Hòa Bình: Đạt những bước tiến lớn trong phát triển chính quyền số

Monday, 12/02/2024 14:26
Acronyms View with font size

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều nỗ lực triển khai công tác này và đã đạt được những bước tiến lớn trong phát triển chính quyền số.

Thúc đẩy quá trình phát triển đô thị thông minh, hoàn thành chuyển đổi số

Việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số đã giúp chính quyền tỉnh Hòa Bình nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đồng thời nâng cao hiệu quả công việc, tạo nền tảng vững chắc phát triển chính quyền số, bảo đảm an toàn thông tin mạng và phát triển địa phương theo hướng thông minh, hiện đại.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hòa Bình và một số đơn vị tổ chức ra mắt Ứng dụng Công dân số Hòa Bình

Với việc triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển công nghệ thông tin và Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 24/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc về chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, những năm qua, công tác ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh đã có bước chuyển biến mới cả về nhận thức và hành động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh, qua đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Ông Bùi Đức Nam, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hòa Bình cho biết, với mục tiêu đến năm 2025, Hòa Bình cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, thúc đẩy quá trình phát triển đô thị thông minh, hoàn thành chuyển đổi số với những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; ưu tiên tập trung đẩy mạnh nhanh tiến trình chuyển đổi số ở một số lĩnh vực. Phấn đấu từng bước nâng tỉnh Hòa Bình nằm trong nhóm xếp hạng khá của quốc gia, trong Bảng xếp hạng đánh giá chỉ số Chuyển đổi số DTI năm 2025.

Tính đến nay, Hòa Bình đã đạt được bước tiến lớn trong phát triển chính quyền số, cụ thể, đã có 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 với 1.023 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công tỉnh; 287 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cổng dịch vụ công tỉnh; trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; trên 80% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 60% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.

Cùng với đó, 100% cơ sở dữ liệu dùng chung được kết nối, chia sẻ trên toàn tỉnh; trên 50% các hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện thông qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Hiện kinh tế số của Hòa Bình chiếm 10,02% GRDP, hạ tầng mạng băng rộng cáp quang phủ trên 80% hộ gia đình, 100% xã; phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh, cùng với đó, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử đạt 56%.

Đến nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 90% cán bộ và doanh nghiệp nhận thức được lợi ích ứng dụng thương mại điện tử, 80% doanh nghiệp tiến hành giao dịch thương mại điện tử (trong đó: 70% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trên 30% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm, trên 30% doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trên 20% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh).

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư phần mềm chuyên ngành phục vụ quản lý sản xuất - kinh doanh cũng như quảng bá thương hiệu sản phẩm, phát triển thị trường, đẩy mạnh giao dịch hợp tác kinh doanh và khoảng 30% doanh nghiệp vừa và nhỏ có website riêng.

Ông Bùi Đức Nam khẳng định, hạ tầng mạng viễn thông tỉnh Hòa Bình về cơ bản đáp ứng đầy đủ các nhu cầu phát triển dịch vụ hiện tại, có khả năng nâng cấp để đáp ứng các dịch vụ mới. Hạ tầng mạng cáp đã đáp ứng các nhu cầu về sử dụng dịch vụ của người dân cũng như phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan Nhà nước và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm

Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình với quyết tâm chính trị cao về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử. Việc này đã tác động mạnh đến cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động trên địa bàn.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Bùi Đức Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại tỉnh đã được cấp 6.203 chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho tổ chức và cá nhân, trong đó: 1.029 chứng thư số cho tổ chức; 5.171 chữ ký số cho cá nhân thuộc các các cơ quan Đảng, nhà nước. 100% các cơ quan Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, xã đã sử dụng chữ ký số chuyên dùng của tổ chức và 100% lãnh đạo cơ quan, đơn vị sử dụng chữ ký số cá nhân để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng.

80% doanh nghiệp tiến hành giao dịch thương mại điện tử

Để đạt được kết quả trên, thời gian qua Sở Thông tin và Truyền thông Hòa Bình đã tham mưu cấp thẩm quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quy định về công tác an toàn thông tin mạng, an ninh thông tin như: Quy chế quản lý, vận hành, sử dụng và đảm bảo an toàn, an ninh trên mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước; Quy chế bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng Công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước tỉnh Hòa Bình; Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2022-2025" trên địa bàn tỉnh Hoà Bình; Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng đến năm 2025, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh Hoà Bình….

Qua đó, tạo hành lang pháp lý quan trọng để các cơ quan, cá nhân thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh mạng với 100% các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã ban hành quy chế bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan, đơn vị.

Đặc biệt, Hòa Bình đã triển khai bảo đảm an toàn, an ninh mạng theo mô hình 4 lớp của Bộ Thông tin và Truyền thông. Thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Hòa Bình. Triển khai thuê dịch vụ hoạt động giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng tập trung (SOC) của Hòa Bình giai đoạn 2020 – 2025.

Ông Bùi Đức Nam cho biết, định kỳ hàng tháng, Sở Thông tin và Truyền thông Hòa Bình thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá tình hình an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin dùng chung, chuyên ngành được cài đặt tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh để kịp thời phát hiện, cảnh báo, xử lý lỗ hổng bảo mật có nguy cơ được tin tặc lợi dụng tấn công, phát tán mã độc…

Với mục tiêu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo quan trọng trong phát triển Chính phủ điện tử, chương trình đã tác động mạnh đến cải cách hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động trên địa bàn, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành, chuyên môn nghiệp vụ trong cơ quan Nhà nước và quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)