Thừa Thiên Huế: Hạ tầng xanh từ dự án Đô thị xanh

Friday, 01/03/2025 14:53
Acronyms View with font size

Dự án (DA) Chương trình Phát triển các đô thị loại II (các đô thị xanh) - DA thành phần Thừa Thiên Huế (nay là thành phố Huế) (gọi tắt DA Đô thị xanh) với mục tiêu chỉnh trang đô thị, phát triển cơ sở hạ tầng đang mang lại diện mạo “xanh - sạch - sáng” cho đô thị Huế.

Kẻ vạch sơn xanh vỉa hè dành cho xe đạp trên trục đường thuộc KĐTM An Vân Dương. Ảnh: P. Đạt

Phát huy công năng

DA Đô thị xanh được UBND tỉnh phê duyệt năm 2016 (điều chỉnh năm 2023), bao gồm 10 gói thầu với giá trị xây lắp hơn 1.000 tỷ đồng. Đến nay, 2 gói thầu đã hoàn thành đưa vào sử dụng, đang triển khai thi công 8 gói thầu. Việc hoàn thành những gói thầu thi công không chỉ cải thiện và mở rộng mạng lưới giao thông, từng bước hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, tạo động lực cho phát triển đô thị, mà còn thúc đẩy phát triển kinh doanh thương mại dịch vụ và khai thác tiềm năng du lịch.

Với mục tiêu hỗ trợ năng lực cho cộng đồng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH), gói thầu số 40 của DA Đô thị xanh gồm hợp phần thực hiện các công trình, phi công trình do cộng đồng khởi xướng đã đem lại ý nghĩa thiết thực nhằm nâng cao đời sống, giảm thiểu rủi ro thiên tai cho người dân.

Hợp phần được khởi công tháng 2/2022 và hoàn thành trong năm, với giá trị hợp đồng 36,59 tỷ đồng, do Liên danh Công ty An Nhiên - An Bảo thực hiện, bao gồm xây dựng các công trình: 4 nhà văn hóa, 3 không gian xanh (công viên), 6 đường kiệt bằng bê tông, 1 hệ thống điện chiếu sáng và đào tạo, tập huấn, trang cấp thiết bị phòng, chống thiên tai trên địa bàn 37 phường, xã thuộc hai quận Thuận Hóa, Phú Xuân.

Công trình nhà tránh bão, lũ kết hợp sinh hoạt cộng đồng khu vực 4, phường Xuân Phú (quận Thuận Hóa) với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng, đến nay đã hoàn thiện cùng thiết bị, vật tư đang phát huy công năng sử dụng, phục vụ cộng đồng ứng phó với thiên tai. Công trình có diện tích tầng một 200m2, bố trí nơi để xe máy, không gian vui chơi cho trẻ em. Tầng 2 có tổng diện tích là 220m2, xây dựng không gian cộng đồng, phòng giao tiếp, sinh hoạt.

Công trình nhà tránh bão, lũ phường Xuân Phú giúp cộng đồng thích ứng biển đổi khí hậu

Chị Nguyễn Thị Nhung, một cư dân ở phường Xuân Phú cho biết, dân cư ở các tổ 4, tổ 8 luôn đối diện với lũ lụt bởi khu vực này vốn từ đất ruộng thấp trũng. Từ khi công trình nhà cộng đồng được đưa vào sử dụng, các đợt mưa lũ năm 2022, 2023 và 2024 người dân đều đến đây tránh trú. Tại nhà cộng đồng còn bố trí thiết bị, vật tư, cùng phương tiện thuyền để lực lượng chức năng di chuyển, cứu hộ, cứu nạn khi có lũ lụt.

Ông Võ Văn Việt, Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) Đô thị xanh cho biết, hợp phần với mục tiêu nâng cao năng lực cho cộng đồng chống chịu với BĐKH nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai và tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng dễ bị tổn thương thông qua các biện pháp xây dựng công trình và phi công trình. Ban QLDA Đô thị xanh đã hoàn thành thủ tục nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng tất cả các hạng mục công trình của gói thầu vào tháng 6/2023.

Một “điểm xanh” nữa là các hạng mục thuộc gói thầu số 26 gồm cây xanh, vỉa hè, thoát nước, điện chiếu sáng trung tâm Khu đô thị mới (KĐTM) An Vân Dương có tổng giá trị hơn 141 tỷ đồng. Gói thầu này được khởi công tháng 10/2019, do Công ty CP Thành Đạt thực hiện, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Sau khi hoàn thành việc đầu tư chỉnh trang nâng cấp vỉa hè, mặt đường, điện chiếu sáng, hệ thống thoát nước, cây xanh trên các tuyến đường Võ Nguyên Giáp, Tố Hữu, KĐTM An Vân Dương xanh - sạch - sáng hơn. Song song, đơn vị thi công còn sơn xanh vỉa hè dành lối cho người đi xe đạp. Việc sơn màu xanh một phần vỉa hè thuộc tiêu chí của DA Đô thị xanh được đặt ra từ đầu, nhằm đảm bảo an toàn cho người đi xe đạp, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xe đạp, xây dựng thành phố du lịch, thành phố xanh.

Gia hạn hiệp định vay

DA Đô thị xanh được triển khai có vai trò quan trọng, mang tính chiến lược trong việc giải quyết tình trạng ngập lụt, vệ sinh môi trường, có tác động tích cực tới đời sống người dân cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các công trình được xây dựng nhằm nâng cao đời sống, thúc đẩy đầu tư sản xuất trên địa bàn các tỉnh.

Theo Ban QLDA, tháng 7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định về điều chỉnh thời gian thực hiện và sử dụng vốn kết dư từ DA Đô thị xanh, vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Theo đó, DA sẽ được điều chỉnh thời gian thực hiện đến 30/6/2028 thay vì 30/6/2024 như quyết định phê duyệt ban đầu.

Chính phủ cũng cho phép sử dụng vốn kết dư của DA là 23,857 triệu USD, đương đương hơn 552,7 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn vay của ADB là 15,448 triệu USD, tương đương hơn 374,8 tỷ đồng và vốn đối ứng từ ngân sách địa phương là 8,409 triệu USD, tương đương hơn 177,8 tỷ đồng. Mục tiêu sử dụng vốn kết dư để đầu tư bổ sung các hạng mục như kênh sinh thái khu A - KĐTM An Vân Dương, cải tạo đường bộ, bao gồm xây dựng mới 2 đoạn đường tại khu B - KĐTM An Vân Dương và cải tạo 3 đoạn đường, cầu đi bộ nối từ Trung tâm Hành chính TP. Huế (nay là Trung tâm Hành chính quận Thuận Hóa) đến Trung tâm Văn hóa Thể thao tỉnh.

Tháng 8/2024, UBND tỉnh đã có quyết định về việc phê duyệt điều chỉnh DA Đô thị xanh, điều chỉnh thời gian thực hiện DA đến ngày 30/6/2028. Tháng 9/2024, UBND tỉnh cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài chính về việc gia hạn thời gian đóng hiệp định vay DA này. Sau khi có ý kiến của các bộ, ngành, UBND tỉnh, Bộ Tài chính đã tổng hợp và có thư gửi ADB, để trình Chính phủ gia hạn hiệp định.

Đối với việc sử dụng nguồn vốn kết dư, theo Ban QLDA, sau khi tổng hợp, rà soát, nguồn vốn vay ADB chưa sử dụng của DA Đô thị xanh là 15,448 triệu USD, tương đương hơn 374,8 tỷ đồng. ADB đã có công thư thống nhất danh mục công trình sử dụng vốn kết dư và điều chỉnh thời gian đóng khoản vay DA đến 30/6/2028. Tháng 10/2024, UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư DA. Sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, Ban QLDA sẽ tiến hành các bước tiếp theo theo quy định.

Ông Võ Văn Việt cho biết thêm, tiến độ giải phóng mặt bằng các hạng mục công trình chưa đáp ứng tiến độ thi công của các gói thầu theo hợp đồng đã ký, Ban QLDA đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND TP. Huế (cũ) đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đáp ứng tiến độ thực hiện DA và chấp thuận bàn giao các hạng mục đã hoàn thành đưa vào sử dụng theo hiện trạng công tác giải phóng mặt bằng.

Lũy kế nguồn vốn bố trí cho DA đến nay hơn 1.306 tỷ đồng, giải ngân hơn 1.143 tỷ đồng. Trong đó, vốn đối ứng địa phương bố trí hơn 454 tỷ đồng, giải ngân hơn 443 tỷ đồng; vốn nước ngoài hơn 852 tỷ đồng, giải ngân hơn 699 tỷ đồng. Nguồn vốn bố trí năm 2024 hơn 422 tỷ đồng, đã giải ngân 259 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 63,75%.

Source: Báo Thừa Thiên Huế

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)