Công trình xây dựng chống đỡ với biến đổi khí hậu

Thursday, 10/03/2024 13:44
Acronyms View with font size

Trước diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, các chuyên gia nhận định, cần có giải pháp chủ động ngăn ngừa thiệt hại tài sản và con người tại các công trình công cộng và nhóm nhà ở.

Cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Hà Giang khẩn trương giúp người dân xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: TTXVN

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức độ thiệt hại thống kê được sau cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua rất lớn. Ngoài thiệt hại lớn về con người, tổng thiệt hại kinh tế ước tính sơ bộ trên 81 nghìn tỷ đồng. Trong đó, có khoảng 282.000 căn nhà, 3.755 trường học, điểm trường bị hư hỏng, tốc mái, bị ngập, vùi lấp do sạt lở đất. Nhiều công trình hạ tầng cũng bị vùi lấp, phá hỏng...

Trước diễn biến phức tạp của tình trạng biến đổi khí hậu, các chuyên gia nhận định, dưới góc độ công trình xây dựng cũng cần có những giải pháp chủ động nhằm ngăn ngừa thiệt hại tài sản và con người tại các công trình công cộng và nhóm nhà ở.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng sau cơn bão số 3, dưới sức ảnh hưởng của siêu bão số 3, các công trình xây dựng dân dụng kiên cố đảm bảo an toàn chịu lực, không xảy ra sự cố mất an toàn. Tuy nhiên, nhiều công trình xây dựng không kiên cố như nhà kho, một số của hàng của người dân… bị hư hỏng, tốc mái. Ngoài ra, kết cấu bao che như mái tôn, mặt dựng kính, cửa kính, mái thép bị hư hỏng khá nhiều.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là khả năng chịu gió bão mạnh của mái nhà kém. Một số vách kính, cửa kính thi công không đúng kỹ thuật, khung kính không được liên kết chắc chắn vào kết cấu bê tông hoặc thi công không đúng chỉ dẫn kỹ thuật hoặc không có tính toán thiết kế…

Về giải pháp khắc phục hậu quả sau bão số 3 trong phạm vi liên quan đến lĩnh vực chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương nghiên cứu, thực hiện hiệu quả Công điện 02 của Bộ Xây dựng về việc khắc phục hậu quả sau bão số 3.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà lưu ý cần đặc biệt tập trung kiểm tra tình trạng kết cấu công trình xây dựng; tháo dỡ, sửa chữa các hạng mục, kết cấu hư hỏng, mất ổn định. Đặc biệt đối với các công trình trường học, bệnh viện, chung cư, công trình tập trung đông người cần kiểm tra, rà soát tình trạng cửa, lan can, vật treo, neo trên cao, tường vách, mái, hệ thống kỹ thuật điện, cơ điện, hệ thống cấp nước, thoát nước...

Từ đó, có giải pháp khoanh vùng cảnh báo, xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn khai thác sử dụng. Riêng đối với cửa sổ, cửa đi, hệ tường kính, vách kính và hệ bao che bằng kim loại tham khảo các tiêu chuẩn hiện hành.

Đối với một số công trình mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn do bão gây hư hỏng kết cấu, dàn mái, mặt dựng vách kính... và công trình chung cư cũ, cần phải được khắc phục và tổ chức đánh giá đảm bảo an toàn trước khi tiếp tục khai thác, sử dụng.

Mưa lũ gây sập nhà dân tại Hà Giang. Ảnh: TTXVN

Riêng đối với các công trình chung cũ đã được kiểm định và đánh giá mức độ nguy hiểm ở mức độ D cần khẩn trương thực hiện theo Chi thị 05/CT-TTg ngày 15/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị - Thứ trưởng Phạm Minh Hà nhấn mạnh.

Liên quan đến quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, hiện nay, việc quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng được điều chỉnh bởi hệ thống pháp luật chính gồm 2 Luật, 4 Nghị định, 3 Thông tư và nhiều Tiêu chuẩn, Quy chuẩn.

Hệ thống pháp luật này đã được ban hành cơ bản đầy đủ đáp ứng yêu cầu điều chỉnh toàn diện các chủ thể liên quan đến chất lượng công trình xây dựng; đồng thời quy định chi tiết từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu cho đến bảo trì công trình xây dựng.

Các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng đã bổ sung nhiều điểm mới trong công tác quản lý chất lượng công trình so với thời gian trước như: phân định rõ trách nhiệm của chủ thể tham gia hoạt động xây dựng; tăng cường việc kiểm tra, giám sát của cơ quan chuyên môn về xây dựng đối với các dự án đầu tư, công trình xây dựng; tăng cường phân cấp quản lý cho các địa phương; bổ sung quy định về đánh giá an toàn công trình trong quá trình vận hành, xử lý đối với các công trình hết niên hạn sử dụng; bổ sung các chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng của các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.

Những năm gần đây, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia cốt lõi phục vụ thiết kế công trình. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế này đều phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của các nước phát triển trên thế giới như: Mỹ, Châu Âu, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc.

Trước những thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 vừa qua, Tiến sỹ - Kiến trúc sư Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, cần nhìn nhận cả những bất cập của kiến trúc, quy hoạch trong việc ứng phó với thiên tai, bão lũ. Từ đó đưa ra những đề xuất thiết thực, đặc biệt trong lĩnh vực kiến trúc cũng như các hướng cảnh báo và có hướng dẫn giải pháp thiết kế trong công trình.

Bởi không riêng gì những vùng cao như Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang phải gánh chịu thiệt hại nặng nề trong các cơn lũ, bão mà ngay cả các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Nha Trang cũng chung cảnh ngộ. Hay khu vực có điều kiện tự nhiên thuận lợi như Tp. Hồ Chí Minh cũng bị ảnh hưởng trước biến đổi khí hậu với mưa lớn và triều cường gây ngập lụt.

Chủ tịch thị xã Sapa Tô Ngọc Liễn cũng chính là Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Lào Cai chia sẻ, rất lâu rồi, Lào Cai chưa trải qua trận lũ lớn như vậy. Những tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế về thoát nước mưa lũ chỉ dựa trên cơ sở, mức độ đã xảy ra trước đó, mà chưa lường trước đến những mức độ vượt quá nên không kiểm soát được.

Khó khăn hơn nữa đối với tỉnh Lào Cai là về vấn đề nhà ở đối với miền núi, đa phần là công trình thấp tầng, và nằm dựa vào ven sông, ven suối. Theo phong tục, tập quán của người dân là công trình dựa núi, nhìn sông, nhưng hiện tại, các đỉnh đồi núi bị phong hoá, rất dễ gây ra hiện tượng sạt lở, lũ quét, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Những tính toán đối phó với thiên tai của người dân miền núi luôn rất khó khăn, tốn kém, cần phân bố lại dân cư, cũng như nhiều vấn đề khác.

“Vừa qua, Lào Cai có khoảng 103 điểm có nguy cơ sạt lở. Tỉnh Lào Cai cũng đang mời các chuyên gia địa chất về đánh giá lại địa hình, để tái định cư cho người dân. Hiện Hội Kiến trúc sư Lào Cai đang nghiên cứu khu vực để tái thiết các không gian cho các cư dân người dân làng Nủ, nhưng vấn đề địa chất của Lào Cai rất đặc biệt, với đặc tính xung quanh là ruộng, cũng sẽ có nhiều nguy cơ, không đảm bảo được khu vực đó theo thời gian” – ông Liễn phân tích.

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Tp. Hồ Chí Minh Nguyễn Trường Lưu nhấn mạnh, hiện Việt Nam đang dùng chung một tiêu chuẩn, quy chuẩn cho tất cả các vùng, từ vùng nhiều bão, tới vùng ít bão, từ thành phố tới đồng bằng, miền núi... Điều này là chưa phù hợp. Câu chuyện này, các cơ quan về xây dựng cần nghiên cứu lại. Nếu không, bão lũ vẫn tiếp tục xảy ra và hậu quả rất khó được giảm nhẹ bớt.

Dưới góc nhìn chuyên môn, Tiến sỹ Trần Chủng – Nguyên Cục trưởng Cục Giám định - Bộ Xây dựng cho biết, các nhà khoa học đã nghiên cứu kỹ ứng xử của nhà và công trình trước tác động của gió bão, nên đã thiết kế các công trình phải đảm bảo ổn định chống lật hoặc bị bốc lên theo cơn gió. Trong công trình, từng cấu kiện hay bộ phận công trình phải được kiểm toán khả năng chịu được các tác động của gió bão mà không bị phá hoại trong suốt vòng đời của nó.

Đối với công trình có chiều cao lớn, người thiết kế phải có giải pháp đảm bảo tính tiện nghi cho người sử dụng với việc kiểm soát tốt hệ kết cấu chịu lực và kích thước các cấu kiện chịu lực của tòa nhà. Đối với các nhà ở thấp tầng, Bộ Xây dựng đã ban hành tài liệu do Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST) biên soạn để giúp người dân tự thực hiện giải pháp phòng chống bão nhằm giảm thiểu hư hại cho nhà ở.

Đối với cư dân sống trong các khu nhà ở nhiều tầng, do các khối nhà cao tầng đứng gần nhau gây ra hiệu ứng gió lùa thậm chí rất mạnh, cho nên cần khuyên người dân khi bộ hành gần các khu nhà cao tầng phải lưu ý hiệu ứng này và phòng ngừa các vật rơi khác. Một biện pháp chủ động, khi có bão lũ, người dân hạn chế ra khỏi nhà trừ các trường hợp đặc biệt – ông Chủng khuyến cáo.

Source: TTXVN

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)