Phạm vi lập quy chế quản lý kiến trúc theo Luật Kiến trúc

Ngày cập nhật: 24/06/2021

Hỏi: (Huỳnh Đức Nam - huynhducnam@gmail.com)

Pháp luật hiện hành về tổ chức lập Quy chế quản lý kiến trúc thực hiện theo Luật Kiến trúc năm 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 và Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc. Hiện nay một số đô thị trên địa bàn tỉnh Phú Yên đang triển khai lập quy chế quản lý kiến trúc. Tuy nhiên, Luật Kiến trúc và Nghị định số 85/2020/NĐ-CP chưa quy định cụ thể về phạm vi, ranh giới lập quy chế. Vậy việc lập quy chế quản lý kiến trúc có được lập cho từng tuyến phố chính, cho từng khu vực hay bắt buộc phải lập cho toàn bộ đô thị. Rất mong sự quan tâm hướng dẫn của Quý cơ quan Bộ để các địa phương làm cơ sở thực hiện.

Trả lời:

Theo quy định của Luật Kiến trúc năm 2019, tại khoản 1 Điều 14: “Quy chế quản lý kiến trúc được lập cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”; tại điểm a khoản 3 Điều 14, Quy chế quản lý kiến trúc bao gồm nội dung: “Quy định về quản lý kiến trúc đối với toàn bộ khu vực lập quy chế; kiến trúc cho những khu vực, tuyến đường cụ thể”. Theo quy định của Nghị định số 85/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Kiến trúc, tại điểm a khoản 1 Điều 12, nội dung quy chế quản lý kiến trúc đô thị gồm: “Quy định về quản lý kiến trúc đối với toàn bộ khu vực lập quy chế; quy định phạm vi tổng thể, ranh giới lập quy chế”; tại điểm a khoản 1 Điều 13, nội dung quy chế quản lý kiến trúc điểm dân cư nông thôn gồm: “Quy định phạm vi tổng thể, ranh giới lập quy chế”. Phạm vi, ranh giới lập quy chế quản lý kiến trúc do cơ quan có thẩm quyền xây dựng quy chế xác định.

Vụ Quy hoạch – Kiến trúc