy định về chuyển đổi hình phạt tiền thành hình phạt tù có thời hạn tại Khoản 4 Điều 35 Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) là cần thiết, tuy nhiên, người viết đề xuất sửa đổi đoạn đầu như sau: “Khi tuyên hình phạt tiền là hình phạt chính, Tòa án tuyên nếu trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án không chấp hành xong thì số tiền còn lại chưa chấp hành thuộc hình phạt tiền được chuyển đổi thành hình phạt tù, đồng thời ấn định mức phạt tù mà người đó phải chấp hành theo nguyên tắc sau…”.

Sửa đổi như vậy sẽ phù hợp với thực tế chấp hành hình phạt tiền đối với các trường hợp mới chấp hành một phần thì phần còn lại cũng phải chuyển đổi tương ứng, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong chấp hành hình phạt. Đồng thời quy định như vậy cũng bảo đảm điều khoản cụ thể, dễ áp dụng.

Đối với quy định chuyển đổi hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn (Khoản 5 Điều 36 của Dự thảo), quy định này là không khả thi. Việc xác định “trường hợp người bị kết án không thực hiện các nghĩa vụ” là một khái niệm chung chung, không có định lượng. Vì thế, nếu trường hợp này xảy ra thì cơ quan ra quyết định chuyển đổi hình phạt và mức áp dụng là không rõ ràng. Quy định như vậy cũng dễ dẫn tới việc lạm dụng, đẩy người bị kết án cải tạo vào tù hoặc phát sinh tiêu cực, phiền toái cho người bị kết án cải tạo khi thi hành án.

Trường hợp nếu người bị kết án không thực hiện các nghĩa vụ thì căn cứ hành vi vi phạm cụ thể của họ, có thể áp dụng hình thức xử phạt hành chính hoặc các hình thức xử lí theo quy định.

Quy định không áp dụng và không thi hành án tử hình đối với người bị kết án từ 75 tuổi trở lên là hợp lý, vì đây là đối tượng người cao tuổi, sức khỏe hạn chế, cần được hưởng sự khoan hồng của pháp luật đối với người cao tuổi, để họ được sống thêm những năm tháng ít ỏi còn lại. Quy định cũng có ý nghĩa giáo dục, động viên con cháu họ.

“Lấp kẽ hở” về tội phạm kinh tế

Việc thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong lĩnh vực kinh tế là cần thiết và phù hợp với thực tế, bởi việc duy trì tội phạm này như hiện hành luôn gây ra một áp lực không lành mạnh, làm triệt tiêu tính tự chủ, sáng tạo, năng động của những cán bộ, doanh nhân, người làm kinh tế.

Đây cũng là “kẻ hở” để dễ bị hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự hoặc dẫn đến oan sai. Trong thực tiễn hành nghề luật sư cho các thân chủ là Tổng giám đốc, Giám đốc, cán bộ xã, huyện, cơ quan, tổ chức, đối với loại tội này, luật sư nhiều lúc cũng cảm thấy nản khi nhìn cảnh thân chủ mình chịu cảnh tù tội về tội này chỉ vì một điều luật đã có từ thời bao cấp.

Khi nền kinh tế thị trường hướng tới hội nhập mạnh mẽ thì Bộ luật Hình sự cũng cần phải điều chỉnh thích ứng. Có như vậy mới phát huy tác dụng duy trì nghiêm kỷ cương pháp luật và là hành lang pháp lý để thúc đẩy, làm động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững.

Luật sư Trần Hậu Thìn

Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Theo Baochinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)