Thành phố Bến Tre sẽ là đô thị thông minh minh, hiện đại

Thứ tư, 04/08/2021 13:22
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Theo quy hoạch tổng thể phát triển TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre, đến năm 2030 thành phố này sẽ phát triển thành đô thị loại I, là đô thị thông minh, hiện đại, tiên tiến trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

TP Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại III vào năm 2007, trở thành thành phố thuộc tỉnh vào năm 2009 và được công nhận đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2019, thuộc nhóm các đô thị lớn của cả nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng bộ thành phố và dự thảo Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh Bến Tre nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2030. Đồng thời, xác định chuyển đổi số là chìa khóa để thúc đẩy sự phát triển về kinh tế và xã hội của tỉnh nhà. Đây là điều kiện để thành phố Bến Tre có bước phát triển đột phá trong thực hiện mục tiêu trên, gắn với mô hình thành phố thông minh, xây dựng chính quyền đô thị và chính quyền điện tử.

Những giải pháp quyết liệt

Một khu đô thị được qui hoạch trên địa bàn TP Bến Tre. (Ảnh: Báo Đồng Khởi) 

Theo ông Huỳnh Vĩnh Khánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Bến Tre, hiện nay, thành phố  đã thu hút rất nhiều dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô lớn, với tổng diện tích hơn 2.000 ha, cùng với đó, khá nhiều dự án phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị, dịch vụ thương mại, công nghệ thông tin... đã và đang triển khai xây dựng trên địa bàn thành phố, tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh Bến Tre.

Tuy nhiên, hiện tại về quy mô dân số và diện tích tự nhiên của đô thị chưa phù hợp với định hướng phát triển đô thị của thành phố. Đa số các dự án đầu tư phát triển đô thị được thực hiện trong giai đoạn 2020-2025, nên để triển khai đồng bộ về hạ tầng, thu hút dân cư cần phải có thời gian dài hơn nữa. Mặt khác, tuy TP Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại II nhưng vẫn còn một số tiêu chuẩn đạt thấp và 4 tiêu chuẩn chưa đạt, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến trình xây dựng đô thị loại I trong thời gian tới.

Từ thực trạng trên, để xây dựng thành phố Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I, thành phố tập trung triển khai thực hiện theo lộ trình và giải pháp như tăng cường lãnh đạo công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân về mục tiêu xây dựng TP Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I trực thuộc tỉnh vào năm 2030. Đặc biệt, quan tâm lãnh đạo thực hiện tốt Chỉ thị 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tăng cường lãnh đạo công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị”, tạo điều kiện thuận lợi cho dự án, công trình được thực hiện nhanh và đồng bộ.

Đồng thời xây dựng các căn cứ pháp lý về vị trí, chức năng, vai trò, cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế xã hội của đô thị. Trong đó, tham mưu thực hiện các quy trình mở rộng địa giới hành chính đô thị để có diện tích tự nhiên, dân số và hạ tầng phù hợp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội theo hướng tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, giảm tỷ trọng nông nghiệp; cân đối thu chi ngân sách có kết dư; nâng thu nhập bình quân đầu người so với cả nước đạt trên 1,5 lần; tỷ lệ tăng dân số hàng năm trên 1,8% và tỷ lệ hộ nghèo dưới 5,5%.

Cũng theo ông Huỳnh Vĩnh Khánh, TP Bến Tre sẽ đẩy mạnh thực hiện các giải pháp để thu hút tăng nhanh quy mô dân số và mật độ dân số đô thị. Theo đó, sẽ hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án phát triển đô thị, cụm công nghiệp, trường học, bệnh viện, các loại hình thương mại - dịch vụ gắn phát triển du lịch, công nghiệp và xây dựng... Trong đó, đặc biệt quan tâm các dự án quy mô lớn như: Khu đô thị phía Nam thành phố Bến Tre (40,47 ha), Khu đô thị mới - đô thị sinh thái Bến Tre (87,4 ha), Khu đô thị mới phía Tây (406 ha), Khu đô thị Tây Bắc (491,19 ha), Khu đô thị nông nghiệp thông minh - công nghiệp sạch và dịch vụ du lịch tổng hợp (5.300 ha, trong đó thành phố Bến Tre khoảng 560 ha). Chuyển 4 xã thành phường (xã Mỹ Thạnh An, xã Bình Phú, xã Sơn Đông, xã Phú Hưng). Phấn đấu đến năm 2025, quy mô dân số của thành phố đạt trên 50% và mật độ dân số nội thị đạt trên 65% cận dưới của tiêu chuẩn đô thị loại I.

Cùng với đó, TP Bến Tre quyết tâm nâng cao tỉ lệ lao động phi nông nghiệp theo hướng tiếp tục thực hiện tốt Chương trình “Đồng Khởi khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp”; đồng thời, đẩy mạnh các chính sách thu hút đầu tư, huy động lồng ghép các nguồn lực, tạo mọi điều kiện, ưu đãi cho các doanh nghiệp trong và ngoài Thành phố được phát triển trên địa bàn, tạo công ăn việc làm cho người lao động, an tâm ở lại địa phương.

Trong giai đoạn 2026-2030, TP Bến Tre sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thành việc mở rộng địa giới hành chính thành phố, điều chỉnh bổ sung quy hoạch chung thành phố tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành chuyển 100% đơn vị hành chính cấp xã hiện tại thành phường; thành phố Bến Tre được điều chỉnh, bổ sung vào Đồ án quy hoạch xây dựng vùng Đồng bằng sông Cửu Long là đô thị loại I. Hoàn chỉnh đầu tư xây dựng xong các khu đô thị mới được phê duyệt thực hiện giai đoạn 2020 - 2025 và các dự án ngành nghề phi nông nghiệp để thu hút dân cư. Huy động nguồn lực để đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật cho các đơn vị cấp xã sau khi được sáp nhập vào TP Bến Tre. Lập đề án và thực hiện các quy trình, thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I vào năm 2030.

Một đô thị thông minh hiện đại

Chợ truyền thống tại TP Bến Tre. (Ảnh: Báo Đồng Khởi) 

Hiện TP Bến Tre đang phối hợp với các sở, ngành của tỉnh Bến Tre điều chỉnh lại quy hoạch chung xây dựng đô thị gắn với các chỉ tiêu phát triển đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh. Cụ thể, TP Bến Tre đã xây dựng nghị quyết thực hiện đô thị thông minh với 5 nội dung: quản lý chiếu sáng thông minh; quản lý an ninh trật tự - an toàn giao thông thông minh; quản lý môi trường thông minh; quản lý đất đai thông minh; xây dựng chính quyền số.

Có thể thấy, thời điểm này, TP Bến Tre đã đầu tư xây dựng hoàn thành Phòng điều khiển và giám sát hạ tầng đô thị thông minh được thiết kế mở, có khả năng kết nối, tích hợp nhiều dịch vụ số là nền tảng hình thành Trung tâm điều hành thông tin tập trung đa nhiệm của TP Bến Tre. Đến nay, Dự án “Cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng bằng đèn LED ứng dụng công nghệ IOT – Nền tảng xây dựng Thành phố thông minh”, nghĩa là sử dụng mạng truyền thông của hệ thống đèn đường làm nền tảng; đồng thời, đã triển khai thí điểm phần mềm quản lý phản ánh tương tác hiện trường và tương tác trực tuyến và hệ thống 3 camera giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông kể từ đầu tháng 8 năm 2020 đã được kết nối với phòng điều khiển.

Ông Huỳnh Vĩnh Khánh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Bến Tre cho biết thêm, để triển khai thực hiện xây dựng mô hình đô thị thông minh, hiện đại hóa  điều hành, quản lý và triển khai thực hiện thành công Chương trình chuyển đổi số của Chính phủ, Thành ủy Bến Tre sẽ ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng TP Bến Tre là đô thị thông minh giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 sẽ lựa chọn 5 lĩnh vực tập trung thực hiện gồm: Chính quyền số, quản lý môi trường, quản lý thông tin đất đai, quản lý an ninh trật tự - an toàn giao thông và quản lý chiếu sáng thông minh. Giai đoạn 2026 – 2030 sẽ tập trung cho các lĩnh vực còn lại. Đồng thời tất cả các lĩnh vực sau khi triển khai thực hiện sẽ được kết nối vào Trung tâm điều hành thông tin tập trung đa nhiệm của TP Bến Tre để xử lý thông tin phục vụ cho công tác điều hành và quản lý chung của thành phố. Đến năm 2030, TP Bến Tre sẽ cơ bản đạt được mô hình đô thị thông minh.

Mô hình chính quyền đô thị tại TP Bến Tre thực hiện trên cơ sở Nghị định của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần có sự rà soát, sắp xếp, sáp nhập lại một số cơ quan chuyên môn một cách hợp lý, tránh trùng lắp chức năng, nhiệm vụ, theo hướng  tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phù hợp với đặc thù của thành phố; có cơ chế tuyển dụng, bồi dưỡng, đào tạo, xây dựng đội ngũ công chức có tính ổn định, chuyên nghiệp và chuyên môn hóa cao; kiến nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý cho các cấp chính quyền đô thị từ cơ sở đến thành phố, tạo điều kiện phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, nhanh nhạy, đồng thời đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị, tiến tới từng bước hình thành phương thức quản lý và cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp, kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình thi hành công vụ thông qua các công cụ quản lý và cơ chế giám sát thông minh, hiệu quả.

Cùng với đó, TP Bến Tre đã tập trung thực hiện lĩnh vực dịch vụ công đối với các cơ quan nhà nước. Thực hiện niêm yết công khai quy trình thủ tục trên cổng thông tin điện tử; thống nhất quy trình, thành phần, số lượng hồ sơ tiếp nhận, đảm bảo đúng quy định.

Xây dựng TP Bến Tre đạt chuẩn đô thị loại I là mục tiêu quan trọng hàng đầu của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Chính vì vậy, Đảng bộ thành phố sẽ tiếp tục phát huy tinh thần năng động, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân, tập trung huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế xã hội thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên, để TP Bến Tre sẽ tiếp tục có bước phát triển nhanh, toàn diện và bền vững, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ tỉnh Bến Tre, nhiệm kỳ 2020 – 2025./..

Nguồn: Dangcongsan.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)