Xây dựng nông thôn mới ở các xã bãi ngang

Monday, 08/05/2024 15:20
Acronyms View with font size

Đến thời điểm hiện tại, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên cả nước đã đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, ở những xã vùng sâu, vùng xa, xã bãi ngang, quá trình thực hiện nhiệm vụ này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Người dân xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) tích cực chuyển đổi ruộng đất, phát triển sản xuất.

Bài 1: Nhận diện những thách thức...

Theo Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, số lượng xã đặc biệt khó khăn (xã khu vực II, III) vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới còn rất hạn chế. Tuy nhiên, với quyết tâm và nỗ lực, nhiều xã đã cán đích nông thôn mới, mở ra cơ hội cho các xã nghèo vùng khó khăn.

Cùng với người dân cả nước, người dân và chính quyền các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang, hải đảo đã không ngừng nỗ lực cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng trù phú.

Đồng lòng, quyết tâm

Con đường từ Quốc lộ 57 về trung tâm xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Phú, tỉnh Bến Tre được mở rộng để xe tải 6 tấn có thể ra vào thay cho con đường nhỏ hẹp vốn chỉ dành cho xe tải trọng 1 tấn. Hai bên đường, những ngôi nhà khang trang, những vườn hoa xinh xắn được cắt tỉa gọn gàng tạo cảm giác thanh bình về một vùng quê đáng sống. Vậy mà, ít ai biết được rằng hơn 10 năm trước, Mỹ Hưng chỉ đạt 5 trong số 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM).

Tại thời điểm đó, tỷ lệ hộ nghèo của Mỹ Hưng là hơn 17,64%, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 17,4 triệu đồng/người/năm; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa được xây dựng đồng bộ, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn do chỉ độc canh cấy lúa mùa một vụ. Chủ tịch UBND xã Mỹ Hưng Trần Thị Lụa cho biết: “Với quyết tâm cao, Đảng ủy xã đã phân công từ 5 đến 7 cán bộ xã, phối hợp với 2 cán bộ huyện hỗ trợ 1 ấp thực hiện 19 tiêu chí xây dựng NTM”.

Để cán đích NTM, xã Mỹ Hưng tập trung thay đổi tập quán sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng giao thông nông thôn với vai trò nòng cốt là cán bộ, đảng viên và người dân địa phương. Nhờ đó, sau hơn 10 năm xây dựng NTM, mức thu nhập bình quân đầu người đã đạt 58,16 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,11% (số liệu năm 2023); tổng nguồn lực huy động để thực hiện xã NTM đến thời điểm 2023 đạt khoảng 124 tỷ đồng.

Không có nhiều đất canh tác và cũng không độc canh cây lúa một vụ như xã Mỹ Hưng, 30 xã đảo, vùng bãi ngang ven biển của tỉnh Thanh Hóa chỉ xoay quanh nghề cá. Ghi nhận tại xã Nghi Sơn (huyện Nghi Sơn), địa phương có xuất phát điểm thấp của huyện và tỉnh Thanh Hóa với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 28%, có thời điểm xã Nghi Sơn gần như trắng về cơ sở hạ tầng, trường học.

Đầu năm 2013 xã Nghi Sơn được công nhận xã bãi ngang ven biển, được phân bổ mỗi năm 1 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, công trình phúc lợi công cộng. Đồng thời, nhiều cơ chế, chính sách để người dân thoát nghèo được triển khai. Ông Hoàng Văn Nhầm, ở thôn Lam Sơn, xã Nghi Sơn chia sẻ:

“Trước kia, đời sống người dân ở đây còn nhiều khó khăn. Hiện tại đường giao thông, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa được xây dựng khang trang, nhân dân được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; con em được miễn, giảm học phí. Chúng tôi mong có thêm nhiều cơ hội để phát triển sinh kế, giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Đến nay, xã đảo Nghi Sơn đã đạt 16 trong số 18 tiêu chí NTM (trừ tiêu chí kênh mương, đường nội đồng vì không có đất nông nghiệp). Thu nhập bình quân đầu người đã đạt 67 triệu đồng/năm 2023, phấn đấu đạt 69 triệu đồng/người năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%. Bên cạnh đó, nhà ở dân cư kiên cố hóa đạt 95%; tỷ lệ hộ sử dụng điện sinh hoạt đạt 100%. Giáo dục đại trà, mũi nhọn trong tốp dẫn đầu huyện, bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân…

Vượt khó, đồng lòng trong xây dựng NTM đã mang đến thành công cho các xã vùng bãi ngang nói riêng và toàn tỉnh Hà Tĩnh nói chung. Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú, huyện Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) Nguyễn Kiên Quyết cho biết: Kỳ Phú là xã biển bãi ngang nằm trong vùng đặc biệt khó khăn được hưởng chế độ 106 của Chính phủ. Năm 2016, Kỳ Phú bắt đầu triển khai xây dựng NTM thì mãi đến cuối năm 2019, Kỳ Phú mới được công nhận đạt chuẩn NTM.

Đường nông thôn khang trang tại xã bãi ngang Mỹ Hưng, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Do tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 5% và hạ tầng cơ sở gần như bằng không cho nên tại thời điểm bắt tay xây dựng NTM không ít người thấy khó mà bàn lùi. Nhưng với quyết tâm vượt khó, đồng lòng và nhất là có những cán bộ đi đầu như ông Hoàng Đình Lâm, trưởng thôn Phú Hải hiến 120 m2 đất ở và cắt dỡ một phần ba ngôi nhà cấp 4 rộng gần 60 m2 để thông tuyến, mở đường..., trở thành điểm sáng để người dân có thêm động lực xây dựng NTM.

Theo số liệu của lãnh đạo xã Kỳ Phú, từ năm 2017 đến nay, các hộ gia đình trong thôn đã tự nguyện quyên góp gần 500 triệu đồng để hỗ trợ, động viên các gia đình hiến đất, hiến tài sản ổn định đời sống. Nhờ đó, năm 2019 Kỳ Phú đã trở thành xã NTM.

Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn cho biết, trên thực tế, phần lớn các xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang đều có địa hình phức tạp, cơ sở hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu khiến việc đi lại khó khăn..., việc hoàn thiện đồng bộ các công trình hạ tầng cơ sở phục vụ sản xuất và dân sinh đòi hỏi nguồn lực lớn; đồng thời, việc tổ chức phát triển sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa gặp khó khăn, ảnh hưởng đến thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu tác động trực tiếp đến đời sống của người dân.

Tăng cường giải pháp khắc phục khó khăn

Chủ tịch UBND xã Kỳ Phú (Hà Tĩnh) Nguyễn Kiên Quyết cho biết, một trong những ưu tiên, đích đến lớn nhất được địa phương lựa chọn thực hiện trong giai đoạn này đó là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, địa phương tập trung thực hiện chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp, xây dựng cánh đồng mẫu lớn, đây chính là nguồn nội lực quan trọng quyết định tiến độ và sự thành công của phong trào xây dựng NTM.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) Trịnh Cao Sơn, trong 5 xã vùng bãi ngang ven biển huyện Hậu Lộc có 4 xã đã thoát nhóm đặc biệt khó khăn, đạt chuẩn NTM; chỉ còn xã Ngư Lộc đang nỗ lực vượt khó, từng bước cùng huyện Hậu Lộc vượt qua thẩm định, được công nhận huyện đạt chuẩn NTM.

Hiện tại vùng duyên hải của địa phương đang hoàn thiện, phát triển thêm các tuyến giao thông kết nối và trong tương lai gần khu vực này sẽ định hình đô thị Diêm Phố bao gồm địa giới hành chính 4 xã phía đông kênh De, hình thành cực tăng trưởng, kết nối liên huyện với các đô thị du lịch, dịch vụ, tiếp tục khai thác, phát huy hiệu quả kinh tế biển. Các xã bãi ngang, vùng ven biển của tỉnh Thanh Hóa đã xác định đúng và trúng nguồn lực nội sinh trên con đường xây dựng NTM của mình.

Tại Bến Tre, xét trên mặt bằng chung, đã có một số xã khó khăn, bãi ngang, vùng ven biển hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tuy nhiên vẫn còn không ít xã chưa hoặc đang ở chặng cuối trong xây dựng NTM vẫn đang nỗ lực phấn đấu vươn lên, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi chất lượng, có năng suất cao vào sản xuất. Đồng thời, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, từ đó thay đổi bộ mặt nông thôn, tiếp tục phấn đấu xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương Ngô Trường Sơn chia sẻ: Khi triển khai xây dựng NTM ở địa bàn các xã khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển cần ưu tiên nguồn lực đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản phục vụ sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân theo quy hoạch xây dựng NTM đã được phê duyệt, đặc biệt là hạ tầng thiết yếu cấp thôn, bản.

Các đơn vị chức năng cần ưu tiên đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình hạ tầng giao thông liên xã, tạo kết nối sản xuất và lưu thông hàng hóa, phát triển du lịch nông thôn; hoàn thiện hạ tầng hệ thống thủy lợi, hệ thống nước sạch tập trung; phát triển hệ thống hạ tầng dịch vụ thương mại nông thôn… Đối với các huyện vùng đặc biệt khó khăn, huyện nghèo, cần quan tâm đầu tư để hoàn thành các tiêu chí cơ sở hạ tầng tối thiểu quy mô cấp huyện, liên xã (thủy lợi, nước sạch tập trung, môi trường…).

Việc tận dụng các nguồn vốn đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia và từ huy động mọi nguồn lực xã hội hóa để tập trung thực hiện các tiêu chí khó đạt, nhân rộng cách làm hay, sáng tạo chính là con đường ngắn nhất để các địa phương khó khăn nói chung, vùng bãi ngang, ven biển nói riêng xây dựng thành công NTM.

Source: Nhân dân điện tử

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)