Hội thảo “Công nghệ sản xuất cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên”

Friday, 05/03/2024 11:11
Acronyms View with font size

Trong bối cảnh nguồn cát tự nhiên ngày càng cạn kiệt, khan hiếm, tháng 4/2024 vừa qua, Công ty Nguyễn Vinh phối hợp với Tập đoàn Terex tổ chức hội thảo “Công nghệ sản xuất cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên”, nhằm giới thiệu các công nghệ hiện đại, tiên tiến hàng đầu thế giới trong sản xuất (nghiền và rửa) cát nhân tạo để thay thế cát tự nhiên.

Những năm gần đây, nguồn cát tự nhiên không chỉ tại Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu ngày càng cạn kiệt. Nhiều nhóm nghiên cứu, các chuyên gia đã không ngừng đưa ra những sáng kiến, sử dụng các nguyên liệu khác để thay thế cát tự nhiên. Điều này đã được các nước phương Tây thực hiện ngay từ những năm 80 thế kỷ trước, các dự án ở châu Âu (Xây dựng đập French Alps - 1980, tại Pháp, hay Ataturk Turkey - 1986 ở Thổ Nhĩ Kỳ) đã làm cát nhân tạo giai đoạn đầu bằng sự kết hợp côn - nghiền bi.

Tại Việt Nam, hiện nguồn cung cát tự nhiên chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu. Do đó, trong định hướng phát triển vật liệu xây dựng ngay từ những năm đầu của thế kỷ XXI, Chính phủ đã có những động thái tích cực nhằm ngăn cấm việc khai thác cát tự nhiên bừa bãi và khuyến khích các nhà khoa học, nghiên cứu đưa ra các loại vật liệu mới, thay thế cát tự nhiên, đảm bảo chất lượng công trình, mang tính bền vững.

Cụ thể, ngày 29/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 121/2008/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020, trong đó đã đề cập đến việc phát triển sản xuất cát nghiền với công nghệ tiên tiến, công suất từ 50.000 m3/năm trở lên để thay thế cát tự nhiên sử dụng cho bê tông. Tiếp đó, Thủ tướng ban hành Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 khuyến khích các cơ sở khai thác, sản xuất đá phối hợp đầu tư hoặc liên kết với cơ sở sản xuất cát nghiền… nhằm tận dụng nguyên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, tăng nguồn vật liệu xây không nung ở địa phương; khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất cát nghiền để đạt tổng công suất thiết kế đến năm 2020 đạt khoảng 10 triệu m3/năm.

Tiến sĩ Nguyễn Quang Cung (nguyên Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng, hiện là Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam) chính là người chủ trì đề tài cát nhân tạo, đã từng qua Châu Âu (Pháp, Ireland, Bồ Đào Nha) để khảo sát xây dựng tiêu chuẩn cát nhân tạo Việt Nam.

Trình bày tại hội thảo, đại diện Công ty Nguyễn Vinh cho biết, phát triển sản xuất cát nhân tạo với công nghệ tiên tiến dùng cho bê tông mác cao (có phân loại cát modul thô và tinh) với các tiêu chuẩn chất lượng phụ gia đòi hỏi phải đạt mức chuẩn quốc tế. Cát nhân tạo sẽ loại bỏ được khoáng chất sét và nhiều tạp chất khác, tránh gây hại cho bê tông, đồng thời tận thu, chế biến (lọc, rửa, phân ly…) từ mỏ đá, sỏi cuội sông, rác phế thải xây dựng, công nghiệp, khoáng sản đi kèm.

Cát nhân tạo từ các nguồn gốc nêu trên sẽ có hiệu quả lớn hơn rất nhiều so với khai thác cát lòng sông. Cát nhân tạo hình dạng kết cấu góc cạnh hạt tròn, khối, cấp độ liên tục, modul mịn tăng khả năng làm việc, độ kết dính và độ bền của bê tông. Tỷ lệ % cỡ hạt trong khoảng 150 - 600 micron cao; hạn chế lượng hạt mạt (<75 micron) dưới 9% tạo ra cát sạch, tăng cường độ kháng nén của bê tông; độ rỗng của cát nhân tạo thích hợp (thấp) dẫn đến tiêu thụ ít nước và xi măng.

Hiện nay, phần lớn các cơ sở sản xuất đá vật liệu xây dựng của Việt nam đang sử dụng công nghệ cũ của Trung Quốc hoặc sử dụng máy cũ, chi phí đầu tư thấp nhưng chi phí sản xuất cao, khiến cho giá thành sản phẩm cao và đặc biệt là không đạt tiêu chuẩn chất lượng về độ tròn khối, tỷ lệ % độ thoi dẹt cao khiến cho cường độ đá không đảm bảo cho chất lượng công trình, nhất là những công trình lớn có yếu tố nước ngoài. 

Theo đại diện Công ty Nguyễn Vinh, công nghệ sản xuất (nghiền và rửa) cát nhân tạo hiện đại nhất hiện nay do Nguyễn Vinh và Terex cung cấp sẽ đảm bảo điều chỉnh được phân cấp dải hạt liên tục sản xuất được các sản phẩm cát cao cấp với mức độ đồng đều cao, hình dạng tròn khối nhiều góc cạnh, giảm độ rỗng, từ đó bê tông sẽ giảm độ co ngót, giảm lượng nước, tăng khả  năng bơm và  khả năng làm việc, cũng như độ kết dính, độ bền (kháng nén, uốn), chịu lực của bê tông, sản xuất bê tông chất lượng cao, đạt  được các  tiêu chuẩn quốc tế như: ASTM C-33( Mỹ); JS A 5004( Nhật)  BS 882(Anh) và tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9205:2012  về cát nghiền cho bê tông và vữa.

Công ty Nguyễn Vinh và Terex cũng đưa ra giải pháp tổng thể về công nghệ xanh trong sản xuất cát nhân tạo, giúp các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ hiện đại đạt hiệu quả kinh tế cao, giảm tiêu hao năng lượng, tài nguyên khoáng sản và biện pháp bảo đảm môi trường do tuần hoàn nước( tái sử dụng trên 90%). Đi cùng với đó là các giải pháp công nghệ loại Sulfur (SO2) - FGD từ các nhà máy đốt nguyên liệu hóa thạch tránh mưa Axit và  thu hồi khí CO2 để sản xuất bột nhẹ giảm lượng CO2 trong không khí.

Thu Hà

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)