Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp

Thứ năm, 15/09/2022 00:41
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Ngày 15/9/2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì hội nghị toàn quốc Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thị xã trên toàn quốc.


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị (Ảnh: TTXVN)

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương, một số doanh nghiệp.

Hội nghị được tổ chức nhằm đánh giá một cách tổng thể, khách quan, toàn diện các nhiệm vụ về thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp thời gian qua của Chính phủ và chính quyền các cấp; những việc làm được và chưa làm được; chỉ rõ nguyên nhân, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan và bài học kinh nghiệm; đề ra định hướng, giải pháp và nhiệm vụ cụ thể từ nay đến cuối năm và những năm tiếp theo, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế nhằm triển khai có hiệu quả, thực chất công tác này.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: cải cách hành chính luôn được Đảng, Nhà nước xác định là khâu quan trọng nhằm xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ, vì sự phát triển của đất nước. Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định cải cách hành chính là một trong những yếu tố quan trọng của đột phá thể chế phát triển (một trong ba đột phá chiến lược), trong đó tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh; chú trọng tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số. Quan điểm là lấy người dân, doanh nghiệp vừa là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực của cải cách hành chính.

Theo báo cáo tại hội nghị, thời gian qua các Bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, nỗ lực triển khai các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và đạt được một số kết quả tích cực, quan trọng về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành. Về cải cách thủ tục hành chính, việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được triển khai mạnh mẽ: hơn 1.700 quy định được cắt giảm, đơn giản hóa tại 125 văn bản quy phạm pháp luật; hơn 1.100 quy định kinh doanh đã được phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa. Việc phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính được quan tâm chỉ đạo, từng bước đẩy mạnh theo hướng cấp nào sát cơ sở, sát nhân dân nhất thì giao cấp đó giải quyết, không để nhiều tầng nấc, kéo dài thời gian giải quyết và gây nhũng nhiễu, tiêu cực. Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được tích cực triển khai. Việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính theo hướng số hóa, không phụ thuộc vào địa giới hành chính được chú trọng, bước đầu có kết quả.

Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dựa trên dữ liệu được thúc đẩy thông qua hoạt động kết nối, tích hợp và chia sẻ thông tin, dữ liệu và xây dựng Bộ Chỉ số phục vụ sự chỉ đạo, điều hành. Bước đầu đã xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, đưa Trung tâm Thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đi vào hoạt động. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động giám sát, đánh giá được quan tâm triển khai như Hệ thống đánh giá Bộ Chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công; Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; Hệ thống theo dõi thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Tại Hội nghị, lãnh đạo các Bộ ngành Trung ương và lãnh đạo các địa phương đã trình bày nhiều ý kiến, tham luận xoay quanh chủ đề đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị 
(Ảnh: TTXVN)

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Bộ Xây dựng xác định cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế ngành Xây dựng, và là một trong 3 nhiệm vụ đột phá trọng tâm của ngành Xây dựng giai đoạn 2021 - 2025.

Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, Bộ Xây dựng đã chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật với những điểm đổi mới, đáp ứng yêu cầu cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường phân cấp quản lý nhà nước, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển: Trước năm 2021, Bộ Xây dựng đã đề xuất bãi bỏ 4 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; trình Chính phủ ban hành 3 Nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh, bãi bỏ 14 Thông tư quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh không còn phù hợp, đã cắt giảm, đơn giản hóa 157/254 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 62%).  Từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ tiếp tục bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện (tương ứng với 16 điều kiện đầu tư kinh doanh); cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, theo đó, tổng số thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ từ tháng 5 năm 2020 đến nay đã được cắt giảm 26,5%; Bộ cũng đã xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ trong năm 2021 và 2022 (Quyết định số 1963/QĐ-TTg ngày 22/11/2021), trong đó yêu cầu sửa đổi, bổ sung 6 Nghị định để cắt giảm, đơn giản hóa 01 điều kiện đầu tư kinh doanh, 41 thủ tục hành chính; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến trong tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tập trung nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đảm bảo tiến độ theo yêu cầu tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022; nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật điều chỉnh về quy hoạch đô thị và nông thôn; quản lý và phát triển đô thị; cấp thoát nước; quản lý không gian ngầm; đồng thời, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các nghị định, thông tư. Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật phải đáp ứng các mục tiêu: tăng cường công tác quản lý nhà nước, cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; giải quyết các vấn đề bất cập trên thực tiễn; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Tại hội nghị, ghi nhận và biểu dương nỗ lực, kết quả mà các cấp, các ngành đạt được trong cải cách thủ tục hành chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục để nhanh chóng khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phục hồi, phát triển đất nước trong bối cảnh hiện nay.


Hội nghị được kết nối trực tuyến đến toàn bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thị xã trên toàn quốc (Ảnh: TTXVN)

Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt trước ngày 30/9 hằng năm; cập nhật đầy đủ, chính xác và công khai kịp thời quy định kinh doanh, chi phí tuân thủ, phương án cải cách trên Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh. Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm thân thiện với người dùng; đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định của Chính phủ.

Các Bộ, ngành, địa phương phấn đấu nâng cao mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của chính quyền các cấp trong thực hiện thủ tục hành chính.Yêu cầu đến cuối tháng 6/2023, tỉ lệ hồ sơ xử lý công văn giấy tờ trực tuyến ở các Bộ, ngành Trung ương và cơ quan hành chính cấp tỉnh phải đạt 100%; phấn đấu đến giữa năm 2023, có 5 Bộ, ngành và 10 địa phương hoàn thành xây dựng Bộ Chỉ số điều hành đưa vào hoạt động và tích hợp thông tin, dữ liệu với Trung tâm thông tin, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Trần Đình Hà

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)