Huyện Mê Linh đạt tiêu chí huyện nông thôn mới - 'quả ngọt' sau 10 năm xây dựng

Thứ ba, 19/10/2021 15:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Trước khi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Mê Linh gặp phải không ít khó khăn, thách thức với xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, sau 10 năm nỗ lực xây dựng và phát triển, đến nay huyện đã có 16/16 xã đạt chuẩn và đang hoàn thiện hồ sơ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Nhiều tuyến đường liên xã trên địa bàn huyện Mê Linh được xây dựng kiên cố, sạch đẹp. Ảnh: Thiện Tâm

Theo Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, trước khi xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và nhân dân huyện Mê Linh đã phải đối mặt với không ít khó khăn do hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, xuống cấp. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển. Năm 2010, huyện Mê Linh bước vào công cuộc xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm thấp, qua khảo sát 19 tiêu chí trên địa bàn các xã thì huyện chỉ đạt 1/19 tiêu chí (an ninh trật tự), các tiêu chí còn lại đều đạt thấp (2/19 tiêu chí đạt 70-90%, 5/19 tiêu chí đạt 50- 60%, 11/19 tiêu chí đạt dưới 50%).

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người cũng chỉ đạt 13,6 triệu đồng/người/năm. Đến cuối năm 2010 không có xã nào đạt tiêu chí thu nhập. Tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo là 8,64%; 16/16 xã không đạt tiêu chí này.

Chính vì vậy, nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và ngay sau khi Thành ủy Hà Nội (khóa XV) ban hành Chương trình 02-CTr/TU, huyện uỷ Mê Linh đã tổ chức hội nghị quán triệt các nội dung của Chương trình, Bộ tiêu chí quốc gia và các văn bản của các Bộ, ban, ngành, Thành phố đến toàn thể đội ngũ cán bộ chủ chốt toàn huyện, các chi bộ, đảng bộ trực thuộc huyện, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân để biết và thực hiện.

Trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo huyện luôn theo phương châm “Chọn việc dễ, cấp thiết phục vụ đời sống nhân dân làm trước; việc khó, nhiều nguồn lực làm sau. Đặc biệt, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, thực hiện trước của cán bộ, đảng viên, từ đó, là cơ sở để tuyên truyền, vận động quần chúng, nhân dân hưởng ứng và thực hiện với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Các chủ trương, chính sách và cách thức tiến hành xây dựng nông thôn mới được Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở quan tâm triển khai, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân với nhiều nội dung như:  UBMTTQ huyện với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” kết hợp với phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”; Hội Nông dân vận động hội viên tham gia, thực hiện cuộc vận động "Nông dân huyện Mê Linh đi đầu trong xây dựng nông thôn mới "; Hội phụ nữ tham gia xây dựng và duy trì các tuyến đường phụ nữ tự quản “xanh - sạch - đẹp và nở hoa”…

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới được duy trì thường xuyên và hiệu quả; việc biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có đóng góp tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới được quan tâm thực hiện, kịp thời khơi dậy, khích lệ và thúc đẩy phong trào thi đua tại các địa phương, đơn vị. Hơn 10 năm qua, đã có 831 tập thể, hộ gia đình, cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, Thành phố và huyện khen thưởng về những thành tích xuất sắc trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đã tăng cao, năm 2020 đạt 51,6 triệu đồng/năm (tăng 38 triệu đồng so với năm 2010). Đến hết năm 2020 ( kết thúc giai đoạn chuẩn nghèo đa chiều) trên địa bàn huyện còn 1 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,001%.

Theo ông Hoàng Anh Tuấn, để nâng cao cơ sở vật chất, hạ tầng, huyện cũng tập trung tối đa mọi nguồn lực, quan tâm tổ chức sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… , từ đó góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân cũng từng bước được cải thiện. Giai đoạn từ năm 2010 -2020, huyện đã bố trí trên 4 nghìn tỷ đồng, tập trung đầu tư xây dựng mới 442,8 km và cải tạo, nâng cấp 105,87 km đường giao thông trục xã, liên xã, liên thôn, đường ngõ xóm, đường trục chính nội đồng; xây mới 51 km kênh mương cấp 3; xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 126 điểm trường học…

Huyện xác định nông nghiệp là bệ đỡ cho ổn định nông thôn nên cơ cấu nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bước đầu xây dựng được thương hiệu hàng hóa nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân. Thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai và dịch bệnh, đặc biệt là ứng phó với bão lũ, ngập úng hàng năm,bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, dịch Cúm gia cầm H5N6, đại dịch COVID-19.

Duy trì, nâng cao tiêu chí

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ từ chính quyền huyện đến nhân dân, đến nay chương trình xây dựng nông thôn mới của Mê Linh đã “gặt được những quả ngọt”, toàn huyện đã có 16/16 xã được UBND Thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đối với các tiêu chí huyện nông thôn mới theo Hướng dẫn của UBND thành phố Hà Nội, huyện đã đạt 9/9 tiêu chí. Hiện đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Xác định xây dựng nông thôn mới là quá trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, chính vì vậy, theo Chủ tịch huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn, từ nay đến năm 2025, huyện sẽ duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với huyện nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu để đảm bảo xây dựng nông thôn mới là quá trình thường xuyên, liên tục, hướng tới mục tiêu phát triển nông thôn bền vững: Kinh tế phát triển, hạ tầng kinh tế xã hội hiện đại; môi trường sinh thái trong lành; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa làng quê; chất lượng đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng nâng cao.

Đến năm 2025, toàn huyện sẽ có từ 6 -8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1- 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tốc độ trưởng ngành sản xuất nông nghiệp và thủy sản hàng năm đạt từ 2,5 -3,0%. Nâng cao thu nhập của nông dân khu vực nông thôn phấn đấu đạt trên 65 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 80 - 85%...

Nguồn: Chinhphu.vn

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)