Quảng Trị: Đẩy nhanh thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo

Wednesday, 01/08/2025 14:39
Acronyms View with font size

Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Qua đó, giúp các gia đình nghèo có điều kiện cải thiện chỗ ở, ổn định cuộc sống và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Bản làng đổi mới ở các xã vùng Lìa, huyện Hướng Hóa - Ảnh: B.B

Cuối năm 2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2921/QĐ-UBND ngày 14/11/2022 về Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh với 911 hộ được xây mới và sửa chữa nhà ở. Huyện Đakrông là huyện duy nhất của tỉnh Quảng Trị nằm trong danh sách 74 huyện nghèo trên toàn quốc được thực hiện đề án này.

Ngày 18/11/2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2787/QĐ-UBND điều chỉnh Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện nghèo tỉnh Quảng Trị thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (lần 2).

Theo đó, số hộ nghèo cần hỗ trợ nhà ở ngoài đề án “Huy động nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ xây mới nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2022-2026” (Đề án 197) tăng lên thành 570 nhà. Tổng số hộ nghèo cần hỗ trợ xây mới nhà ở theo đề án sau điều chỉnh là 3.722 nhà, số kinh phí tăng thêm 39,9 tỉ đồng; tổng kinh phí thực hiện đề án sau điều chỉnh là 257,197 tỉ đồng.

Thực hiện chủ trương này, huyện Đakrông đã ban hành kế hoạch cụ thể, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành rà soát, xác định số lượng hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ xây dựng mới hoặc sửa chữa nhà theo đúng quy định.

Để việc triển khai hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng, đối với các hộ gia đình có nhiều thành viên trong độ tuổi lao động, phương thức thực hiện chủ yếu là tự thực hiện kết hợp huy động ngày công của người thân.

Đối với một số hộ neo đơn, khó khăn về nhân công thì sẽ thực hiện khoán cho các tổ, đội thi công và thực hiện bàn giao nhà sau khi hoàn thành. Chất lượng và diện tích nhà ở được hỗ trợ sau khi xây dựng đáp ứng yêu cầu “3 cứng” (nền-móng cứng, khung-tường cứng, mái cứng), đảm bảo diện tích sử dụng tối thiểu 30m2, một số hộ gia đình đã chủ động huy động nguồn lực khác và đã xây dựng được ngôi nhà khang trang hơn với lớn hơn 30m2. Từ năm 2022 đến nay, Đề án 197 đã hỗ trợ xây dựng mới 1.860 nhà cho người nghèo với kinh phí trên 126,33 tỉ đồng.

Ông Hồ Văn Long, ở thôn Xi Núc, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa vui mừng vì được hỗ trợ xây dựng ngôi nhà mới vững chãi - Ảnh: B.B

Bên cạnh những thuận lợi trong triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện, Phó Chủ tịch UBND huyện Đakrông Lê Đại Lợi thông tin, trên địa bàn huyện hiện có 2 chương trình mục tiêu thực hiện hỗ trợ về nhà ở với mức hỗ trợ khác nhau nhưng cùng đối tượng là hộ nghèo và hộ cận nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số.

Chương trình MTQG phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030 ngoài mức hỗ trợ như chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững thì các hỗ trợ cho vay đến 40 triệu đồng/hộ để làm nhà với lãi suất ưu đãi và hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng để làm nhà. Từ đó tạo tâm lý lựa chọn chương trình để đăng ký tham gia cũng như so sánh chế độ hỗ trợ của đối tượng thụ hưởng.

Mặt khác, đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo quy định mức hỗ trợ đối với hình thức xây dựng mới là 44 triệu đồng/hộ, thấp so với kinh phí dự kiến để xây dựng mới 1 căn nhà có diện tích tối thiểu 30 m2 với tiêu chuẩn “3 cứng”.

Vì vậy, một số địa phương vùng sâu vùng xa chưa thể triển khai thực hiện với tiêu chuẩn theo yêu cầu chỉ với 40 triệu đồng từ ngân sách trung ương (chưa có nguồn vốn đối ứng địa phương và nguồn vốn huy động từ Đề án 197).

Triển khai thực hiện Dự án 1, Chương trình mục tiêu phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), trong giai đoạn 2021-2025 tỉnh Quảng Trị được trung ương phân bổ là gần 1.479 tỉ đồng để thực hiện. Trên cơ sở nguồn vốn này, tỉnh đã phân bổ trên 217 tỉ đồng thực hiện nội dung hỗ trợ nhà ở tại Dự án 1. Qua đó, sẽ có trên 3.000 ngôi nhà “3 cứng” được hỗ trợ xây dựng để bàn giao cho hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở tại vùng DTTS và miền núi.

Được hỗ trợ làm nhà ở từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719, gia đình ông Hồ Văn Long, ở thôn Xi Núc, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa đã hoàn thành ngôi nhà kiên cố để yên tâm sinh sống. Thuộc diện hộ nghèo của địa phương, trước đây, gia đình 4 người của ông bà phải sống trong ngôi nhà tạm bợ, xuống cấp nên cuộc sống sinh hoạt rất khó khăn.

Trong căn nhà mới, ông Long phấn khởi nói: “Nếu không có sự quan tâm hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương thì không biết khi nào gia đình tôi mới được ở trong căn nhà khang trang, kiên cố như thế này. Tôi chẳng biết nói gì hơn chỉ biết cảm ơn Đảng, các ban ngành của tỉnh, của huyện và các nhà hảo tâm đã giúp đỡ xây ngôi nhà. Giờ đây, gia đình tôi có thể an cư lạc nghiệp, yên tâm chăm chỉ lao động để vươn lên ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững”.

Triển khai thực hiện Chương trình 1719, giai đoạn 2021-2025, toàn huyện Hướng Hóa có 622 hộ hưởng lợi. Trong giai đoạn 2022-2024, huyện đã phê duyệt danh sách 662 hộ hưởng lợi thực hiện làm nhà ở. Nguyên nhân do nhu cầu tăng thêm làm nhà ở hộ nghèo nên các xã đề nghị chuyển vốn từ hỗ trợ đất ở, đất sản xuất sang làm nhà ở.

Chương trình 1719 được thực hiện trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH của các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi. Các nguồn lực, chính sách của chương trình đã và đang tập trung đầu tư phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh trên địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS.

Nhờ đó, tỉ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 so với cuối năm 2022 tại 38 xã có đồng bào DTTS sinh sống giảm 5,05%, tại 31 xã vùng đồng bào DTTS và miền núi giảm 6,92%, tại các xã đặc biệt khó khăn giảm 7,47%.

Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, từ kinh phí huy động để thực hiện các chương trình MTQG, Quỹ “Vì người nghèo”, ngân sách tỉnh phân bổ và các nguồn hỗ trợ khác, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới 3.752 nhà ở, sửa chữa 659 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng khó khăn về nhà ở với tổng số tiền trên 213,07 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, thông qua Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã hỗ trợ xây mới 677 nhà, sửa chữa 172 nhà cho người có công với cách mạng, thân nhân liệt sĩ với kinh phí trên 58,76 tỉ đồng. Việc quan tâm, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, cận nghèo là chính sách nhân văn, để công tác giảm nghèo không phải là phong trào hô hào thành tích mà giúp người yếu thế có cơ hội được tiếp cận đầy đủ hơn các chiều dịch vụ xã hội cơ bản, giúp họ được sinh sống trong căn nhà vững chãi, an toàn, yên tâm lạc nghiệp.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)