Xóa nhà tạm: Đảm bảo tiêu chí 3 'cứng', phù hợp với từng hộ dân

Tuesday, 01/07/2025 00:00
Acronyms View with font size

Bắc Kạn phấn đấu đến hết năm 2025 hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 3.778 hộ dân, trong đó hỗ trợ 224 nhà cho hộ người có công với cách mạng, 3.036 nhà cho hộ nghèo, 533 nhà cho hộ cận nghèo.

Công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Liên Phong (Bắc Kạn) khẩn trương thi công lắp ghép nhà Đại đoàn kết tại thôn Nà Chợ, xã Yên Phong, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN

Trừ đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội không có khả năng đối ứng, tỉnh thống nhất một mức hỗ trợ cho tất cả đối tượng là 60 triệu đồng/hộ khi xây mới và 30 triệu đồng/hộ khi sửa chữa. Tỉnh hỗ trợ trực tiếp đến từng hộ thuộc diện được hỗ trợ bảo đảm công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực, chủ động của cộng đồng và người dân.

Các đối tượng được hỗ trợ gồm: Hộ người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở; hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có nhà ở hoặc nhà ở dột nát, nguy cơ sập đổ, không an toàn khi sử dụng.

Các hộ được hỗ trợ kinh phí tự tổ chức xây dựng nhà ở theo mẫu nhà đã lựa chọn, đảm bảo hoàn thành nhà ở chậm nhất sau 4 tháng kể từ ngày khởi công, trừ trường hợp do yếu tố khách quan nhưng không quá 6 tháng. Trường hợp hộ có hoàn cảnh khó khăn (người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật...) không có khả năng tự xây dựng nhà ở, không có khả năng đối ứng, Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã có trách nhiệm tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ.

Ban Chỉ đạo cấp huyện, xã theo dõi, giám sát và giúp đỡ các hộ trong quá trình xây dựng; vận động, phân công tổ chức đoàn thể giúp đỡ; huy động mọi nguồn lực từ cộng đồng đảm bảo căn nhà phải được xây dựng có chất lượng, hoàn chỉnh đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ.

Ban Chỉ đạo cấp huyện thống nhất với các lực lượng (công an, quân đội, tổ chức đoàn thể) và Ban Chỉ đạo cấp xã phương thức tổ chức vận động lực lượng cộng đồng tại địa phương giúp đỡ các hộ xây dựng nhà ở...

Nhà ở của các hộ sau khi được hỗ trợ phải đảm bảo tiêu chuẩn 3 "cứng" (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng) và sử dụng đảm bảo từ 20 năm trở lên, tránh được tác động xấu của khí hậu, thời tiết. Các hộ có thể sử dụng mẫu thiết kế điển hình do Sở Xây dựng ban hành hoặc tham khảo mẫu nhà ở truyền thống, thông dụng tại địa phương để lựa chọn quy mô và hình thức nhà ở phù hợp hoàn cảnh cụ thể của từng hộ.

Nỗ lực hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát

Kiên Giang phấn đấu trong năm 2025 hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở, trong đó, xây mới 2.314 căn, mức hỗ trợ 60 triệu đồng/căn và sửa chữa 485 căn nhà, mức hỗ trợ 30 triệu đồng/căn.

Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang phối hợp các tổ chức thành viên vận động cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm trong, ngoài tỉnh và nhân dân đóng góp hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo khó khăn, không có khả năng cải thiện về nhà ở có được căn nhà bền chắc, “an cư lạc nghiệp”. Ngoài kinh phí hỗ trợ, Mặt trận Tổ quốc các cấp vận động các hộ sử dụng nguồn lực sẵn có của gia đình, huy động sự đóng góp, giúp đỡ của anh em, dòng họ, cộng đồng nơi cư trú… tiếp sức để xây mới, sửa chữa nhà ở.

Kiên Giang đề nghị, lực lượng công an, quân đội, biên phòng hỗ trợ ngày công lao động, kinh phí, nguyên vật liệu… tích cực tham gia, góp phần cùng tỉnh hoàn thành chương trình “Xóa nhà tạm, nhà dột nát” cho hộ nghèo. Ngành chức năng hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật để các địa phương và hộ dân xây nhà phù hợp nhu cầu sử dụng, nguồn vốn được hỗ trợ, tài chính tự có của gia đình, đảm bảo chất lượng công trình theo quy định.

Ông Ngô Phương Vũ, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang cho biết, với tinh thần “Kiên Giang chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp phát huy tinh thần tương thân, tương trợ, đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Tỉnh thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở, nhà xuống cấp cần được sửa chữa, xây mới, đảm bảo có nhà ở an toàn, ổn định cuộc sống, an tâm lao động sản xuất, vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Việc xây mới, sửa chữa nhà đảm bảo tiêu chí 3 "cứng" phù hợp văn hóa, phong tục tập quán và hoàn cảnh cụ thể của từng hộ.

Năm 2024, tỉnh hỗ trợ xây mới 1.144 căn nhà, sửa chữa 145 căn nhà đại đoàn kết, tổng trị giá hơn 43,5 tỷ đồng từ nguồn “Quỹ vì người nghèo Kiên Giang”; xây mới 782 căn nhà, sửa chữa 19 căn nhà tình nghĩa, tổng trị giá 58 tỷ đồng từ các chương trình an sinh xã hội. Qua đó, hỗ trợ và góp phần cải thiện về điều kiện nhà ở cho gần 2.100 hộ dân khó khăn.

Toàn tỉnh hiện còn khoảng 4.250 hộ khó khăn không có điều kiện tự xây mới nhà ở đang cần sự hỗ trợ, tiếp sức và chia sẻ của cộng đồng.

Source: TTXVN

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)