Trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc gửi tới Quốc hội sau kỳ họp thứ hai và kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Thứ sáu, 11/03/2022 17:01
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc gửi tới sau kỳ họp thứ hai và kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV do Ban Dân nguyện chuyển đến theo văn bản số 19/BDN ngày 10/01/2022 với nội dung kiến nghị: “Cử tri đề nghị có biện pháp xử lý nghiêm đối với các công trình vi phạm (Lấn, chiếm, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng công trình trái pháp luật). Vì thực tế hiện nay, quy trình xử lý vi phạm hành chính từ khi lập Biên bản vi phạm hành chính đến khi ban hành Quyết định cưỡng chế của cấp có thẩm quyền kéo dài, dẫn đến việc khi lập Biên bản vi phạm hành chính thì chỉ là phần móng và tường, đến khi ban hành Quyết định cưỡng chế thì công trình xây dựng đã hoàn thiện xong, gây khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện cưỡng chế”.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng đã có công văn 797/BXD-TTr xin trả lời như sau:

Ngày 28/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng. Nội dung Nghị định số 16/2022/NĐ-CP đã làm rõ và bổ sung chế tài, nâng mức xử phạt vi phạm hành chính cao hơn Nghị định số 139/2017/NĐ-CP đối với các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng.

Cụ thể, Điều 16 Nghị định số 16/2022/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm sau khi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính (trước khi ban hành quyết định xử phạt) và hành vi vi phạm đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tái phạm nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi: xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng, không có giấy phép xây dựng, xây dựng không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, không đúng quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung thì bị áp dụng mức phạt tiền tăng từ 1,5 đến 2 lần so với mức xử phạt tại Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (khung phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 01 tỷ đồng), bị tước quyền sử dụng giấy phép xây dựng (nếu có) từ 03 tháng đến 12 tháng và tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, đồng thời buộc phá dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì “Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó”.

Tại khoản 43 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 thì việc “cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong các trường hợp sau đây: a) Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này”; đồng thời tại khoản 44, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2020 quy định thẩm quyền ban hành Quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.


Trung tâm Thông tin
Nguồn: Công văn 797/BXD-TTr.

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)