Cục Phát triển đô thị

Thứ năm, 01/12/2022 09:15
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Vị trí và chức năng

Cục Phát triển đô thị là tổ chức thuộc Bộ Xây dựng, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và thực thi pháp luật đối với lĩnh vực phát triển đô thị; tổ chức thực hiện các chương trình, dự án về lĩnh vực phát triển đô thị do Bộ làm chủ đầu tư hoặc chủ quản thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo phân công, ủy quyền của Bộ trưởng.

Cục Phát triển đô thị có tư cách pháp nhân, có con dấu để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Chủ trì xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án quan trọng quốc gia về phát triển đô thị; các chỉ tiêu về lĩnh vực phát triển đô thị trong nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đất nước theo từng giai đoạn; tổ chức thực hiện theo sự phân công của Bộ trưởng.

2. Chủ trì xây dựng để Bộ trình cấp có thẩm quyền ban hành hoặc Bộ ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách về: Quản lý quá trình đô thị hóa; quản lý, đầu tư phát triển không gian đô thị (bao gồm không gian trên mặt đất và không gian ngầm), các mô hình phát triển đô thị; quản lý kế hoạch, chương trình nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang đô thị, nâng cao năng lực chống chịu ứng phó biến đổi khí hậu của đô thị; khai thác, sử dụng và bàn giao quản lý các khu đô thị; hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị; hướng dẫn kiểm tra việc tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật về phát triển đô thị.

3. Tổ chức thẩm định để cấp có thẩm quyền phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị theo quy định của pháp luật.

4. Tổ chức thẩm định để Bộ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận loại đô thị đối với các đô thị loại đặc biệt, loại I và loại II; tổ chức thẩm định để trình Bộ quyết định công nhận loại đô thị đối với các đô thị loại III và loại IV; trình Thủ tướng Chính phủ có văn bản công nhận kết quả rà soát tiêu chí phân loại đô thị đối với đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II; trình Bộ có văn bản công nhận kết quả rà soát tiêu chí phân loại đô thị đối với đô thị loại III, loại IV, quyết định công nhận khu vực dự kiến thành lập quận, phường đạt các tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị.

5. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các cơ chế, chính sách, các quy định pháp luật về phát triển đô thị, hoạt động đầu tư phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch; việc lập và thực hiện các chương trình phát triển đô thị, khu vực phát triển đô thị; hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện việc đánh giá, phân loại đô thị hàng năm theo các tiêu chí, tiêu chuẩn đã được cấp có thẩm quyền quy định; hướng dẫn quản lý trật tự xây dựng đô thị; hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý sử dụng đất xây dựng đô thị theo quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị đã được phê duyệt.

6. Tổ chức các hoạt động xúc tiến, vận động và điều phối các nguồn lực trong và ngoài nước cho việc đầu tư phát triển đô thị theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng.

7. Hướng dẫn, hỗ trợ nâng cao năng lực chính quyền địa phương trong việc điều phối, quản lý thực hiện các dự án đầu tư phát triển đô thị (xây dựng hệ thống danh mục, xác định nhu cầu đầu tư, kế hoạch thu hút và sử dụng nguồn vốn).

8. Tổ chức điều phối, quản lý các dự án đầu tư, dự án hỗ trợ kỹ thuật hoặc chương trình liên quan đến phát triển đô thị do Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản hoặc chủ đầu tư (bao gồm: các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các đề án phân loại đô thị; chương trình phát triển đô thị quốc gia; các chương trình phát triển đô thị bền vững, ứng phó với Biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tăng trưởng xanh, đô thị thông minh; chương trình nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị quốc gia; các dự án đầu tư phát triển đô thị).

9. Theo dõi, lưu trữ số liệu, tài liệu, tổng hợp, đánh giá và báo cáo tình hình phát triển đô thị trên phạm vi cả nước; hướng dẫn, kiểm tra, hỗ trợ các địa phương lập, theo dõi, báo cáo theo các chỉ tiêu phát triển đô thị được cấp có thẩm quyền ban hành; tổ chức xây dựng, tích hợp, quản lý và khai thác hệ thống dữ liệu đô thị quốc gia. Thực hiện các nhiệm vụ về chuyển đổi số theo quy định đối với Cục.

10. Chủ trì tổ chức thực hiện hoặc tham gia các dự án sự nghiệp kinh tế, đề tài nghiên cứu khoa học; họp tác với các cá nhân, tổ chức trong nước, quốc tế; tổ chức điều hành, tham gia các diễn đàn, các hội nghị, hội thảo khoa học; các hoạt động tư vấn, đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực; ứng dụng và chuyên giao công nghệ tiến bộ khoa học kỹ thuật liên quan đến phát triển đô thị.

11. Thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực Diễn đàn đô thị Việt Nam thúc đẩy đối thoại chính sách về quản lý, phát triển đô thị; Thường trực Mạng lưới đô thị thông minh ASEAN.

12. Quản lý về tổ chức bộ máy, biên chế; thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ chính sách khác, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.

13. Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước được phân bổ, thực hiện quản lý các hoạt động có thu theo quy định của pháp luật và của Bộ Xây dựng.

14. Cục trưởng Cục Phát triển đô thị được quyền:

a) Yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức hoạt động trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và các địa phương cung cấp những số liệu, tài liệu cần thiết phục vụ cho việc thực hiện các lĩnh vực công tác của Cục;

b) Ký một số văn bản hành chính, văn bản hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ nhân danh Cục trưởng và sử dụng con dấu của Cục theo quy định pháp luật;

c) Được Bộ trưởng uỷ quyền ký một số văn bản về các lĩnh vực công tác của Cục theo quy định tại Quy chế làm việc của cơ quan Bộ Xây dựng.

15. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác do Bộ trưởng giao.

Cơ cấu tổ chức

1. Các đơn vị trực thuộc:

a) Văn phòng;

b) Phòng Chiến lược và Kế hoạch phát triển đô thị;

c) Phòng Quản lý phát triển đô thị;

d) Phòng Thẩm định dự án đầu tư phát triển đô thị;

đ) Trung tâm Thông tin, Hợp tác quốc tế và Tư vấn phát triển đô thị;

e) Ban quản lý dự án Phát triển đô thị.

Ban quản lý dự án Phát triển đô thị và Trung tâm Thông tin, Hợp tác quốc tế và Tư vấn phát triển đô thị là các đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Cục, được khắc con dấu theo mẫu quy định để giao dịch, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và ngân hàng theo sự uỷ quyền, phân cấp quản lý tài chính kế toán của Cục trưởng Cục Phát triển đô thị và các quy định của pháp luật.

Các đơn vị trực thuộc Cục có cấp trưởng, một số cấp phó và các công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ.

Việc thành lập, tổ chức lại, giải thể và bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh cấp trưởng, cấp phó các đơn vị trực thuộc Cục Phát triển đô thị do Bộ trưởng quyết định theo đề nghị của Cục trưởng Cục Phát triển đô thị và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ.

2. Lãnh đạo Cục

a) Cục Phát triển đô thị có Cục trưởng và một số Phó cục trưởng;

b) Cục trưởng và Phó cục trưởng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định của Đảng, pháp luật và của Bộ Xây dựng;

c) Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Cục Phát triển đô thị, Cục trưởng có trách nhiệm lập kế hoạch công tác cho từng giai đoạn, xác định nhu cầu biên chế; xây dựng và ban hành quy chế làm việc của Cục; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi đơn vị, cá nhân trong Cục và báo cáo Bộ trưởng;

d) Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng và pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục; Phó cục trưởng chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và pháp luật về lĩnh vực công tác được phân công.

 

Nguồn: Quyết định 1161/QĐ-BXD ngày 01/12/2022

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)