Trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh gửi tới sau kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV

Thứ sáu, 22/07/2022 17:48
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh gửi tới sau kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến theo văn bản số 487/BDN ngày 14/06/2022 với các nội dung kiến nghị:

1. Câu số 14: “Cử tri cho rằng những vấn đề mâu thuẫn, tranh chấp giữa người dân và chủ đầu tư tại các dự án nhà chung cư vẫn xảy ra nhiều và phức tạp. Kiến nghị đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, xử lý sai phạm để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng của người dân”.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 2762/BXD-TTr trả lời như sau:

Tại chương 7, Luật Nhà ở số 65/2014/QH13 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015) quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư. Để hướng dẫn cụ thể những quy định của Luật, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ ban hành một số Nghị định như: số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015, số 30/NĐ-CP ngày 26/03/2021, số 16/NĐ-CP ngày 28/01/2022. Theo thẩm quyền, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành nhiều Thông tư như: Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư; số 28/2016/TT-BXD ngày 15/12/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2016/TT-BXD; số 06/2019/TT-BXD ngày 31/10//2019 về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, sử dụng nhà chung cư; số 21/TT-BXD ngày 31/12/2019 về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nhà chung cư.

Hệ thống văn bản pháp luật nêu trên đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ để điều chỉnh toàn diện các hoạt động liên quan trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư, giúp cho việc quản lý, vận hành nhà chung cư từng bước đi vào nề nếp, khắc phục cơ bản những tồn tại trước đây, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường, từng bước xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại tại các đô thị.

Hiện nay, cả nước có 4500 nhà chung cư đang được sử dụng, trong đó có hơn 90% số lượng nhà chung cư được quản lý, vận hành, sử dụng an toàn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý, vận hành nhà chung cư tại một số địa phương đã phát sinh một số tranh chấp, khiếu nại như: chậm tổ chức hội nghị nhà chung cư, thành lập Ban quản trị; đóng góp, bàn giao, quản lý và sử dụng kinh phí bảo trì phần sử hữu chung, kinh phí quản lý vận hành, giá dịch vụ nhà chung cư; xác định sở hữu chung - riêng; thu chi tài chính; quy chế hoạt động của Ban quản trị; các vi phạm của chủ đầu tư về trật tự xây dựng, quy hoạch…

Năm 2018, Bộ Xây dựng đã thực hiện rà soát tình trạng quản lý, sử dụng nhà chung cư trên toàn quốc, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội về công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, Bộ Xây dựng cũng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 09/10/2018 về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, trong đó Chính phủ đã chỉ thị cho Bộ Xây dựng: “Đôn đốc, hướng dẫn chính quyền các địa phương, các tổ chức, cá nhân tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở, đặc biệt là pháp luật quy định về quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư; phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý, vận hành nhà chung cư, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các sai phạm theo thẩm quyền”.

Thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ Xây dựng đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BXD ngày 15/9/2021 về việc tăng cường quản lý sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư đồng thời tiến hành thanh tra đối với nhiều chủ đầu tư, Ban quản trị tại một số địa phương.

Năm 2020 và 2021, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Thanh tra Bộ thanh tra một số chung cư có khiếu nại, tố cáo gay gắt. Chánh Thanh tra Bộ đã ban hành 18 kết luận thanh tra đối với 18 chủ đầu tư và 17 ban quản trị tại 24 nhà chung cư/cụm nhà chung cư, đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán để chuyển ngay cho ban quản trị nhà chung cư với tổng số kinh phí bảo trì hơn 344,96 tỷ đồng, buộc 5/18 chủ đầu tư trả lại 2.080 m2 diện tích lấn chiếm về cho cư dân (có giá trị khoảng 62,40 tỷ đồng), đã xử phạt vi phạm hành chính 08/18 chủ đầu tư, tổng số tiền là 1,03 tỷ đồng, 18 kết luận thanh tra đã giải quyết dứt điểm rất nhiều kiến nghị, khiếu nại gay gắt của cư dân, góp phần ổn định cuộc sống của người dân, đảm bảo an ninh, trật tự địa phương.

Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến phản ánh của cử tri thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề xử lý tranh chấp của người dân và chủ đầu tư tại các dự án nhà ở chung cư để tiếp tục tập trung cho công tác này trong thời gian tới. Trước mắt, trong năm 2022, Bộ Xây dựng đã ban hành Kế hoạch thanh tra số 1258/QĐ-BXD ngày 19/11/2021, Thanh tra Bộ đã ban hành văn bản số 580/TH-TTr ngày 22/11/2021 về việc định hướng thực hiện Kế hoạch thanh tra chuyên ngành năm 2022, trong đó tiếp tục thực hiện thanh tra chuyên đề diện rộng về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Bắc Giang, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Đà Nẵng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An nhằm phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng nhà chung cư để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân đang sinh sống tại các nhà chung cư.

2. Câu số 15: “Cử tri kiến nghị Bộ Xây dựng cần tăng cường công tác kiểm tra cấp phép xây dựng công trình cao tầng tại trung tâm các đô thị”.

Trong những năm gần đây cùng với tốc độ phát triển của các đô thị, đặc biệt là ở các thành phố lớn việc đầu tư xây dựng các công trình nhà cao tầng diễn ra khá nhanh. Để quản lý công tác xây dựng nói chung và quản lý các công trình xây dựng nhà cao tầng ở đô thị nói riêng, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bổ sung năm 2020, các Nghị định của Chính phủ: số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng; số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2021 quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng; số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng và nhiều Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng…Đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định về cấp phép và quản lý đầu tư xây dựng đã tương đối đầy đủ và đồng bộ, quy định rõ trình tự thủ tục, điều kiện năng lực cũng như quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, thực tế gần đây đầu tư xây dựng nhà cao tầng vẫn xuất hiện nhiều vi phạm về trình tự thủ tục, nhiều công trình có số tầng, diện tích xây dựng sai giấy phép xây dựng; các nhà thầu thi công xây dựng không đáp ứng được yêu cầu về điều kiện năng lực; biện pháp thi công chưa được thẩm tra, thẩm định kỹ càng từ phía nhà thầu và chủ đầu tư, nhất là thi công các công trình cao tầng trong điều kiện địa chất phức tạp đã để xảy ra sự cố ảnh hưởng lớn đến an toàn công trình và các công trình lân cận gây thiệt hại về tài sản và gây bức xúc trong xã hội.

Để tăng cường công tác quản lý về xây dựng đối với các công trình cao tầng, đặc biệt là công trình cao tầng tại trung tâm các đô thị nhằm hạn chế những sự cố đáng tiếc xảy ra, tại Điều 91 Luật Xây dựng 2014 được sửa đổi bổ sung năm 2020 đã quy định rất cụ thể điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng (thay thế Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở), trong đó có bổ sung nhiều quy định mới như tăng mức phạt từ 1,5 đến 5 lần so với Nghị định số 139/2017/NĐ-CP đối với các hành vi vi phạm như xây dựng không phép, sai giấy phép, sai thiết kế được duyệt, cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng của tổ chức, cá nhân khác hoặc khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung; tăng mức phạt lên đến một tỷ đồng đối với các vi phạm nêu trên nếu tái phạm. Bên cạnh đó còn áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép tối đa đến 12 tháng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Trong kế hoạch thanh tra chuyên ngành hàng năm của Bộ Xây dựng đều có nội dung thanh tra công tác quản lý nhà nước về xây dựng tại các tỉnh, thành phố, trong đó có nội dung thanh tra công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng dự án, cấp giấy phép và quản lý theo giấy phép xây dựng. Thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra các công trình chung cư cao tầng tại đô thị thông qua kế hoạch thanh tra, qua phản ánh của người dân, dư luận báo chí nhằm phát hiện và xử lý triệt để các vi phạm về trật tự xây dựng như kiến nghị của cử tri thành phố Hồ Chí Minh.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 2762/BXD-TTr.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)