Bộ Xây dựng thẩm định Đề án đề nghị công nhận Thành phố Hòa Bình là đô thị loại II

Tuesday, 12/24/2024 14:34
Acronyms View with font size

Ngày 23/12/2024, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị thẩm định Đề án đề nghị công nhận Thành phố Hòa Bình là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh Hòa Bình. Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các bộ ngành, hội, hiệp hội nghề nghiệp chuyên ngành, đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng là thành viên Hội đồng; lãnh đạo UBND tỉnh Hòa Bình. Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng - Chủ tịch Hội đồng chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng kết luận hội nghị

Báo cáo tại hội nghị, đại diện UBND Thành phố Hòa Bình cho biết, phạm vi lập Đề án bao gồm toàn bộ địa giới hành chính Thành phố Hòa Bình với quy mô khoảng 348,65km2, bao gồm 19 đơn vị hành chính cấp xã. Phạm vi nội thành gồm 12 phường hiện hữu và xã Mông Hóa dự kiến thành lập phường. Tính đến hết năm 2023, dân số toàn đô thị Hòa Bình khoảng 177.000 người, tỷ lệ dân số khu vực nội thị chiếm khoảng 83,6%.

Năm 2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hòa Bình ban hành Chương trình hành động với mục tiêu xây dựng thành phố Hòa Bình đạt các tiêu chí đô thị loại II trước năm 2025. Trên cơ sở đó, Thành phố Hòa Bình đã phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ và đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Cụ thể: mức tăng trưởng kinh tế trung bình 3 năm gần nhất đạt 11,93%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp; thu nhập bình quân đầu người bằng 1,51 lần so với cả nước; cân đối thu - chi ngân sách dư; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 82,2%; diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 29,5m2 sàn/người; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm nhanh, còn 1,38%; tỷ lệ đường phố chiếu sáng đạt 100%; tỷ lệ nhà kiên cố khoảng 97,06%; tỷ lệ người dân đô thị được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung và được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 49,18%...

Đối chiếu với các tiêu chí, tiêu chuẩn tại Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị và Nghị quyết số 26/2022/UBTVQH15 ngày 21/9/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị, UBND tỉnh Hòa Bình đánh giá Thành phố Hòa Bình đạt tiêu chí đô thị loại II, với điểm số là 84,63/100 điểm (tối thiểu 75/100 điểm là đạt).

Bên cạnh những tiêu chuẩn đã đạt theo quy định, Thành phố Hòa Bình còn có 6/63 tiêu chuẩn chưa đạt tiêu chí đô thị loại II, đó là: tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị, mật độ đường giao thông đô thị, tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, đất cây xanh sử dụng công cộng khu vực nội thành bình quân đầu người, công trình xanh và khu chức năng đô thị, khu đô thị được quy hoạch, thiết kế theo mô hình xanh, ứng dụng công nghệ cao, thông minh.

Quang cảnh hội nghị

Tại hội nghị, các chuyên gia thành viên Hội đồng đánh giá cao sự quan tâm, sát sao của lãnh đạo tỉnh Hòa Bình trong quá trình xây dựng Đề án, đồng thời góp ý, Thành phố Hòa Bình cần quan tâm đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, công viên, cây xanh; phát triển đô thị Hòa Bình gắn với phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình; lưu ý các tác động của biến đổi khí hậu; chú ý vấn đề thu gom, xử lý nước thải; xây dựng kế hoạch bố trí nguồn lực xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; nghiên cứu giải pháp phát triển đô thị xanh, bền vững; quản lý không gian hai bờ sông Đà; có giải pháp cụ thể để hoàn thiện các tiêu chuẩn chưa đạt và tiêu chuẩn đạt ở mức tối thiểu; làm tốt vấn đề môi trường khi quy hoạch nghĩa trang công viên; chú trọng công tác tinh gọn bộ máy, nâng cao năng lực của cán bộ, cải cách hành chính.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng tổng hợp ý kiến góp ý của các chuyên gia, thành viên Hội đồng, đồng thời đề nghị UBND Thành phố Hòa Bình, UBND tỉnh Hòa Bình tiếp thu đầy đủ. Trong đó chú trọng rà soát số liệu, bản vẽ đảm bảo thống nhất, chính xác; có giải pháp, kế hoạch cụ thể để sớm hoàn thiện, khắc phục các tiêu chí, tiêu chuẩn còn thiếu, còn yếu, nhằm nâng cao chất lượng đô thị; sớm tổ chức lập quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết cho khu vực dự kiến thành lập phường; có kế hoạch đầu tư phát triển đô thị để làm cơ sở đánh giá trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, áp dụng đối với khu vực dự kiến thành lập phường; sớm hoàn thiện hồ sơ Đề án để UBND tỉnh Hòa Bình trình Thủ tướng Chính phủ xem xét theo quy định.

Hội đồng thẩm định liên ngành nhất trí bỏ phiếu thông qua Đề án với điểm số đạt 84,16/100 điểm.

Trần Đình Hà

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)