Công tác bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát thất thu nước sạch đang được triển khai hiệu quả

Thứ năm, 30/12/2021 17:35
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 30/12/2021, tại Hà Nội, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) tổ chức hội thảo “Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch; kế hoạch triển khai thực hiện”. PGS.TS. Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật chủ trì hội thảo.

PGS.TS. Mai Thị Liên Hương phát biểu tại hội thảo

Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tham dự hội thảo có đại diện các Bộ, các hội, hiệp hội chuyên ngành; Sở Xây dựng các địa phương, Ban Chỉ đạo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch các tỉnh/thành phố, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp nước.

Đảm bảo cấp nước an toàn là một trong những nội dung quan trọng trong chính sách phát triển kinh tế xã hội, phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Đây cũng là lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam, Bộ Xây dựng đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao. Nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành, quan trọng nhất là Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1566/QĐ-TTg ngày 9/8/2016; Chương trình Quốc gia chống thất thoát thất thu nước sạch đến năm 2025 (tại Quyết định số 2147/QĐ-TTg ngày 24/11/2010); Chỉ thị số 34/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục.

Trong những năm qua, Cục Hạ tầng kỹ thuật với vai trò là cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ Xây dựng đã rất chủ động, tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc các Bộ, ngành liên quan tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả thực hiện cấp nước an toàn tại các tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc; đồng thời mở rộng quan hệ quốc tế nhằm học hỏi kinh nghiệm, cập nhật tiến bộ khoa học kỹ thuật, tranh thủ các nguồn lực cũng như sự hỗ trợ của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế để nâng cao năng lực quản lý và phát triển ngành cấp thoát nước Việt Nam. Bên cạnh đó, Cục Hạ tầng cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước tổ chức các hội thảo khoa học nhằm nâng cao năng lực bảo đảm cấp nước an toàn và giảm thất thoát nước sạch cho hệ thống cấp nước Việt Nam.

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Mai Thị Liên Hương cho biết, hội thảo lần này nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát thất thu nước sạch của các cấp Trung ương và địa phương thời gian qua; từ đó lựa chọn các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác cấp nước, thống nhất kế hoạch triển khai thực hiện mục tiêu của các Chương trình quốc gia về bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát thất thu nước sạch. Hội thảo cũng là dịp để các cơ quan liên quan, các địa phương cùng chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn, khắc phục các khó khăn trong quá trình thực hiện.

Tại hội thảo, Phó Trưởng phòng Quản lý cấp nước (Cục Hạ tầng) Nguyễn Thị Hồng Khánh nêu bật các kết quả đã đạt được trong công tác đảm bảo cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch. Theo đó, đến nay hầu hết các địa phương trên toàn quốc đã thành lập Ban Chỉ đạo Cấp nước an toàn hoặc Ban Chỉ đạo Cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch. Mạng lưới nhà máy cấp nước đô thị hiện đã trải đều trong các đô thị từ Bắc tới Nam, với công nghệ xử lý nước hiện đại, tổng công suất thiết kế đạt khoảng 10,6 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ cư dân đô thị được cung cấp nước qua hệ thống cấp nước tập trung đạt khoảng 92%; tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch giảm xuống còn 17,5%.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác cấp nước ở các đô thị và nông thôn Việt Nam hiện nay cũng gặp không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi tăng cường hơn nữa sự phối hợp liên ngành giữa các Bộ và từ Trung ương đến địa phương; đồng thời cần định hướng kiểm soát tốt hiện trạng mạng lưới cấp nước và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để từng bước hiện đại hóa, tự động hóa hệ thống quản lý, vận hành mạng lưới cấp nước hướng đến mục tiêu quản lý áp lực, lưu lượng, chất lượng nước toàn diện theo thời gian.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Nguồn nước và nước sạch nông thôn (Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), đến nay 55/63  tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương đã kiện toàn Ban chỉ đạo Chương trình cấp nước nông thôn, có sự bổ sung thành viên Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn; 88,5% dân số sống ở khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; mạng lưới nhà máy cấp nước tập trung ở khu vực nông thôn đạt 16.573 công trình và tiếp tục được mở rộng.

Toàn cảnh hội thảo tại điểm cầu Hà Nội

Tại hội thảo, các chuyên gia đã trình bày nhiều tham luận đánh giá tình hình thực hiện bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát thất thu nước sạch, đồng thời đưa ra kế hoạch triển khai thực hiện các giải pháp như: xây dựng quy chuẩn địa phương cho cấp nước sinh hoạt; ứng dụng ảnh vệ tinh để lấy thông tin trong giám sát và quản lý an ninh nguồn nước mặt phục vụ cấp nước sinh hoạt tập trung; một số nghiên cứu ban đầu về Chứng nhận thực hiện đảm bảo cấp nước an toàn; đánh giá thực hiện đảm bảo cấp nước an toàn, lộ trình và kế hoạch triển khai cấp nước an toàn của các đơn vị cấp nước ở một số địa phương. Đề xuất của TS. Trần Anh Tuấn (nguyên Phó Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, hiện là Phó Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam) về nghiên cứu bộ chỉ số chứng nhận đảm bảo cấp nước an toàn đối với hệ thống cấp nước tập trung được các đại biểu rất quan tâm, thảo luận.

Kết luận hội thảo, PGS.TS. Mai Thị Liên Hương đề nghị các đơn vị chức năng của các Bộ, ngành liên quan, Sở Xây dựng các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cấp nước tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm triển khai và hoàn thành tốt kế hoạch, nhiệm vụ của năm 2022, bảo đảm cấp nước an toàn và chống thất thoát, thất thu nước sạch theo các mục tiêu đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong các Chương trình quốc gia.

Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)