Kế hoạch thực hiện Giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng

Friday, 12/20/2024 14:52
Acronyms View with font size

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 241/NQ-CP ngày 19/12/2024 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 937/NQ-UBTVQH15 ngày 13/12/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021.

Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Theo Nghị quyết 241/NQ-CP, Kế hoạch được ban hành nhằm mục đích thống nhất trong công tác chỉ đạo các cấp, các ngành tổ chức quán triệt sâu rộng các nội dung và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết 937/NQ-UBTVQH15 (Nghị quyết 937), tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của các ngành, các cấp đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.

Đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp đã nêu tại Nghị quyết 937 bằng những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực của Chính phủ gắn với kế hoạch tổ chức thực hiện theo lộ trình cụ thể nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết.

Phát huy vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo nguyên tắc phân công, phân nhiệm vụ rõ ràng, tập trung, dân chủ. Phân công cụ thể cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp đảm bảo phù hợp với năng lực để Chính phủ và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết 937. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, quyết tâm của bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện Nghị quyết 937.

Yêu cầu đặt ra là quá trình thực hiện phải tạo được sự đồng bộ, liên thông, gắn với việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của bộ, ngành và địa phương trong từng thời kỳ. Các nhiệm vụ, giải pháp phải từ thực tiễn, xác định những việc cần làm ngay, có lộ trình và phân công thực hiện cụ thể.

Nhiệm vụ ngắn hạn xong trước cuối năm 2025

Nghị quyết nêu rõ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan: Rà soát, trình Chính phủ thông qua để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung các luật theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, bao gồm: Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Hóa chất.

Trong năm 2024, đánh giá, rà soát, cập nhật tình hình triển khai Quy hoạch điện VIII để đề xuất điều chỉnh kịp thời đáp ứng đủ nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội với chi phí hợp lý, phù hợp với khả năng bố trí nguồn lực, năng lực, trình độ công nghệ; rà soát để bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia.

Khẩn trương xây dựng chính sách hỗ trợ, đột phá để phát triển điện gió ngoài khơi, đồng thời kết hợp với triển khai Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Rà soát, hoàn thiện cơ chế giá phát điện nhằm khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh nguồn điện năng lượng tái tạo, trong đó có điện rác và điện sinh khối; xử lý dứt điểm vướng mắc các dự án điện gió, điện mặt trời giai đoạn trước. Khẩn trương xây dựng, thực hiện cơ chế đấu giá, đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư công trình điện bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro giữa các bên...

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan: Rà soát, trình Chính phủ thông qua để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Địa chất và Khoáng sản theo Nghị quyết số 793/NQ-UBTVQH15 ngày 07 tháng 6 năm 2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan: Nghiên cứu xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành để hoàn thiện chính sách, pháp luật về hệ thống lưu trữ năng lượng, pin nhiên liệu trong phương tiện giao thông vận tải.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan: Rà soát, trình Chính phủ thông qua để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch. Có chính sách về: ưu tiên cân đối, bố trí vốn đầu tư công trung hạn và dài hạn cho các dự án đầu tư phát triển hệ thống kho xăng dầu dự trữ quốc gia phù hợp với tiến độ quy hoạch.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan: Rà soát, trình Chính phủ thông qua để trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; rà soát, báo cáo Chính phủ xem xét việc sửa đổi, bổ sung Luật Dự trữ quốc gia để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan: Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng đến các cơ quan, tổ chức, nhân dân trên phạm vi cả nước.

Các doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng: Triển khai thực hiện đầu tư các dự án năng lượng được giao quản lý phù hợp các Quy hoạch, Kế hoạch liên quan được cấp thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tiến độ dự án và hiệu quả đầu tư.

Chủ đầu tư các nhà máy điện sử dụng than nhập khẩu, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Đông Bắc chủ động nghiên cứu mua than nhập khẩu dài hạn từ các chủ mỏ (hoặc đại diện chủ mỏ) tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp thông lệ quốc tế, đảm bảo nguồn than cho sản xuất điện ổn định, dài hạn với giá cạnh tranh, minh bạch và đa dạng hóa nguồn than nhập khẩu; căn cứ các khó khăn, vướng mắc (nếu có) để báo cáo bộ, ngành, cơ quan liên quan phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Nhiệm vụ, giải pháp trung và dài hạn đến 2030, tầm nhìn đến 2050

Nghị quyết nêu rõ, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế tài chính và huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa, khuyến khích tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia phát triển năng lượng, đặc biệt cho đầu tư phát triển nguồn và lưới điện.

Bên cạnh đó, xây dựng lộ trình chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy điện than và khí trên cơ sở hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường. Phát triển các nguồn cung và hệ thống truyền tải, phân phối năng lượng theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hoá, với cơ cấu hợp lý, đảm bảo tính hiệu quả, tin cậy, đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và bền vững. Đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng và sản lượng khai thác dầu khí tại các khu vực tiềm năng; nâng cao chất lượng công tác đánh giá trữ lượng và tài nguyên. 

Tiếp tục khai thác dầu khí tại các khu vực nước sâu, xa bờ. Khai thác than trong nước trên cơ sở bảo đảm an toàn, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên; sớm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ khí hóa than khi điều kiện cho phép. Nhân rộng mô hình trung tâm năng lượng tái tạo tại các địa phương có lợi thế. Tăng cường nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất năng lượng mới và công nghệ chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện than, khí sang nhiên liệu sinh khối, hydrogen, amoniac, trong đó có một số đề án thử nghiệm sản xuất hydrogen, amoniac. Xây dựng cơ chế, chính sách đưa các loại hình tích trữ điện năng vào ứng dụng nhanh chóng, kịp thời...

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, trọng tâm là rà soát, trình Quốc hội sửa đổi Luật Quản lý nợ công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan: Có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; thúc đẩy nhanh xã hội hoá đầu tư cơ sở hạ tầng và dịch vụ trong ngành năng lượng. Xoá bỏ độc quyền và những rào cản bất hợp lý trong sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ hạ tầng năng lượng, đồng thời yêu cầu dùng chung hạ tầng năng lượng vào các dự án thực hiện theo các hình thức đối tác công tư.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, trọng tâm là rà soát, trình Quốc hội sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; nghiên cứu, xây dựng các dự án luật về biến đổi khí hậu.

Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, quốc phòng, an ninh và hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, trọng tâm là rà soát, trình Quốc hội sửa đổi Luật Xây dựng.

Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan: Tạo cơ chế khuyến khích và biện pháp bắt buộc để các doanh nghiệp tăng cường đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, đổi mới công nghệ và thiết bị, nhất là các cơ sở sử dụng nhiều năng lượng.

Tổ chức thực hiện

Căn cứ Kế hoạch này và chức năng, nhiệm vụ được giao, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch này; định kỳ hằng năm báo cáo tình hình triển khai thực hiện, đề xuất các biện pháp cần thiết để đảm bảo thực hiện đồng bộ và hiệu quả Nghị quyết 937, gửi về Bộ Công Thương trước ngày 30 tháng 11 hằng năm để tổng hợp và báo cáo Chính phủ.

Bộ Công Thương đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này, định kỳ hàng năm tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch và báo cáo Chính phủ trước ngày 31 tháng 12 hằng năm để tổng hợp, báo cáo Quốc hội.

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Chỉ đạo việc thực hiện tuyên truyền sâu rộng chính sách, pháp luật về năng lượng tại địa phương.

Căn cứ vào Kế hoạch của Chính phủ, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thực hiện của địa phương; định kỳ sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh và gửi về Bộ Công Thương để tổng hợp báo cáo Chính phủ.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)