Quy định mới về tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Monday, 05/20/2024 15:40
Acronyms View with font size

Chính phủ đã ban hành Nghị định 54/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Trường hợp phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Nghị định nêu rõ, tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp phải cấp phép khai thác nước mặt, nước dưới đất phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:

1- Khai thác nước mặt để phát điện có mục đích thương mại.

2- Khai thác nước mặt, nước dưới đất để phục vụ hoạt động sản xuất (bao gồm cả nước làm mát máy, thiết bị, tạo hơi, gia nhiệt), kinh doanh, dịch vụ, cấp cho nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, cấp cho sinh hoạt.

Trường hợp không phải nộp, miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Theo Nghị định, các trường hợp sau không phải nộp, miễn, giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước:

1- Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 69 và khoản 3 Điều 86 của Luật Tài nguyên nước.

2- Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước được miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 69 của Luật Tài nguyên nước.

Đối với dự án thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 69 của Luật Tài nguyên nước thì chủ dự án phải nộp văn bản bảo lãnh để chứng minh căn cứ miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định kèm theo hồ sơ đề nghị cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước.

3- Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước được giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 69 của Luật Tài nguyên nước.

Thẩm quyền phê duyệt, cơ quan tiếp nhận, thẩm định tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Nghị định nêu rõ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước.

Cơ quan tiếp nhận và trả kết quả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (cơ quan tiếp nhận hồ sơ) bao gồm:

1- Văn phòng Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính của Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2- Bộ phận một cửa hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trường hợp địa phương chưa thành lập Bộ phận một cửa hoặc Trung tâm Phục vụ hành chính công thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Cơ quan thẩm định, quản lý hồ sơ, quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (cơ quan thẩm định hồ sơ), bao gồm:

1- Cơ quan chuyên môn về tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thẩm định và quản lý hồ sơ, quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

2- Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thẩm định và quản lý hồ sơ, quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Nghị định nêu rõ, kinh phí chi cho hoạt động thẩm định hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được lấy từ nguồn thu phí khai thác, sử dụng nguồn nước.

Thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Theo Nghị định, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được thông báo, nộp sau khi công trình đi vào vận hành và có quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đối với công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước tính đến thời điểm Nghị định này có hiệu lực nhưng vẫn chưa đi vào vận hành thì cơ quan thẩm định có văn bản gửi Cục thuế địa phương về việc chỉ ban hành thông báo nộp tiền khi nhận được quyết định điều chỉnh tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với công trình nêu trên.

Sau khi nhận được quyết định phê duyệt, điều chỉnh, truy thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, Cục thuế địa phương nơi có công trình khai thác tài nguyên nước ban hành thông báo nộp tiền cấp quyền gửi tổ chức, cá nhân nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Nghị định nêu rõ, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được nộp hằng năm theo số tiền được ghi trong quyết định phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước. Căn cứ khả năng của mình, chủ giấy phép lựa chọn phương thức nộp tiền một lần trong năm, hai lần trong năm hoặc nộp một lần cho cả thời gian được phê duyệt. Việc nộp tiền một lần cho cả thời gian phê duyệt tiền cấp quyền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt tiền cấp quyền quyết định trên cơ sở đề xuất của chủ giấy phép và được quy định trong quyết định phê duyệt tiền cấp quyền.

Việc thu, nộp, hoàn trả tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý thuế và quy định của Nghị định này.

Theo Nghị định, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước được thu, nộp về địa phương nơi có công trình khai thác nước. Đối với công trình khai thác nước là hồ chứa mà phạm vi công trình nằm trên địa bàn từ 2 tỉnh trở lên, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước sẽ được phân chia cho từng tỉnh trên cơ sở tỷ lệ (%) số tiền nộp thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên.

Việc quản lý, sử dụng tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước; việc bố trí ngân sách nhà nước hằng năm được xem xét ưu tiên sử dụng để bảo đảm cho hoạt động bảo vệ tài nguyên nước, cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước, giám sát hoạt động khai thác nước và các hoạt động phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm; phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra dựa trên tổng số tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đã thu; xây dựng, quản lý hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định điều hoà, phân phối tài nguyên nước, vận hành liên hồ chứa.

Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là một loại chi phí được xác định trong giá thành sản xuất của chủ giấy phép.

* Theo khoản 2 Điều 69 Luật Tài nguyên nước:

Tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nước không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:

a) Khai thác nước biển;

b) Khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, sản xuất công nghiệp, thủy điện, thủy lợi, thể thao, du lịch, kinh doanh, dịch vụ, tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều 52 của Luật này;

c) Khai thác tài nguyên nước cho các mục đích tạo nguồn, ngăn mặn, chống ngập, tạo cảnh quan quy định tại khoản 1 Điều 52 của Luật này.

* Khoản 3 Điều 86 Luật Tài nguyên nước nêu rõ:

Tổ chức, cá nhân thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 69 của Luật này đã được cấp giấy phép về tài nguyên nước để cấp cho nông nghiệp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không thuộc đối tượng nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo quy định của Luật số 17/2012/QH13 thì không phải nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với lượng nước cấp cho nông nghiệp đến hết thời hạn ghi trong giấy phép về tài nguyên nước.

* Khoản 3 Điều 69 Luật Tài nguyên nước nêu:

Tổ chức, cá nhân khai thác nước mặt, nước dưới đất theo quy định tại khoản 1 Điều này được miễn tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:

a) Khai thác nước để cấp cho sinh hoạt của người dân khu vực biên giới, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

b) Dự án có hạng mục công trình khai thác nước đã được Chính phủ Việt Nam bảo lãnh theo bảo lãnh Chính phủ;

c) Trong thời gian công trình khai thác nước bị hư hỏng do sự cố bất khả kháng không thể tiếp tục khai thác hoặc phải tạm dừng khai thác.

* Theo khoản 4 Điều 69 Luật Tài nguyên nước:

Tổ chức, cá nhân khai thác nước mặt, nước dưới đất theo quy định tại khoản 1 Điều này được giảm tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong các trường hợp sau đây:

a) Công trình khai thác nước phải cắt, giảm lượng nước khai thác khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 42 của Luật này;

b) Khai thác, sử dụng nước tuần hoàn, tái sử dụng nước theo quy định tại khoản 5 Điều 59 của Luật này;

c) Hồ chứa đã vận hành phải điều chỉnh, bổ sung dung tích phòng lũ cho hạ du so với nhiệm vụ của hồ chứa đã được phê duyệt;

d) Khai thác nước cho sản xuất nông nghiệp trong thời gian xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)