TP Hồ chí Minh: Rút gọn thủ tục, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội

Thứ sáu, 08/07/2022 14:18
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Sở Xây dựng đã tham mưu UBND Thành phố quy trình để rút gọn các thủ tục, theo đó, sẽ rút ngắn thời gian từ 345 xuống còn 153 ngày đối với các dự án có nguồn cấp đất từ doanh nghiệp; rút ngắn từ 540 ngày xuống còn 350 ngày đối với các dự án đấu thầu trên đất sạch do Nhà nước quản lý.

Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM Trần Hoàng Quân trả lời chất vấn tại Kỳ họp - Ảnh: VGP

Sáng 7/7, Kỳ họp thứ 6 HĐND TPHCM khóa X đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với Sở Xây dựng Thành phố và UBND Quận 8 về Chương trình phát triển nhà ở TPHCM.

Tại buổi chất vấn, các đại biểu đã đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân về các vấn đề phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân. Các đại biểu cho rằng trong Chương trình phát triển nhà ở Thành phố, nhà ở thương mại và nhà ở riêng lẻ đạt chỉ tiêu rất cao, với lần lượt 213% và 123%, trong khi đó nhà ở xã hội chỉ đạt 69%. Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng khó khăn hơn xây nhà ở thương mại, thế nên doanh nghiệp mới ngại đầu tư nhà ở xã hội và đề nghị Sở Xây dựng nêu giải pháp cụ thể để phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Ngoài ra, qua khảo sát, các đại biểu cho biết nhu cầu thuê nhà ở của công nhân lao động trên địa bàn Thành phố rất cao, nghĩa là công nhân không có nhu cầu sở hữu nhà ở mà chỉ cần thuê để ở. Sở Xây dựng có giải pháp gì để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, đảm bảo giá rẻ mà vẫn chất lượng.

Sắp xếp, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội

Trả lời chất vấn của các đại biểu, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Hoàng Quân cho biết, qua rà soát, trên địa bàn Thành phố có 600.000 phòng trọ với khoảng 60.000 chủ nhà trọ, trong đó 60% chủ nhà trọ có nhà trọ độc lập, 40% là trong chung cư, chia phòng để cho thuê.

Với 600.000 phòng trọ này, có thể giải quyết nhu cầu nhà ở cho 1,8 triệu công nhân trên địa bàn. Qua khảo sát, có gần 900.000 là các công nhân ở KCX, KCN thuê các nhà trọ này; trên 90% nhà trọ đạt theo Quyết định 3979 mà Thành phố ban hành năm 2020 về tiêu chuẩn 5 m2 trên đầu người cũng như đảm bảo các điều kiện sống tối thiểu như nhà vệ sinh, lối thoát hiểm… Tuy nhiên, trong đó có khoảng 30% nhà trọ chưa đảm bảo PCCC cũng như thoát hiểm, cứu nạn. Sở cũng đã tham mưu Thành phố có chính sách hỗ trợ các chủ nhà trọ cải tạo, nâng cấp để đảm bảo theo Quyết định 3979.

Cũng theo người đứng đầu ngành xây dựng Thành phố, trong năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị định 35 cho phép Thành phố được sử dụng đất thương mại, dịch vụ trong KCX, KCN để xây nhà lưu trú cho công nhân thuê. Trong dịp 30/4 vừa qua, Thành phố đã khởi công một số công trình xây nhà trọ cho công nhân thuê và tiếp tục sẽ có 40 dự án để triển khai việc này. Thời gian tới, có 6 dự án mà doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng nhà cho công nhân thuê trong các KCX, KCN, giúp cho công nhân thuê được các phòng trọ với các công trình phúc lợi để đảm bảo đời sống cũng như sinh hoạt của công nhân.

Về nguồn vốn, theo ông Quân, trong suốt nhiệm kỳ 2016-2020, Thành phố đã xây dựng 15.000 nhà ở xã hội, trong đó chỉ sử dụng 6% vốn ngân sách, còn lại là vốn của doanh nghiệp. UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở KH&ĐT, Sở Tài chính cùng nghiên cứu, tham mưu bố trí nguồn ngân sách, góp phần cùng các doanh nghiệp cùng các nguồn xã hội hóa để thực hiện nhà ở xã hội giai đoạn tới.

Các đại biểu dự Kỳ họp - Ảnh: VGP

Qua giám sát, HĐND cũng đã yêu cầu các ngành trích 20% từ nguồn tiền sử dụng đất các dự án thương mại để thực hiện nội dung xây dựng nhà ở xã hội.

Liên quan đến tốc độ tăng trưởng cũng như phát triển nhà ở xã hội, theo Giám đốc Sở Xây dựng, mặc dù đưa ra mục tiêu tăng gấp 2 lần so với nhiệm kỳ trước nhưng lãnh đạo Thành phố cũng rất quan tâm, yêu cầu Sở Xây dựng nghiên cứu, tham mưu cùng các sở, ngành, vận động doanh nghiệp tham gia cùng Thành phố phát triển nhiều hơn nữa nguồn nhà xã hội hóa để giải quyết căn cơ trong nhiệm kỳ này. Qua rà soát, Thành phố sẽ có 70.000 căn nhà ở xã hội nằm trong 33 dự án sắp tới của Thành phố. Trong đó, có 14 dự án hoàn thành công tác bồi thường, GPMB, có thể triển khai ngay trong năm 2022-2023 và sẽ đưa vào trên 15.000 căn nhà ở xã hội. Việc cần làm lúc này là Thành phố và các sở, ngành tạo điều kiện rút ngắn các thủ tục, tạo điều kiện để doanh nghiệp sớm thực hiện các dự án này để Thành phố đạt được chỉ tiêu đề ra và đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân.

Về cải cách thủ tục hành chính, Sở cũng đã tham mưu UBND Thành phố quy trình để rút gọn các thủ tục, theo đó, sẽ rút ngắn thời gian từ 345 xuống còn 153 ngày đối với các dự án có nguồn cấp đất từ doanh nghiệp; rút ngắn từ 540 ngày xuống 350 ngày đối với các dự án đấu thầu trên đất sạch do Nhà nước quản lý. Các thủ tục này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp triển khai nhanh các dự án nhà ở xã hội trong thời gian tới.

Sở cũng đã đề xuất Thành phố sắp xếp lại quỹ nhà đất do Nhà nước trực tiếp quản lý để điều chỉnh quy hoạch và rà soát, bổ sung chỉ tiêu và triển khai đấu thầu, thực hiện các dự án nhà ở xã hội.

Ngoài ra, đề xuất UBND Thành phố rà soát các quỹ đất, đất nông nghiệp cũng như đất có quy mô lớn để kêu gọi đầu tư, thực hiện các dự án nhà ở xã hội lớn, làm sao giảm giá thành nhà ở cho người dân có thu nhập thấp có thể tiếp cận được.

Trước đó, UBND TPHCM đã có tờ trình về dự thảo chương trình phát triển nhà ở TPHCM giai đoạn 2021-2030. Một trong những nội dung được rất nhiều người dân quan tâm là làm sao để xây dựng được nhiều dự án nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu rất lớn của người thu nhập thấp, lao động nghèo Thành phố.

Đánh giá về kết quả phát triển nhà ở tại TPHCM giai đoạn 2016-2020, Thành phố phát triển mạnh các loại hình nhà ở xã hội, với 19 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, cung ứng cho thị trường 1,23 triệu m2 sàn. Dù vậy, số lượng căn hộ hoàn thành vẫn chưa thể đáp ứng hết nhu cầu rất lớn của người dân.

Giai đoạn 2021-2030, TPHCM xác định sẽ khuyến khích bằng cơ chế và chính sách để mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, đặc biệt là nhà ở xã hội, bố trí vốn ngân sách xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua.

Cũng theo UBND Thành phố, tổng nhu cầu nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 là khoảng 37 triệu m2 sàn, trong đó chủ yếu là nhu cầu của người thu nhập thấp (15 triệu m2) và công nhân làm việc tại các khu, cụm công nghiệp (12 triệu m2). Thành phố dự kiến xây dựng khoảng 2,5 triệu m2 sàn, tương ứng khoảng 35.000 căn giai đoạn 2021-2025. Trong đó có khoảng 7.000 căn hộ cho thuê và khoảng 4.500 căn nhà ở lưu trú cho công nhân. Còn ở giai đoạn 2026-2030, Thành phố dự kiến xây thêm 4,08 triệu m2 sàn, tương ứng 58.000 căn nhà. Tổng quỹ đất để xây nhà ở xã hội là 451 ha.

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)