Dự án giải phóng mặt bằng, hủy thầu hay ký hợp đồng với nhà thầu cũ

Ngày cập nhật: 24/05/2021

Hỏi: (Lương Hải Kiên - luonghaikienpdc@gmail.com)

Dự án làm đường giao thông nông thôn có tổng mức 5 tỷ đồng, gói thầu xây lắp được tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước với giá gói thầu 4,5 tỷ đồng. Đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng với nhà thầu trúng thầu vào tháng 10/2020.

Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng của dự án chưa được triển khai xong do thiết kế tuyến đường chia cắt ruộng hoa màu của dân dẫn đến nhân dân không đồng ý.

Để hạn chế tối đa công tác giải phóng mặt bằng, giảm tối đa diện tích đất ruộng phải thu hồi nhằm tiết kiệm kinh phí đầu tư, giảm chi phí xây dựng công trình, mang lại hiệu quả tài chính, kinh tế - xã hội (Điểm b Khoản 1 Điều 61 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014), chủ đầu tư đã xin ý kiến người có thẩm quyền cho phép điều chỉnh hướng tuyến dịch sang so với thiết kế cũ 20m (vị trí, quy mô tuyến đường không thay đổi) nhằm không làm chia cắt các thửa ruộng, thuận lợi cho nhân dân canh tác hoa màu, đồng thời phù hợp với kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Xin hỏi, nội dung vướng mắc của dự án có thuộc các trường hợp được điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn Nhà nước theo quy định tại Điều 61 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 không? Nếu không thuộc thì phải áp dụng quy định nào để điều chỉnh dự án?

Dự án có phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu và đấu thầu lại để chọn nhà thầu mới hay tiến hành thương thảo với nhà thầu đã trúng thầu để tiếp tục thực hiện (nhà thầu đã trúng thầu có công văn đồng ý thực hiện hợp đồng theo kết quả lựa chọn nhà thầu trước đó)?

Trả lời:

1. Do nội dung văn bản của công dân Lương Hải Kiên chưa nêu rõ nguồn vốn đầu tư xây dựng, loại hợp đồng đã ký kết, quy định pháp luật áp dụng cho hợp đồng nên Bộ Xây dựng chưa đủ cơ sở để hướng dẫn cụ thể.

2. Đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công thì chỉ được điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng đối với các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 61 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014 và sửa đổi, bổ sung tại khoản 18 và khoản 64 Điều 1 Luật số 62/2020/QH14 ngày 17/6/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Theo đó, được điều chỉnh dự án khi xuất hiện yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án và đã được chủ đầu tư chứng minh về hiệu quả tài chính, kinh tế - xã hội do việc điều chỉnh dự án thì được điều chỉnh dự án mang lại.

3. Các trường hợp được điều chỉnh hợp đồng xây dựng đã được quy định tại khoản 2 Điều 143 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13. Theo đó, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác, khi dự án được điều chỉnh có ảnh hưởng đến hợp đồng thì được điều chỉnh hợp đồng.

Cục Kinh tế Xây dựng