Xu hướng đầu tư đô thị xanh lan tỏa

Thứ hai, 17/02/2020 15:09
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Hàng chục dự án đô thị xanh ở các địa phương đã thu hút được nguồn tài trợ vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế và các tập đoàn kinh tế trong nước.

“Đua” làm đô thị mới từ vốn ODA

Giữa tháng 1/2020 vừa qua, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Trà Vinh, đại diện Viện Kinh tế xanh (trụ sở tại Quận 7, TP.HCM) đã đề xuất dự án xây dựng “làng khoa học công nghệ quốc tế” dự kiến sẽ thực hiện tại TP. Trà Vinh. 

Với dự án này, Viện Kinh tế xanh kỳ vọng sẽ giúp tỉnh Trà Vinh xúc tiến đầu tư, xây dựng một mô hình đô thị khép kín, bao gồm các không gian và cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu; tổ chức các hội nghị khoa học lớn, có tầm quốc tế liên quan đến các lĩnh vực như: công nghệ sinh học, công nghệ năng lượng mới, công nghệ hệ thống tối ưu về logistics… Từ đó tạo ra một không gian sống kiểu mẫu cho toàn vùng ĐBSCL.

Theo ghi nhận, phía tỉnh Trà Vinh đã tỏ ra khá đồng thuận với chủ trương xây dựng mô hình đô thị kiểu mới, gắn khoa học công nghệ với các yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển sinh kế bền vững. Ngay sau khi thông qua ý tưởng dự án, các DN như Ernst Young Việt Nam và International Port Engineering & Investments Limited đã ký cam kết đồng hành với Trà Vinh trong việc xúc tiến đầu tư, khai thác các dự án kinh tế biển và các dự án logistics trọng điểm.

Không chỉ ở Trà Vinh, quan sát thực tế đến thời điểm hiện nay, tận dụng những nguồn tài trợ vốn ODA các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, AFD… hầu như tất cả các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL đều bắt đầu có ý tưởng xúc tiến đầu tư các mô hình đô thị xanh, gắn với mục tiêu áp dụng khoa học công nghệ và giảm thiểu các tác động từ biến đổi khí hậu. 

Chẳng hạn, đầu tháng 2 vừa qua, UBND tỉnh Hậu Giang đã chốt phương án đầu tư dự án đô thị xanh Ngã Bảy với tổng mức đầu tư trên 1.300 tỷ đồng. Dự án này được xây dựng tại địa bàn 5 phường của TP. Ngã Bảy với quy mô gần 4.400 ha. Một phần nguồn tài chính được Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tài trợ.

Trước đó, tại An Giang, để hỗ trợ xây dựng dự án đô thị xanh TP. Long Xuyên, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đã tài trợ nguồn vốn vay 40 triệu USD cho địa phương này. UBND tỉnh An Giang sau đó cũng đã đề xuất Chính phủ chấp thuận nâng thêm mức tài trợ đối với tất cả các hợp phần của dự án để đảm bảo kết quả giảm ngập cho 65% diện tích đô thị và tăng khả năng kết nối vùng của TP. Long Xuyên.

Tại các tỉnh khác như Kiên Giang, Cần Thơ, Cà Mau, trong năm 2019, WB cũng đã thống nhất tài trợ 210 triệu USD vốn vay để các địa phương này phát triển các đô thị xanh thích ứng với biến đỗ khí hậu trên địa bàn. Quỹ Khí hậu xanh (CGF) của Liên Hợp quốc cũng đã thống nhất tài trợ khoảng 40 triệu USD để xây dựng các dự án chuyển đổi đô thị khu vực Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên. 

Để tăng trưởng xanh bền vững

Theo kinh nghiệm đầu tư hỗ trợ phát triển các dự án đô thị xanh ứng phó với biến đổi khí hậu của WB, vấn đề mà hầu hết các đô thị tại Việt Nam đều mắc phải là tình trạng tiếp cận không đồng đều tới các dịch vụ cơ bản, bao gồm cấp thoát nước, xử lý nước thải và kết nối giao thông đường bộ. Do vậy, để thiết kế và kêu gọi đầu tư vào các đô thị xanh bền vững các địa phương cần tích hợp đầy đủ các nhu cầu và tính toán phù hợp các ưu tiên đầu tư theo từng giai đoạn.

Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) đưa ra 6 điều kiện cơ bản để hình thành và xây dựng một mô hình đô thị xanh bền vững, bao gồm: rà soát tình hình kinh tế vĩ mô; đánh giá thể chế, chính sách và lập các kế hoạch chiến lược; đánh giá kịch bản cơ sở của đô thị mới; thiết lập các tầm nhìn, mục đích của đô thị; xác định sắp xếp các giá trị ưu tiên đầu tư và thiết lập các kế hoạch tài chính.

Theo GGGI, việc sử dụng phương pháp phân tích đa tiêu chí hiện nay được nhiều quốc gia áp dụng để phát triển các đô thị xanh dựa trên nền tảng là các đô thị lõi hiện hữu. Hiện cơ quan này đã xây dựng một bộ công cụ phân tích bao gồm 9 tiêu chí để các dự án có thể tham khảo và thực hiện. Trong đó, các tiêu chí về nhu cầu ưu tiên cấp bách, tiêu chí tận dụng được các nguồn tài trợ bên ngoài và tiết kiệm chi phí là những tiêu chí mà các địa phương cần quan tâm nhiều nhất khi bắt tay làm đô thị xanh. 

Tại Việt Nam hiện nay, ngoài các dự án được các tổ chức tài chính quốc tế tài trợ vốn vay và tư vấn các kế hoạch ưu tiên đầu tư, đã có một số dự án đô thị xanh do địa phương và các tập đoàn kinh tế tư nhân phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia phân tích nếu không tính toán kỹ lưỡng các mục tiêu, tầm nhìn và đánh giá các tác động dài hạn thì rủi ro rất có thể sẽ xảy ra ở một số dự án, gây hệ lụy đến môi trường và ảnh hưởng đến sinh kế người dân tại các đô thị hiện hữu.

Riêng ở góc độ nguồn vốn tín dụng, ghi nhận của Thời báo Ngân hàng cho thấy rằng, hiện nay với xu hướng đầu tư đô thị xanh lan tỏa ở nhiều địa phương thì cơ hội để mở rộng tăng trưởng “tín dụng xanh” tại NHTM vẫn đang rất rộng mở. 

Tính đến hết năm 2019, những thống kê của NHNN cho thấy rằng đã có khoảng 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng, 17 TCTD đã xây dựng quy trình thẩm định rủi ro môi trường và xã hội trong các quy định nội bộ. Trong năm 2018 đã có khoảng trên 235.700 tỷ đồng đầu tư vào các dự án xanh và mức này đã tăng lên 317.600 tỷ đồng chỉ tính đến giữa năm 2019, chứng tỏ rằng tăng trưởng tín dụng xanh đang được các NHTM đẩy lên rất mạnh mẽ. 

Hiện nay, nhiều TCTD như VietinBank, Vietcombank,  Agribank, HDBank, SHB, TPBank, OCB,.. đã gắn yếu tố “xanh” vào các chiến lược marketing và định hướng phát triển của mình. Hầu hết các TCTD trong nước hiện nay cũng đã hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, JICA, IFC… để đồng hành tài trợ vốn hoặc gián tiếp cho vay lại các nguồn vốn đối với các dự án xanh. Điều này cho thấy rằng, những dự án phát triển đô thị xanh kiểu mới mà hàng loạt các địa phương đang triển khai sẽ khá thuận lợi về mặt tài chính, kể cả nguồn tài trợ quốc tế đến các nguồn huy động tín dụng thương mại từ hệ thống ngân hàng.y


Theo Thời báo ngân hàng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)