Phát triển khu công nghiệp thông minh bền vững-Yếu tố then chốt thu hút đầu tư

Friday, 08/16/2024 14:45
Acronyms View with font size

Công nghiệp hóa-hiện đại hóa các khu công nghiệp ngày nay còn gắn liền với mục tiêu chung của toàn cầu trong vấn đề phát triển bền vững, không chỉ tạo ra năng suất lao động xã hội cao mà cần đảm bảo các yếu tố giảm phát thải, giảm tác động làm biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường,…

Các khách mời tham dự Tọa đàm đầu tư phát triển các khu công nghiệp thông minh bền vững - Ảnh: VGP/DA

Chiều 15/8, tại TPHCM, đã diễn ra Hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy thông minh, bền vững hướng đến Net Zero do Cổng Thông tin điện tử các khu công nghiệp tổ chức.

Công nghiệp hóa-hiện đại hóa các khu công nghiệp theo định hướng phát triển bền vững là yếu tố then chốt thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất trên toàn cầu về Việt Nam cùng xây dựng và phát triển nền sản xuất thông minh, bền vững.

Tại COP26, Việt Nam đã cam kết sẽ tiến đến đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050, hiện nay Việt Nam đã và đang triển khai nhiều hoạt động cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu này.

Các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI cũng đã quan tâm nhiều hơn đến các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thông minh đạt được các yêu cầu về phát triển bền vững. Hơn 400 khu công nghiệp và hơn 1.000 cụm công nghiệp với hàng chục nghìn nhà máy trong cả nước đang tích cực cho quá trình chuyển đổi theo hướng thông minh, bền vững.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Đào Xuân Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp, khu công nghiệp TPHCM cho biết, vấn đề phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp sản xuất nói chung và các khu công nghiệp nói riêng không phải là việc một khẩu hiệu nữa mà đã trở thành một xu thế tất yếu, một yêu cầu tất yếu của thời đại. 

Theo ông Đào Xuân Đức, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất ở các khu công nghiệp tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam đã và đang tiếp bước theo định hướng trên. Riêng tại TPHCM đã triển khai một đề án Tái cấu trúc các khu chế xuất khu công nghiệp. Đây là dịp để TPHCM nhìn nhận lại mô hình phát triển của các khu công nghiệp trong vòng 30 năm qua. 

"TPHCM mong muốn "tấc đất, tấc vàng" phải đi vào chiều sâu, thu hút được những ngành đi theo chiến lược phát triển thông minh, bền vững trong tương lai", ông Đào Xuân Đức nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Đào Xuân Đức, phát biểu tại Tòa đàm, ông Hà Duy Tín, Tổng Giám đốc khu công nghiệp Hòa Phú cho rằng, muốn phát triển kinh tế-xã hội thì phải phát triển công nghiệp, tuy nhiên trong sự phát triển này đều có hai mặt, trong đó  có vấn đề ô nhiễm môi trường, với những lý do như vậy, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp bắt buộc hướng tới mục tiêu thông minh, bền vững, như tại khu công nghiệp Hòa Phú, việc đầu tiên và đơn giản nhất là phủ điện mặt trời trong toàn bộ khu công nghiệp.

Ông Nguyễn Chí Toàn, Giám đốc Marketing và Phát triển dự án khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) chia sẻ, để đạt được mực tiêu Net Zero sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức; đối với VSIP, từ khi thành lập đến nay, VSIP luôn tuân thủ các quy định về quy hoạch, bảo đảm môi trường, xử lý chất thải… tại Việt Nam và theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Để đạt được trạng thái trung hòa carbon, chúng ta cũng cần các kỹ thuật, cách làm khác như trước đây chúng ta dùng hoàn toàn bằng điện lưới nay chuyển sang năng lượng tái tạo; đèn led thay bóng đèn sợi đốt, hay như việc tính toán trên một m2 lượng carbon thải ra bao nhiêu thì phải tương ứng với bao nhiêu cây xanh...

Là công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thiết kế, lắp đặt các công trình dân dụng và công nghiệp, công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị và khu đô thị công nghiệp, công trình giao thông, công trình thủy lợi… ông Trần Ngọc Hải, Giám đốc điều hành Công ty Coteccons cho biết, Coteccons hướng đến tiên phong sử dụng những công nghệ bền vững trong tương lai, đồng hành, giúp khách hàng tạo ra những giá trị trường tồn, giúp bảo đảm môi trường bền vững với những dự án xây dựng thông minh góp phần làm giảm khí thải, hiệu ứng nhà kính, sử dụng những giải pháp mang đến những công trình xanh, tiêu chuẩn; chú trọng công nghệ BIM (một quy trình tiên tiến được ứng dụng trong ngành xây dựng dựa trên các mô hình 3D kỹ thuật số được sử dụng xuyên suốt vòng đời của một dự án thiết kế, hạ tầng và xây dựng).

Từ nhu cầu thực tiễn, Cổng thông tin khu công nghiệp Việt Nam cũng đang triển khai đề án "Đầu tư phát triển Khu công nghiệp thông minh bền vững" (SSIP) với những đối tác chiến lược là những tập đoàn lớn, doanh nghiệp có năng lực thực hiện các giải pháp thông minh đáp ứng được các tiêu chí bền vững, có tiềm lực tài chính và năng lực thực thi sẵn sàng tham gia nghiên cứu, đầu tư cùng các chủ khu công nghiệp, chủ doanh nghiệp sản xuất thúc đẩy nhanh, mạnh quá trình cải tạo, chuyển đổi, xây dựng để nhanh chóng đáp ứng được các yêu cầu của doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp FDI trên toàn cầu.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Khánh, Tổng Giám đốc Cổng thông tin các khu công nghiệp Việt Nam, đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã hoạt động, đề án tập trung thiết kế bổ sung, điều chỉnh theo các tiêu chí thông minh bền vững, xúc tiến đầu tư vào chuyển đổi năng lượng điện tái tạo, quản lý phát thải, vận hành thông minh, quản trị bền vững, hướng đến mục tiêu nâng cao giá trị khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đáp ứng được nhu cầu tiêu chí bền vững của các doanh nghiệp đã hoạt động trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, đề án tập trung nghiên cứu thiết kế quy hoạch tổng thể mô hình khu công nghiệp, cụm công nghiệp thông minh bền vững ngay từ đầu và triển khai đồng bộ. Xúc tiến đầu tư phát triển toàn diện cùng các chủ đầu tư để gia tăng nguồn lực vốn, công nghệ, vận hành… nhanh chóng hoàn thiện và đạt các tiêu chí đặt ra.

Đề án kỳ vọng sẽ nhanh chóng thu hút nguốn vốn FDI, lấp đầy diện tích các khu công nghiệp còn trống bằng các doanh nghiệp sản xuất ngành hàng giá trị cao, hiện đại, tạo ra hiệu quả đầu tư cao nhất.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)