Chương trình Phát triển đô thị quốc gia : Năm 2020, phấn đấu cả nước có khoảng 940 đô thị

Chủ nhật, 04/03/2012 14:27
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Thủ tướng Chính phủ đang xem xét phê duyệt Chương trình Phát triển đô thị Quốc gia giai đoạn 2012-2020.

Khu đô thị mới Đặng Xá - Gia Lâm – Hà Nội do VIGLACERA đầu tư đang dần hoàn thiện

Theo Cục Phát triển đô thị Bộ Xây dựng: việc phát triển đô thị quốc gia 2012 – 2020 dựa trên quan điểm: Phát triển hệ thống đô thị quốc gia đảm bảo phù hợp với Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2011-2015, tạo động lực phát triển kinh tế, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở mỗi địa phương, mỗi vùng và cả nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Tạo cơ chế đẩy mạnh tốc độ đô thị hóa tại các vùng có tốc độ kinh tế phát triển mạnh như vùng Đông Nam Bộ, Đồng Bằng sông Hồng, vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung. Hỗ trợ và thúc đẩy phát triển các khu vực còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các vùng biên giới, hải đảo, Tây Nguyên, Tây Bắc, vùng phía Tây các tỉnh miền Trung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đảm bảo gắn phát triển kinh tế, phát triển đô thị với giữ vững quốc phòng an ninh, song hành cùng với Chiến lược biển quốc gia và thích ứng với quá trình biến đổi khí hậu toàn cầu. Phân bố hợp lý mạng lưới đô thị trung tâm các cấp trên địa bàn cả nước, tạo ra sự phát triển cân đối giữa các vùng lãnh thổ, phát triển hài hòa giữa đô thị và nông thôn theo quy hoạch dài hạn, không khép kín theo ranh giới hành chính. Sử dụng hiệu quả, hợp lý quỹ đất đô thị hiện hữu, giữ gìn quỹ đất nông nghiệp nhằm bảo đảm chiến lược an ninh lương thực quốc gia. Phát triển, hình thành mới các đô thị gắn với các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế ven biển là động lực tăng trưởng cấp quốc gia, là cửa ngõ hội nhập kinh tế thế giới nhằm thúc đẩy phát triển, tạo tác động lan tỏa đến các vùng khác. Phát triển hệ thống đô thị du lịch gắn với các tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đảm bảo đô thị phát triển bền vững. Phát triển đô thị phải chú trọng đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật - xã hội, kiểm soát chất lượng môi trường đô thị, hài hòa giữa bảo tồn, cải tạo và xây dựng mới. Nâng cao chất lượng và tiến tới xây dựng đô thị có điều kiện sống tốt, tăng cường sức cạnh tranh đô thị trong khu vực và quốc tế. Phát triển đô thị trên cơ sở phân công rõ ràng trách nhiệm và có cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý quy hoạch, kế hoạch, đất đai, cơ sở hạ tầng đô thị cũng như sự phối hợp giữa các đô thị trong vùng đô thị lớn, vùng kinh tế trọng điểm để phát huy các cơ hội và khắc phục những thách thức trong việc sử dụng các nguồn lực cho đầu tư cải tạo, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.

Mục tiêu của Chính phủ đề ra đến năm 2015 tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt 38%, hệ thống đô thị khoảng 870 đô thị, gồm: 02 đô thị đặc biệt, các đô thị từ loại IV đến loại I là 211 đô thị, 657 đô thị V và hình thành thêm 132 đô thị mới. Về chất lượng đô thịdiện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đạt 26 (m2/người); Tỷ lệ nhà kiên cố đạt 65%. Tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị tại đô thị loại đặc biệt, I và loại II đạt từ 15-20%; đô thị từ loại III đến loại V đạt từ 15% trở lên. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu đi tại đô thị đặc biệt và loại I đạt từ 15 - 20%; đô thị loại II và III đạt từ 6 - 10%; đô thị loại IV và V đạt từ 1 - 3%. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch và tiêu chuẩn cấp nước tại đô thị đặc biệt đến loại III đạt 90%, đạt 120lít/người/ngày đêm; đô thị loại IV đạt 70%, tiêu chuẩn cấp nước đạt 100lít/người/ngày đêm; đô thị loại V đạt 50%, tiêu chuẩn cấp nước đạt 80 lít/người/ngày.đêm. Tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đạt 70% - 80%, tỷ lệ nước thải sinh hoạt tập trung được thu gom và xử lý đạt 40 – 50%; 100% nước thải công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt thu gom và xử lý đạt 85% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh; khu công nghiệp đạt 80%. Đảm bảo chiếu sáng đường phố đạt tỷ lệ 95% chiều dài các tuyến đường chính đô thị và đường cấp tại các đô thị đặc biệt đến loại II; đạt 85% chiều dài đường nội bộ (khu nhà ở, ngõ xóm). Từng bước phát triển đồng bộ các loại hình chiếu sáng đạt 85% chiều dài các tuyến đường chính đối với các đô thị loại III, IV và V. Đất cây xanh khu vực đô thị, đối với đô thị đặc biệt, loại I đạt tối thiểu từ -10 m2/người; đô thị loại II, III đạt 7 m2/người; đô thị loại IV, V đạt 5 m2/người; Đất cây xanh công cộng khu vực nội thị, đô thị đặc biệt đạt 6 m2/người; loại V đến I đạt từ 3 – 5 m2/người.

Đến năm 2020 tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 45%, hệ thống đô thị khoảng 940 đô thị gồm: 02 đô thị đặc biệt, các đô thị từ loại IV đến loại I là 318 đô thị, 620 đô thị V vàhình thành thêm 204 đô thị mới. Về chất lượng đô thịdiện tích sàn nhà ở bình quân đạt 29 (m2/người); Tỷ lệ nhà kiên cố đạt 75%. Tỷ lệ đất giao thông so với diện tích đất xây dựng đô thị tại đô thị loại đặc biệt, I và loại II đạt từ 25% trở lên; đô thị từ loại III đến loại V đạt từ 20% trở lên. Tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đáp ứng nhu cầu tại đặc biệt và loại I đạt từ 20 - 30%; đô thị loại II và III đạt từ 10 - 15%; đô thị loại IV và V đạt từ 2 - 5%. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch và tiêu chuẩn cấp nước tại đô thị đặc biệt đến loại IV đạt 90%, đạt 120lít/người/ngày đêm; đô thị loại V đạt 70%, tiêu chuẩn cấp nước đạt 90lít/người/ngày đêm.Tỷ lệ bao phủ của hệ thống thoát nước đạt 80% - 90% diện tích lưu vực thoát nước trong các đô thị và 60% lượng nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý; 100% các cơ sản xuất mới áp dụng công nghệ sạch hoặc trang bị các thiết bị giảm ô nhiễm. Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 95%. Tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch dưới 18 % đối với các đô thị từ loại đặc biệt đến loại IV; dưới 25% đối với các đô thị loại V. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt thu gom và xử lý đạt 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh; khu công nghiệp đạt 90%; 100% lượng chất thải rắn y tế nguy hại được thu gom và xử lý đảm bảo tiêu chuẩn môi trường. Đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng đường nội bộ (trong khu nhà ở và ngõ xóm) đạt 100% tại các đô thị loại II trở lên và đạt 90% tại các đô thị loại III và IV. Đất cây xanh khu vực đô thị, đối với đô thị đặc biệt đạt 15 m2/người; đô thị loại I, II đạt 10 m2/người; đô thị loại III, IV đạt 7 m2/người; đô thị loại V đạt 3-4 m2/người; Đất cây xanh công cộng khu vực nội thị, đô thị đặc biệt đạt 7 m2/người; loại V đến I đạt từ 4 - 6 m2/người.

Theo : Báo Xây dựng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)