Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách: Cơ bản thống nhất với dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi)

Thứ sáu, 11/04/2014 07:14
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 10/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách để xem xét, cho ý kiến đối với ác dự án luật: Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Xây dựng (sửa đổi) và Luật Đầu tư công.

Trong phiên họp chiều nay (10/4), các đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến cho Luật Xây dựng (sửa đổi). Đây là một trong ba dự án luật có tầm bao phủ rộng lớn, tác động sâu rộng đến các vấn đề kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 khóa XIII tới.

Bảo đảm tính hợp hiến

Tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) Phan Xuân Dũng đã báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi).

Theo ông Dũng, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Sau kỳ họp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội (TVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban KHCN&MT phối hợp với Bộ Xây dựng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) gồm 8 vấn đề cơ bản là: Phạm vi điều chỉnh (Điều 1); quy hoạch xây dựng (Chương II); dự án đầu tư xây dựng (Chương III); giấy phép xây dựng; lựa chọn nhà thầu và điều kiện hoạt động của nhà thầu nước ngoài; bảo hiểm xây dựng; thanh tra, khiến nại, tổ cáo, xử lý vi phạm; và quy định chi tiết hướng dẫn Luật.

Liên quan đến phạm vi điều chỉnh (Điều 1), quy hoạch xây dựng (Chương II), dự án đầu tư xây dựng (Chương III), quy định chi tiết hướng dẫn Luật… Ủy ban TVQH và đa số ĐBQH đều thống nhất với nội dung của Luật Xây dựng (sửa đổi).

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐBQH, dự thảo Luật cũng đã chỉnh lý các vấn đề liên quan đến cấp phép xây dựng; bổ sung quy định về tiêu chí lựa chọn nhà thầu; rà soát lược bỏ Chương về thanh tra, khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm, đồng thời chỉnh sửa, rút gọn các quy định về thanh tra, xử lý vi phạm có yếu tố đặc thù trong hoạt động đầu tư xây dựng vào Điều 165 của dự thảo Luật để thống nhất với pháp luật có liên quan.

Ngoài các vấn đề nêu trên, Ủy ban TVQH cũng đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý các điều, khoản của dự thảo Luật theo ý kiến góp ý cụ thể của các vị ĐBQH; bảo đảm tính hợp hiến, đặc biệt là các quy định có liên quan đến phân cấp giữa trung ương và địa phương, giữa các cấp của chính quyền địa phương; trách nhiệm quản lý nhà nước; xã hội hóa việc cấp chứng chỉ hành nghề; lưu trữ hồ sơ công trình xây dựng; giám sát của cộng đồng…

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh sửa gồm 10 Chương 168 Điều, tăng 18 Điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội theo Tờ trình số 306/TTr-CP ngày 28/8/2013 của Chính phủ.

Tập trung đóng góp ý kiến về quy hoạch xây dựng và giấy phép xây dựng

Đánh giá cao Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), nhiều ĐBQH bày tỏ hy vọng Luật sẽ góp phần khắc phục được những khuyết điểm trước đây.

ĐB Nguyễn Văn Phúc bày tỏ sự tin tưởng và hy vọng rằng: Nếu ban hành Luật này và thực hiện tốt Luật thì sẽ không còn những công trình bị cắt ngọn, những con đường như đường Kim Liên mới…

Theo các ĐBQH, việc đưa vấn đề quy hoạch xây dựng vào dự thảo Luật là cần thiết. Trong thực tế, khi chưa có quy hoạch thì chưa có cơ sở để đầu tư công trình mới. Quản lý quy hoạch xây dựng là phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm khắc phục tình trạng xây dựng không theo quy hoạch, không trong quy hoạch.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất thoát, lãng phí là do thiếu sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý nhà nước. Quy hoạch xây dựng cùng cấp phép xây dựng là hai công cụ quan trọng nhất để thực hiện chức năng quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ đầu tư xây dựng. Vì vậy, việc cấp phép xây dựng cần phải kiểm soát chặt chẽ nhưng phải cải cách thủ tục hành chính, tránh tình trạng cơ quan quản lý gây nhũng nhiễu cho người dân.

Quan tâm đến việc đảm bảo quyền lợi cho người dân trong vấn đề cấp phép xây dựng, nhiều ĐBQH đề nghị Ban soạn thảo nên rà soát lại trình tự, thủ tục cụ thể nhằm đảo bảo tính khả thi, đồng thời xem xét việc cấp giấy phép tạm theo hướng phù hợp về quy mô, diện tích, chiều cao.

Theo ĐB TP HCM Huỳnh Thành Lập, việc phát triển cần phải có quy hoạch, tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian qua người dân gặp khá nhiều phiền hà do nhiều dự án treo kéo dài. Việc kéo dài 5 năm, 10 năm hay 20 năm là đụng đến quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người có quyền sử dụng đất. Trong Dự thảo đã đưa ra quy định về giấy phép xây dựng tạm, đề nghị nên nêu rõ thời gian cụ thể, như trong 10-15 năm để đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Các ĐB cũng đề nghị cân nhắc thêm khái niệm cấp phép xây dựng tạm, có thể thay bằng giấy phép xây dựng có thời hạn.

Đồng thời, các ĐBQH đề nghị việc mua bảo hiểm trong hoạt động xây dựng cần có quy định bắt buộc ở một số khâu chứ không nên chỉ khuyến khích nhằm đảm bảo chất lượng công trình xây dựng như trong khâu thiết kế, thi công xây dựng… Vì thực tế cho thấy, các chủ thể tham gia sẽ khó tự nguyện mua bảo hiểm.

Bày tỏ sự ủng hộ Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) song ĐBQH Trần Du Lịch cũng lưu ý dự thảo Luật cần làm rõ về quy hoạch chi tiết vì vấn đề này chưa thấy Chính phủ hướng dẫn nên việc thi hành sẽ rất khó.

Theo ông Lịch, vấn đề quan trọng không phải là cấp phép xây dựng mà phải thực hiện theo quy hoạch. Như đường Điện Biên Phủ ở TP HCM, quy định chiều cao trung bình là 3,5 tầng, nhưng có những nhà sẽ được xây 10 tầng. Đây là chỗ hổng để người dân “chạy tầng”. Có đất lúc đấu giá là 10 tầng, nhưng sau khi chạy xong lại là 15 tầng. Thực tế cho thấy là chúng ta đang bị làm ngược, quy hoach đi trước lại thành ra lại đi sau.

Nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các vị đại biểu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng bày tỏ sự trân trọng và cho biết sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu.

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, ý kiến đóng góp của các đại biểu rất cụ thể, đa số các vấn đề lớn của dự thảo Luật đều nhận được sự đồng tình. Về các vấn đề cụ thể, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và tiếp tục chỉnh sửa. Như về vấn đề cấp giấy phép xây dựng tạm sẽ thay bằng giấy phép xây dựng có thời hạn, hay quy hoạch nông thôn nếu chưa có thì không phải có giấy phép…

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, liên quan đến Luật Đầu tư, Bộ Xây dựng đã làm việc với Bộ KH&ĐT và sẽ phối hợp tiếp tục rà soát để các luật không bị vênh nhau.

Về quy hoạch xây dựng, Bộ trưởng cho rằng việc đưa vào Luật Xây dựng (sửa đổi) sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp bách, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng, vì nếu chờ để có luật mới về quy hoạch phải sớm nhất là năm 2016…

Kết luận tại Hội nghị, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Hầu hết ý kiến của các đại biểu đều tập trung vào 8 vấn đề mà Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng đã nêu trong Báo cáo Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban TVQH tiếp tục nghiên cứu.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, đa số đại biểu đều thống nhất dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) cần thiết phải có quy hoạch xây dựng. Tuy nhiên, quy hoạch này phải tính đến trong mối quan hệ với các quy hoạch khác như quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn…

Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị, Ban Soạn thảo cần lấy thêm ý kiến đóng góp về quy hoạch xây dựng để đảm bảo tính khách quan.

Việc cấp phép xây dựng cũng cần rà soát lại theo hướng đơn giản hóa, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, nhưng đảm bảo phải chặt chẽ, kỷ cương, khắc phục những hạn chế hiện nay.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Ban Soạn thảo cần nghiên cứu tất cả các ý kiến của các đại biểu; rà soát các luật Đấu thầu, luật Đầu tư công, tránh chồng chéo với các luật liên quan; các điều cấm trong hoạt động xây dựng cũng cần rà soát phù hợp với thực tiễn…

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Luật phải phù hợp với Hiến pháp, phù hợp với thực tiễn của cuộc sống, có tính khả thi, vừa đơn giản, vừa đảm bảo trật tự, kỷ cương, giải thích khái niệm phải chính xác, văn phong luật pháp, dễ hiểu, dễ làm.

Ủy ban KHCN&MT nghiêm túc nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các ĐBQH và các tổ chức để sớm hoàn chỉnh báo cáo giải trình tiếp thu trước khi trình ra kỳ họp 7 Quốc hội khóa XIII.

Sáng mai 11/4, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ tiếp tục cho ý kiến đối với dự thảo Luật Đầu tư công.

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)