Công viên công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo: Xây dựng đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội thông minh

Thursday, 01/02/2025 15:16
Acronyms View with font size

ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) thành lập Công viên công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo để tập trung nguồn lực đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác với doanh nghiệp trong và ngoài nước, đầu tư để phát triển các hướng nghiên cứu lĩnh vực ưu tiên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm gian hàng triển lãm Khoa học Công nghệ của Trường ĐH Công nghệ trong chuyến thăm Khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc năm 2023

Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Công viên công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo được thành lập nhằm ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp, ưu tiên phát triển các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, môi trường và vật liệu tiên tiến. 

Công viên phát triển theo hướng là một tổ hợp bao gồm một số đơn vị nghiên cứu khoa học thành viên và trung tâm hỗ trợ, dịch vụ như: Viện Công nghệ Thông tin, Viện Tài nguyên và Môi trường, Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, Trung tâm Chuyển giao tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp, Trung tâm Dự báo và Phát triển nguồn nhân lực.

Giám đốc ĐHQGHN Lê Quân cho biết, Nghị quyết số 57-NQ/TW đã định hướng và chỉ ra giải pháp để thực hiện phương thức sản xuất kiểu mới của Việt Nam trong kỷ nguyên mới, đó là phát triển dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số.

Do có sự thay đổi về phương thức sản xuất không những tác động tới những người làm khoa học, các tổ chức, nhà quản lý, doanh nghiệp mà còn tác động tới toàn thể xã hội cho nên các nhà khoa học, các viện nghiên cứu của hệ thống giáo dục đại học sẽ giữ vai trò nòng cốt trong triển khai Nghị quyết; hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia sẽ gắn kết chặt chẽ và hữu cơ với hệ sinh thái giáo dục đại học.

Công viên công nghệ tiên tiến, ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sẽ được sử dụng một tổ hợp cơ sở vật chất hiện đại, thông minh và đồng bộ trong khu đô thị ĐHQGHN tại Hòa Lạc, đó là khu Viện nghiên cứu liên ngành với quy mô gần 23 ha. Dự kiến Khu liên hợp nghiên cứu cao cấp thuộc dự án WB sẽ được triển khai với hơn 100.000m2 sàn thiết kế đồng bộ hạ tầng xây dựng và hạ tầng số để đáp ứng yêu cầu cho Công viên này.

Theo ĐHQGHN, từ năm 2021, đơn vị đã ban hành Nghị quyết phát triển các ngành kỹ thuật công nghệ, khoa học sức khoẻ, công nghiệp văn hoá và sáng tạo, đến nay các ngành trên đã chiếm tỷ lệ 35% cơ cấu tuyển sinh, đào tạo; dự kiến 45% trong năm 2025.

Ngoài ra, ĐHQGHN cũng đang xây dựng tại Hòa Lạc trở thành trung tâm đô thị đại học thông minh, hiện đại; tham gia hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu công nghệ vi mạch tích hợp bán dẫn ở Việt Nam.

Đáng chú ý, thực hiện Đề án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nội bộ và dự thảo quy định về tổ chức và hoạt động mới của đơn vị được ĐHQGHN triển khai dự kiến hoàn thiện trước ngày 6/1, theo cấu trúc tổ chức phát huy được sự liên thông giữa các đơn vị và các nhóm nghiên cứu của ĐHQGHN sẽ phát huy được nhiều nhà khoa học, nhóm nghiên cứu mạnh góp phần đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

Khởi công xây dựng công trình Trường ĐH Công nghệ tại Hòa Lạc

Đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của ĐHQGHN tại Hòa Lạc

Tại Hòa Lạc, ĐHQGHN cũng vừa tổ chức Lễ khởi công xây dựng công trình Trường ĐH Công nghệ (giai đoạn 1) thuộc dự án “Phát triển các đại học quốc gia Việt Nam - Tiểu dự án Đại học Quốc gia Hà Nội”. Công trình được xây dựng bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng trong nước, đây là dấu mốc quan trọng trong công tác xây dựng cơ sở vật chất phục vụ đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật công nghệ cao.

Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hiệu cho biết việc khởi công xây dựng công trình Trường ĐH Công nghệ đánh dấu sự phát triển chung của ĐHQGHN tại Hòa Lạc. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Trường ĐH Công nghệ là hạt nhân quan trọng của ĐHQGHN trong việc thực hiện sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của đất nước, đặc biệt trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Công trình Trường ĐH Công nghệ (giai đoạn 1) được xây dựng tại khu đất quy mô 5,87ha, tổng diện tích xây dựng khoảng 10.695 m2 tổng diện tích sàn khoảng hơn 35.000 m2 với 5 khối nhà cao từ 2 đến 5 tầng, mật độ xây dựng 23,3%. 

Công trình bao gồm các hạng mục: 1 khối nhà làm việc, 2 khối nhà phòng học và 2 khối nhà thực hành, nhà đa năng – thí nghiệm và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác: hệ thống đường giao thông, trạm điện, cấp nước, trạm xử lý nước thải… của công trình dự kiến được thi công trong vòng 12 tháng.

Khi hoàn thành, công trình sẽ đáp ứng nhu cầu học tập của 4.400 sinh viên theo chiến lược phát triển của Trường ĐH Công nghệ, góp phần đưa Trường ĐH Công nghệ trở thành trường đại học nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học và ứng dụng công nghệ hàng đầu của Việt Nam, đạt các tiêu chí cơ bản của đại học nghiên cứu tiên tiến của châu Á, trong đó có một số lĩnh vực, ngành và chuyên ngành đạt chuẩn mực trình độ quốc tế, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước. 

Đây sẽ là công trình đào tạo mang tính hạt nhân của ĐHQGHN trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật, để góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)