Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi): Hoàn thiện cơ cấu các chủ thể tham gia thị trường bất động sản

Thứ năm, 08/05/2014 07:17
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong khuôn khổ phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XIII tại TP HCM. Chiều 7/5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Sau hơn 7 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì Luật Kinh doanh bất động sản 2006 cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới và trong công tác quản lý nhà nước như: Luật hiện hành chưa có đủ chế tài để tạo lập một thị trường BĐS phát triển ổn định lành mạnh, để Nhà nước có thể kiểm soát, điều tiết được cung - cầu của thị trường, dẫn đến thị trường bất động sản thời gian qua phát triển thiếu ổn định, tình trạng đầu tư tự phát, theo “phong trào”, theo “đám đông” diễn ra phổ biến, nhiều dự án bất động sản chậm tiến độ, thi công cầm chừng, không triển khai, để đất hoang hóa, lãng phí, làm mất mỹ quan đô thị…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng trình bày những điểm mới của dự án Luật kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Luật hiện hành chưa phân định rõ đối tượng kinh doanh bất động sản và đối tượng không thuộc diện kinh doanh bất động sản, dẫn đến tình trạng nhiều tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu bán, cho thuê bất động sản do dư thừa hoặc không còn nhu cầu sử dụng mà cũng phải đăng ký kinh doanh, phải thành lập pháp nhân, phải có vốn pháp định theo quy định thì mới được bán, cho thuê là không phù hợp thực tế, không có tính khả thi; Luật hiện hành còn hạn chế tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản tại Việt Nam, những hạn chế này đã tạo ra sự không bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh nước ta ngày càng mở rộng quan hệ hợp tác kinh tế với các nước và hạn chế rất nhiều việc thu hút các nguồn lực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản; Luật hiện hành chưa cho phép cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai đã hạn chế khả năng huy động vốn, khai thác từng phần công trình của chủ đầu tư dự án, cũng như chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê, thuê mua các loại bất động sản này...

Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) có 5 Chương, 74 Điều, giảm 1 Chương và 7 Điều so với Luật Kinh doanh bất động sản 2006. Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được nghiên cứu, sửa đổi bổ sung 7 nội dung mới.

Cụ thể: Bảo đảm việc đầu tư kinh doanh bất động sản phải tuân thủ đúng quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và theo kế hoạch thực hiện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để khắc phục tình trạng đầu tư bất động sản tự phát, theo phong trào, mất cân đối, lệch pha cung - cầu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở như những năm vừa qua, bảo đảm cho thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả;

Làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế và có tính khả thi cao trong triển khai thực hiện, trong đó quy định cụ thể những tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản phải đăng ký kinh doanh và những trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có mua bán, cho thuê, thuê mua bất động sản nhưng không phải là kinh doanh bất động sản;

Mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh có tính cạnh tranh cao, đồng thời giải quyết nhiều việc làm, tạo sự tăng trưởng cho nền kinh tế, trên nguyên tắc bảo đảm ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững;

Mở rộng việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua bất động sản đã có sẵn như quy định hiện hành;

Bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập của tổ chức trung gian này đối với thị trường bất động sản, đồng thời bảo đảm được quyền tự chủ trong kinh doanh cho các doanh nghiệp;

Quy định chặt chẽ về điều kiện của cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản, bảo đảm quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường bất động sản.

Ngoài ra, Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) còn quy định cụ thể, rõ ràng hơn về các loại nhà, công trình xây dựng được đưa vào kinh doanh; quy định rõ điều kiện, hồ sơ của bất động sản đưa vào kinh doanh; bổ sung nội dung về chuyển nhượng, cho thuê một phần diện tích đất trong dự án bất động sản; sửa đổi các quy định không còn phù hợp với thực tế hiện nay hoặc để bảo đảm thống nhất với các đạo luật khác có liên quan như: Bỏ một số điều quy định về đầu tư tạo lập bất động sản do đã được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư xây dựng, về quản lý phát triển đô thị, pháp luật về nhà ở; sửa đổi các quy định về dịch vụ định giá bất động sản, dịch vụ đấu giá bất động sản, dịch vụ quảng cáo bất động sản cho phù hợp, thống nhất với pháp luật về giá, pháp luật về bán đấu giá tài sản, pháp luật về quảng cáo; sửa câu từ, chỉnh lý gộp các quy định cùng nội dung nhưng nằm tản mát tại các chương, điều khác nhau để bảo đảm tính logic, thống nhất, đồng bộ về bố cục, nội dung của cả văn bản Luật.

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban kinh tế quốc hội lần thứ 10, đông đảo các đại biểu đã nhất trí với dự thảo luật, tuy nhiên vẫn còn 3 vấn đề các đại biểu mong cơ quan soạn thảo luật cần cân nhắc kỹ, đó là phạm vi được phép kinh doanh bất động sản cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài như dự thảo Luật.

Toàn cảnh phiên họp toàn thể lần thứ 10 của Ủy ban kinh tế Quốc hội khóa XIII

Tuy nhiên, có một số ý kiến đề nghị cần mở rộng hơn nữa, cụ thể là đề nghị cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài được kinh doanh bất động sản như tổ chức, cá nhân trong nước; quy định cho phép các doanh nghiệp được cho thuê, cho thuê mua nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai; quy định không bắt buộc các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản phải bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)