Nghiệm thu đề tài Khoa học và công nghệ do trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện

Thứ tư, 08/06/2022 16:34
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 7/6/2022, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp nghiệm thu đề tài Khoa học và công nghệ “Nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cọc vật liệu hỗn hợp cát biển - xi măng - tro bay gia cố nền đất yếu phục vụ xây dựng công trình hạ tầng khu vực ven biển và hải đảo”. Đề tài do nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Mỏ - Địa chất thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Lê Minh Long - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp

Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả đề tài trước Hội đồng, PGS.TS. Tạ Đức Thịnh - Chủ trì đề tài cho biết, xây dựng công trình hạ tầng ven biển và hải đảo có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của nước ta. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng công trình hạ tầng ven biển gặp phải nhiều thách thức do biến đổi khí hậu và nước biển dâng, tính bền vững của công trình trong môi trường biển, cạn kiệt nguồn vật liệu xây dựng truyền thống; xây dựng công trình trên nền đất yếu. Trong đó, vấn đề xây dựng công trình trên nền đất yếu chưa bao giờ là bài toán đơn giản và để xây dựng công trình hạ tầng trên nền đất yếu đảm bảo ổn định, bền vững thì việc gia cố, xử lý nền là bắt buộc cho dù công trình xây dựng có quy mô, tải trọng nhỏ. Bên cạnh đó, một vấn đề khác cần được xem xét khi xây dựng công trình hạ tầng khu vực ven biển và hải đảo là nguồn vật liệu cát sông đang càng ngày càng cạn kiệt, khan hiếm. Cùng với việc nghiên cứu sử dụng cát biển thay thế cát sông, việc sử dụng các phụ gia khoáng có các phụ gia khoáng có nguồn gốc từ phế thải công nghiệp như tro xỉ thay thế một phần xi măng trong xây dựng không chỉ hiệu quả về mặt kinh tế, kỹ thuật mà còn bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên. Do đó, việc thực hiện đề tài mang tính cấp thiết, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, hoàn toàn xuất phát từ thực tiễn khách quan.

Mục tiêu của đề tài nhằm phát triển công nghệ cọc vật liệu hỗn hợp cát biển - xi măng - tro bay gia cố nền đất yếu, khắc phục hạn chế của cọc cát, cọc đất - xi măng phục vụ xây dựng công trình hạ tầng khu vực ven biển và hải đảo; làm sáng tỏ khả năng sử dụng cát biển, tro bay của nhà máy nhiệt điện tại chỗ khu vực ven biển làm vật liệu cọc cát biển - xi măng - tro bay, góp phần hạn chế sử dụng cát sông, tăng cường sử dụng tro bay, bảo vệ môi trường.

Nội dung Báo cáo tổng kết đề tài gồm: Chương 1: Tổng quan về công nghệ gia cố nền đất yếu vùng ven biển; Chương 2: Xây dựng cơ sở lý thuyết công nghệ cọc cát biển - xi măng - tro bay gia cố nền đất yếu; Chương 3: Nghiên cứu thực nghiệm công nghệ cọc cát biển - xi măng - tro bay gia cố nền đất yếu; xây dựng quy trình công nghệ thiết kế, thi công, nghiệm thu cọc cát biển - xi măng - tro bay; Chương 5: Đánh giá hiệu quả kinh tế, kỹ thuật công nghệ cọc cát biển - xi măng - tro bay gia cố nền đất yếu; Chương 6: Xây dựng Chỉ dẫn kỹ thuật gia cố nền đất yếu: Phương pháp cọc vật liệu hỗn hợp cát biển - xi măng - tro bay gia cố nền đất yếu.

Cùng với Báo cáo tổng kết, nhóm nghiên cứu cũng hoàn thành 4 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí uy tín và trong kỷ yếu hội thảo khoa học chuyên ngành, bao gồm: 1 bài báo trên Tạp chí Xây dựng: Nghiên cứu đề xuất công nghệ cọc cát biển - xi măng - tro bay xử lý nền đất yếu phục vụ xây dựng vùng ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long; 1 bài báo trên Tạp chí Khoa học Kỹ thuật Mỏ - Địa chất: Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ xử lý nền đất yếu bằng cọc vật liệu hỗn hợp cát biển - xi măng - tro bay; 1 bài báo trên Tạp chí Giao thông Vận tải: Nghiên cứu thiết kế thành phần cọc vật liệu hỗn hợp cát biển - xi măng - tro bay gia cố nền đất yếu phục vụ xây dựng công trình giao thông khu vực ven biển; 1 bài báo trong Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế “International Conference on sustainable construction development in the context of climate change in the Mekong Delta (SCD2021)”: Nghiên cứu xây dựng mô hình số đánh giá hiệu quả xử lý nền đất yếu bằng cọc hỗn hợp vật liệu cát biển - xi măng - tro bay; hỗ trợ đào tạo 1 học viên cao học công bố 1 bài báo khoa học liên quan đến nội dung nghiên cứu của đề tài: Nghiên cứu đề xuất công nghệ cọc cát biển - xi măng - tro bay xử lý nền đất yếu phục vụ xây dựng vùng ven biển Đồng bằng Sông Cửu Long.

Kết thúc quá trình nghiên cứu, đề tài kiến nghị: cần tiếp tục nghiên cứu thực nghiệm ở hiện trường với quy mô lớn và thời gian dài để làm sáng tỏ tác dụng nén chặt của cọc vật liệu hỗn hợp cát biển - xi măng - tro bay;  tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu hoàn thiện công nghệ, chế tạo thiết bị thi công cọc vật liệu hỗn hợp cát biển - xi măng - tro bay phù hợp điều kiện Việt Nam; xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép triển khai ứng dụng công nghệ cọc vật liệu hỗn hợp cát biển - xi măng - tro bay gia cố nền đất yếu phục vụ xây dựng công trình hạ tầng khu vực ven biển và hải đảo.

Tại cuộc họp, Hội đồng tư vấn Bộ Xây dựng đã đưa ra nhiều ý kiến góp ý nhằm giúp nhóm nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa, nâng cao hơn nữa chất lượng Báo cáo tổng kết đề tài. Trong đó, cần chú ý bố cục lại các Chương, mục đảm bảo hợp lý, ngắn gọn, súc tích hơn; làm rõ hơn hiệu quả kinh tế giữa công nghệ cọc vật liệu hỗn hợp cát biển - xi măng - tro bay với các công nghệ khác; nêu rõ nguồn gốc vật liệu sử dụng trong các thử nghiệm; rà soát, sử dụng đồng nhất các thuật ngữ chuyên ngành; chỉnh sửa các lỗi chế bản, lỗi đánh máy…

Kết luận cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng Lê Minh Long tổng hợp các ý kiến đóng góp của các chuyên gia thành viên Hội đồng và đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét, tiếp thu đầy đủ để sớm hoàn chỉnh Báo cáo tổng kết và sản phẩm đề tài, trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.

Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí bỏ phiếu nghiệm thu đề tài, với kết quả đạt loại Khá.

Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)