Trả lời kiến nghị cử tri gửi thành phố Hà Nội gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Thứ tư, 29/12/2021 17:44
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội gửi tới Quốc hội trước Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 418/BDN ngày 02/11/2021với các nội dung kiến nghị:

Câu số 17: “Cử tri đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, hỗ trợ thành phố Hà Nội sớm phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu sông Hồng, sông Đuống tạo cơ sở pháp lý cho Thủ đô Hà Nội phát triển đô thị”.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (ký hiệu R/R1-R5), tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6), tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng) được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức lập trên cơ sở cụ thể hóa và phù hợp định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011; Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016, theo Nhiệm vụ quy hoạch được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4770/QĐ-UBND ngày 23/10/2012. Đồ án đã được tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư; tổ chức Hội đồng thẩm định, báo cáo Thường trực Thành ủy Hà Nội và thực hiện lấy ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngày 21/12/2021, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 5296/BXD-QHKT và văn bản số 5297/BXD-QHKT góp ý kiến đối với 02 đồ án quy hoạch phân khu nêu trên. Trên cơ sở các ý kiến góp ý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiên cứu, tiếp thu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những nội dung liên quan (bổ sung các khu dân cư hiện có ở bãi sông vào danh mục giữ lại, cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và việc xây dựng, phát triển đô thị tại một số bãi sông) và hoàn thiện đồ án quy hoạch trước khi phê duyệt theo thẩm quyền quy định pháp luật.

Việc lập, thẩm định, lấy ý kiến, phê duyệt quy hoạch phân khu thực hiện theo thẩm quyền, trình tự, nội dung quy định pháp luật về quy hoạch đô thị và pháp luật hiện hành có liên quan. Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong quá trình tổ chức lập các quy hoạch phân khu đảm bảo tiến độ, chất lượng, tạo cơ sở pháp lý cho Thủ đô Hà Nội phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt.

Câu số 18: “Cử tri cho rằng, việc điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết, nhằm tạo nguồn lực phát triển cho Thủ đô. Tuy nhiên, thực hiện theo đúng trình tự quy định (Bộ Xây dựng thẩm định, trình Chính phủ, thông qua Quốc hội) thì thời gian kéo dài, vì vậy cần có cơ chế tháo gỡ nhằm rút ngắn thời gian thực hiện; Ngoài ra các tỉnh giáp ranh với huyện Gia Lâm đã phát triển đô thị (khu đô thị VSIP, khu đô thị Hồng Hạc, Xuân Lâm, Bắc Ninh; khu đô thị Thương mại du lịch Văn Giang, khu đô thị Đại An, Hưng Yên…), trong khi quy hoạch huyện Gia Lâm tại các khu vực giáp ranh này phần lớn là đất sản xuất nông nghiệp. Đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ xem xét việc rà soát điều chỉnh quy hoạch các khu vực nói trên cho phù hợp, nhằm tạo kết nối vùng, phát huy lợi thế cùng các tỉnh giáp ranh phát triển”.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Tại văn bản số 383/TTg-CN ngày 26/3/2021, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện rà soát, đánh giá Quy hoạch chung đã được phê duyệt làm cơ sở lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh quy hoạch theo đúng trình tự, nội dung, quy định pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 383/TTg-CN nêu trên.

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và các văn bản sửa đổi, bổ sung, quy định chi tiết thi hành, Bộ Xây dựng thực hiện trách nhiệm thẩm định nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt theo thẩm quyền. Căn cứ khoản 2 Điều 8 Luật Thủ đô năm 2012, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và việc điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến của Quốc hội.

Theo đó, việc lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch xây dựng Thủ đô Hà Nội thực hiện theo thẩm quyền, trình tự, nội dung quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, Luật Thủ đô năm 2012 và pháp luật hiện hành có liên quan. Hiện nay, Bộ Xây dựng đang tổ chức rà soát, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng làm cơ sở lập Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, trong đó gồm nội dung nghiên cứu các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quy hoạch đô thị, nâng cao chất lượng quy hoạch, đảm bảo tiến độ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị. Luật Thủ đô hiện cũng đang được Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì rà soát, xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung theo quy định.

Để đáp ứng các yêu cầu phát triển, công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội có sự phân công, hợp tác, chia sẻ và liên kết giữa các địa phương trong Vùng; căn cứ quy định pháp luật về xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 06/5/2016 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo mục tiêu phát triển chung.

Hiện nay, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó gồm Thủ đô Hà Nội đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức lập Nhiệm vụ lập Quy hoạch theo quy định pháp luật về quy hoạch (Luật Quy hoạch năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết thi hành) cũng xác định rõ quan điểm là bảo đảm sự liên kết, tính đồng bộ và hệ thống giữa các địa phương trong vùng và khai thác, sử dụng tối đa kết cấu hạ tầng hiện có; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và của từng địa phương trong vùng gắn với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và bảo đảm sự cân bằng giữa các yếu tố kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường trong quá trình lập quy hoạch. Đối với việc rà soát điều chỉnh quy hoạch các khu vực cụ thể (huyện Gia Lâm) có giáp ranh với các địa phương xung quanh Hà Nội (tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên…) cho phù hợp, nhằm tạo kết nối vùng, phát huy lợi thế cùng các tỉnh giáp ranh phát triển như ý kiến cử tri nêu sẽ được cụ thể hóa trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch trên và trong quá trình rà soát, lập nhiệm vụ và đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 5513/BXD-QHKT.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)