Đưa các chính sách mới về nhà ở xã hội sớm đi vào cuộc sống

Monday, 05/13/2024 15:40
Acronyms View with font size

Chiều 10/5, tại Hà Nội, Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tọa đàm “Quy định mới về nhà ở xã hội: Từ chính sách đến thực thi” nhằm phân tích tác động các quy định mới về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở năm 2023 đến các chủ thể liên quan; thảo luận, đóng góp vào quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành các quy định này để đưa các chính sách mới về nhà ở xã hội sớm đi vào cuộc sống.

Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân phát biểu tại tọa đàm.

Tham dự tọa đàm có bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng; ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân; ông Lê Cao Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, nguyên Phó Trưởng Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.

Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/11/2023. Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia, Luật Nhà ở năm 2023 có chất lượng tốt nhất trong hơn 30 năm qua, kể từ Pháp lệnh Nhà ở 1991.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội điều phối nội dung buổi tọa đàm.

Trong đó, Chương VI của Luật Nhà ở năm 2023 quy định đồng bộ các cơ chế để phát triển nhà ở xã hội, trước hết là nhằm thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030 với nhiều chính sách nổi bật.

Bà Phạm Thị Thanh Huyền, Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho biết, Luật quy định rõ UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt. Cùng với đó, cho phép các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định được cho vay ưu đãi với các đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội…

Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Tuy nhiên để sớm đưa những chính sách tốt đẹp về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng đi vào cuộc sống, Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn và bảo đảm chất lượng. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho phép thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi) sớm hơn, có thể là từ tháng 7/2024, cùng với Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận các quy định mới về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi) và đánh giá các tác động của những quy định mới này đến chủ trương phát triển nhà ở cho người dân của Đảng và Nhà nước ta, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp và người nghèo.

Theo ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Luật Nhà ở (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là quy định liên quan đến việc dành quỹ đất cho phát triển loại hình nhà ở này.

Trước đây, Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định yêu cầu bắt buộc tất cả các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành 20% quỹ đất ở của dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai đã gặp nhiều vướng mắc, bất cập.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng thông tin về một số quy định mới liên quan nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi).

Luật Nhà ở (sửa đổi) năm 2023 đã bổ sung quy định giao trách nhiệm của UBND cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh đã được phê duyệt (bao gồm: quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội độc lập; quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại)...

Những quy định này thể hiện chủ trương phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao trách nhiệm của địa phương, tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện, bảo đảm tính khả thi khi áp dụng trên thực tế - ông Hưng khẳng định.

Ngoài ra, các địa phương còn phải có trách nhiệm đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; dành ngân sách để xây dựng dự án đầu tư nhà ở xã hội; thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án để bảo đảm đồng bộ.

Một điểm mới khác là Luật Nhà ở 2023 bổ sung thêm một số hình thức phát triển nhà ở xã hội, đó là phát triển nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp (xây dựng nhà lưu trú cho công nhân) và phát triển nhà ở cho lực lượng vũ trang. Đồng thời, bổ sung chủ thể đầu tư nhà ở xã hội: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.

Bên cạnh đó, Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng có những điều chỉnh về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội… Theo ông Hưng, đây đều là những yếu tố có tác động mạnh mẽ, tạo thuận lợi rất lớn cho người dân trong tiếp cận nhà ở xã hội cũng như giúp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển loại hình nhà ở này…

Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết, hiện Bộ Xây dựng đã tập trung hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều về phát triển và quản lý nhà ở xã hội. Mục đích là nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn phát triển và quản lý nhà ở xã hội; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính và bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Ông Lê Cao Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng trao đổi tại tọa đàm.

Trao đổi thêm về những quy định mới trong Luật Nhà ở (sửa đổi), ông Lê Cao Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng đề cập đến việc dành quỹ đất 20% cho doanh nghiệp được kinh doanh nhà ở thương mại và các công trình thương mại, dịch vụ, và phần lãi này không hòa chung với lợi nhuận định mức tối đa 10% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội. “Đây là động lực rất mạnh cho doanh nghiệp”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Ngoài ra, Luật Nhà ở 2023 quy định: chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công và nguồn tài chính công đoàn được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án; đồng thời, không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn và không phải thực hiện thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.

Theo ông Tuấn, quy định này sẽ giúp khâu thực hiện thủ tục của chủ đầu tư nhanh hơn từ 6 đến 9 tháng so với quy định cũ trong Luật Nhà ở 2014 (chủ đầu tư được miễn tiền sử dụng đất nhưng vẫn phải thực hiện thủ tục định giá đất).

Bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chia sẻ tại tọa đàm.

Chia sẻ tại tọa đàm, bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ những băn khoăn và cũng là lo lắng của nhiều người dân đang tìm hiểu để mua nhà ở xã hội. Cụ thể, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã xóa bỏ nhiều quy định không cần thiết, chỉ còn 2 điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội là nhà ở và thu nhập. Thế nhưng, việc lấy xác nhận về nhà ở tại các cấp phường, xã đang rất khó khăn.

Lý do là người có thẩm quyền xác nhận không có thông tin do hệ thống liên thông về sở hữu nhà ở chưa đầy đủ. Do đó, khi xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn phải rất chi tiết để chính sách đã được Quốc hội thông qua đi vào thực tiễn, thông suốt; tránh tạo những rào cản trong quá trình thực thi khiến mục tiêu không đạt được như kỳ vọng - bà Trần Hồng Nguyên khuyến nghị.

 

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân phát biểu.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn-Thương mại-Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân bày tỏ, là những người tham gia trực tiếp phát triển dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp đã được tham dự nhiều cuộc làm việc, trao đổi ý kiến để cùng đưa chính sách đi vào cuộc sống. Ghi nhận rõ nét nhất là trong vòng 30 năm nay, Luật Nhà ở (sửa đổi) thật sự tiến bộ, hiệu ứng tích cực được lan tỏa đến các đối tượng liên quan, thụ hưởng chính sách.

Nhất là khi có chủ trương đẩy sớm thời hạn hiệu lực của Luật và xây dựng, ban hành đồng thời các Nghị định đi kèm trước 6 tháng với cả 3 luật khung đã sửa đổi gồm: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Đây là thông tin được cộng đồng doanh nghiệp mong chờ, bởi thực tế, các quy định mới sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư nhà ở xã hội, nhất là khi có định hướng về quy hoạch rõ ràng, quỹ đất ổn định.

Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu cũng nhận diện những yêu cầu, đòi hỏi tiếp tục cụ thể hóa trong việc soạn thảo, ban hành quy định hướng dẫn các quy định mới về nhà ở xã hội nhằm bảo đảm tính khả thi, và nhanh chóng đi vào cuộc sống. Đồng thời, đề xuất các giải pháp giúp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của các chủ thể liên quan đến phát triển nhà ở xã hội hiện nay trên nền tảng là các quy định mới trong Luật Nhà ở (sửa đổi).

Source: Nhân dân điện tử

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)