Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Phước gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ hai và kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Thứ ba, 22/03/2022 17:36
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Phước gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ hai và kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022 với nội dung kiến nghị:

Câu số 09:

Cử tri cho rằng: Nhà ở xã hội và chính sách nhà ở xã hội là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách có cơ hội tiếp cận và sở hữu nhà ở giá phù hợp. Tuy nhiên, hiện nay các dự án đầu tư xây dựng rất khó thu hút các nhà đầu tư tham gia vì cơ chế, chính sách thiếu linh hoạt, lợi nhuận không cao, thời gian thu hồi vốn đầu tư kéo dài, khó vay vốn ưu đãi để thực hiện dự án. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật từ nguồn ngân sách còn rất hạn chế nên kém hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tham gia vào các dự án loại này. Trong khi nhu cầu về nhà ở xã hội ngày càng tăng, nhất là nhà ở cho các đối tượng chính sách, công nhân và người lao động trong và ngoài khu công nghiệp. Do đó địa phương đang rất khó khăn trong mời gọi thu hút các nhà đầu tư tham gia đầu tư nhà ở xã hội. Để giải quyết khó khăn trên đề nghị Trung ương xem xét sửa đổi các quy định của pháp luật về nhà ở xã hội, trong đó quy định đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì nhà nước có trách nhiệm thực hiện đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của toàn dự án từ nguồn vốn đầu tư công. Phần đầu tư xây dựng công trình nhà ở thì tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư. Có như vậy thì mới thu hút được các nguồn lực khác tập trung đầu tư, phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng chính sách, nhất là công nhân và lực lượng lao động trong và ngoài khu công nghiệp. Đồng thời sẽ giảm được giá bán, giá cho thuê cho đối tượng chính sách. Mặt khác, đất để xây dựng nhà ở xã hội là sử dụng lâu dài và không được thương mại hóa hoặc chuyển sang đất có mục đích sử dụng khác. Như vậy mới giữ gìn và đảm bảo ổn định quỹ đất để đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội cho các thế hệ về sau.’’

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 933/BXD-QLN trả lời như sau:

Có thể nói rằng, trong điều kiện kinh tế xã hội của đất nước ta còn nhiều khó khăn, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các cấp, các ngành đã có sự quan tâm, cố gắng rất lớn trong việc phát triển nhà ở xã hội, góp phần chăm lo cải thiện điều kiện ở cho các đối tượng chính sách xã hội và thực hiện chính sách an sinh-xã hội.

Chính sách về nguồn vốn hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã thể hiện sự quan tâm, đồng hành và sự chung tay của Đảng, Quốc hội, Chính phủ cũng như nhân dân cả nước với đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở, không để ai bị bỏ lại phía sau. Cụ thể là:

- Luật Nhà ở năm 2014 vừa có quy định yêu cầu chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại 3 trở lên phải dành một phần diện tích đất ở trong dự án đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội (khoản 2 Điều 16) nhưng đồng thời cũng có quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội; trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này (điểm d khoản 1 Điều 58).

- Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có quy định về ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại trong trường hợp Nhà nước sử dụng quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công thì chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có trách nhiệm đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi bàn giao quỹ đất này cho Nhà nước... Đối với chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và các khoản chi phí hợp lý khác theo quy định của pháp luật mà chủ đầu tư đã thực hiện đối với quỹ đất 20% phải bàn giao sẽ được ngân sách nhà nước hoàn trả theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước (khoản 4 Điều 1); Trường hợp chủ đầu tư hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội trong vòng 12 tháng kể từ ngày được giao đất, cho thuê đất thì được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực (điểm b khoản 8 Điều 1).

- Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ cũng quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp (đang trong giai đoạn hình thành) theo quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và chuyển giao cho chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội triển khai thực hiện dự án. Chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở xã hội được phân bổ một phần hoặc toàn bộ vào giá thành kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đó (khoản 5 Điều 1); Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hỗ trợ chủ đầu tư dự án trong việc thực hiện đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong dự án với hệ thống hạ tầng chung của khu vực (điểm b khoản 20 Điều 1).

Mặc dù chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đã được ban hành nhiều nhưng do hạn chế về nguồn vốn hỗ trợ dành để phát triển nhà ở xã hội (trong đó có nguồn vốn đầu tư công) nên kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia trong giai đoạn vừa qua.

Trong bối cảnh hiện nay khi dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, về lâu dài để thực hiện hiệu quả chính sách nhà ở xã hội thì việc hoàn thiện cơ chế chính sách về nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội theo hướng huy động tối đa nguồn lực của xã hội (trong đó có nguồn vốn của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp…), hạn chế dựa vào nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn nhà nước ngoài đầu tư công; đồng thời huy động nguồn hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước, trong nhân dân cùng tham gia phát triển nhà ở xã hội… là hết sức cần thiết.

Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến đóng góp quý báu của cử tri tỉnh Bình Phước và sẽ tiếp thu trong quá trình nghiên cứu, đề xuất nội dung sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 trong thời gian tới.

Câu số 11:

Cử tri cho rằng: Về nhà ở: Chính phủ ban hành một số Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định thi hành Luật Nhà ở và đã có hiệu lực áp dụng. Tuy nhiên, đến nay Bộ Xây dựng chưa có hướng dẫn để thực hiện một số nội dung có liên quan về trình tự, thủ tục công nhận nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp khu đất dự kiến thực hiện dự án nhà ở xã hội độc lập đã được giải phóng mặt bằng (đất sạch); trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm trong việc xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; việc xác định giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội ...Do đó, kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện một số nội dung về nhà ở xã hội, về thi hành Luật Nhà ở theo Nghị định của Chính phủ để địa phương có cơ sở thực hiện. Đồng thời, xem xét tham mưu cho Chính phủ tiếp tục có chính sách cho nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn với lãi suất ưu đãi để triển khai thực hiện dự án.

Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

1. Về kiến nghị Bộ Xây dựng: “Hướng dẫn thực hiện một số nội dung về trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm trong việc xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội; việc xác định giá bán, cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội”:

Trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Ngày 16/8/2021, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 16/8/2021 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Theo đó, các nội dung nêu trên đã được quy định tại Khoản 1, Khoản 14, 15, 16 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP và từ Điều 9 đến Điều 11 Thông tư số 09/2021/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

2. Về nội dung kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn: “Trình tự, thủ tục công nhận nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; việc lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp khu đất dự kiến thực hiện dự án nhà ở xã hội độc lập đã được giải phóng mặt bằng (đất sạch)”.

- Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 thì sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thuộc trường hợp không đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất. 

- Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 29 Luật Đầu tư năm 2020; điểm a, điểm b khoản 2 Điều 29 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư (Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 25/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư) thì: “Đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thuộc diện phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và khu đất dự kiến thực hiện dự án đầu tư đã được giải phóng mặt bằng” và “Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án đầu tư thuộc trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu, pháp luật về xã hội hóa, pháp luật chuyên ngành và không đáp ứng điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định tại điểm a khoản này...”.

Tại khoản 4 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP có quy định về một trong các điều kiện xác định dự án đầu tư có sử dụng đất phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội) là không đủ điều kiện để tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tại điểm b khoản 7 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP có quy định đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, căn cứ quy định của pháp luật chuyên ngành, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ ban hành quy định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; phương pháp và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và các nội dung khác (nếu có), bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, trong đó bao gồm nội dung.

Tại khoản 7 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP: Bộ Xây dựng hướng dẫn quy định về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BXD ngày 26/8/2021 trong đó dành 01 Chương (Chương II) để hướng dẫn cụ thể về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Cụ thể là: Tại Mục 1 (từ Điều 3 đến Điều 6): Quy định hướng dẫn cụ thể về lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức đấu thầu; tại Mục 2 (Điều 7 và 8) có quy định về lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo hình thức khác.

3. Về nội dung kiến nghị Bộ Xây dựng: “Xem xét tham mưu cho Chính phủ tiếp tục có chính sách cho nhà đầu tư dự án nhà ở xã hội được vay vốn với lãi suất ưu đãi để triển khai thực hiện dự án”.

Ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Một trong các mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 11/NQ-CP là bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Theo đó, liên quan tới lĩnh vực ngành xây dựng, có 02 gói hỗ trợ để thúc đẩy phát triển nguồn cầu và nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở công nhân KCN và cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ, cụ thể là: (1) Cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỷ đồng; (2) Cho vay hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống ngân hàng thương mại để xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua, cải tạo chung cư cũ.

Để khẩn trương triển khai hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát nhu cầu, chương trình – kế hoạch phát triển nhà ở đặc biệt là nhà ở xã hội; tình hình triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ; nhu cầu vay vốn ưu đãi (nếu có) của Chủ đầu tư các dự án này để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, Bộ Xây dựng đã quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành gồm đại diện Bộ Xây dựng, Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ đi làm việc với các địa phương ngay trong quý I năm 2022 để đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ nhằm kịp thời thúc đẩy tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với gói cho khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, hiện nay thực hiện theo quy định của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội; một số vướng mắc, khó khăn nảy sinh khi cho vay trong giai đoạn 2016-2020 đã được Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ. Đối với gói cho vay doanh nghiệp thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc xây dựng dự thảo Nghị định về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, trong đó có chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Bộ Xây dựng tin rằng với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nêu trên sẽ góp phần sớm đưa Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ vào đời sống.
 

Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 933/BXD-QLN.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)