Thái Bình cần phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển bứt phá

Wednesday, 03/06/2024 15:00
Acronyms View with font size

Sáng 5/3, UBND tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch của tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình.

Theo Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Thái Bình có 4 tiềm năng, lợi thế lớn để địa phương có thể có sự bứt phá trong thời gian tới - Ảnh: VGP/Hải Minh

Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải; lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương.

Mục tiêu của Quy hoạch là đến năm 2030, Thái Bình trở thành địa phương thuộc nhóm phát triển khá và là một trong những trung tâm phát triển công nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng; có cơ cấu kinh tế hiện đại với công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng để Thái Bình phát triển nhanh, toàn diện và bền vững.

Đến năm 2050, Thái Bình là tỉnh phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng; có nền kinh tế phát triển thịnh vượng, xã hội tiến bộ và môi trường sinh thái được bảo đảm; tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và các ngành kinh tế trụ cột có sức cạnh tranh cao.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang trao Quyết định của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo tỉnh Thái Bình - Ảnh: VGP/Hải Minh

Quy hoạch tỉnh xác định 3 đột phá phát triển, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 trụ cột tăng trưởng kinh tế; có nhiều điểm mới, đột phá như mở ra không gian phát triển mới thông qua hoạt động "lấn biển"; phát triển kinh tế hướng biển tạo sự phát triển đột phá ở lĩnh vực cảng biển, năng lượng, dịch vụ giải trí, nghỉ dưỡng, sinh thái biển.

Trong tương lai, trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành 3 tuyến cao tốc là cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng (CT.08); đường Vành đai 5 - Hà Nội (CT.39) và tuyến CT.16 phục vụ kết nối Khu kinh tế với thành phố Thái Bình và vùng kinh tế phía tây bắc thủ đô.

Tỉnh Thái Bình sẽ phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, công nghệ tiên tiến, giá trị gia tăng cao; tham gia sâu, toàn diện vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu; phát huy các tiềm năng, thế mạnh để đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp, năng lượng của vùng đồng bằng sông Hồng.

Tỉnh khuyến khích đầu tư phát triển các ngành có thế mạnh và có thể tạo đột phá như: Năng lượng; cơ khí chế biến, chế tạo; công nghiệp công nghệ cao; điện - điện tử; chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản…

Đồng thời, tập trung nghiên cứu phát triển điện gió, điện khí để tạo nguồn điện sạch và cân bằng lượng phát thải; nghiên cứu đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến Condensate; chuẩn bị mọi điều kiện để xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình.

 

Lãnh đạo tỉnh Thái Bình trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho các nhà đầu tư - Ảnh: VGP/Hải Minh

Về nông nghiệp, tỉnh Thái Bình vẫn xác định đây là "trụ cột quan trọng" trong phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp hàng đầu của đồng bằng sông Hồng.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thái Bình trong phát triển kinh tế-xã hội trong những năm vừa qua, đặc biệt Thái Bình đã chứng tỏ là "đối thủ nặng ký" trong thu hút FDI (năm 2023 đạt 3 tỷ USD), nằm trong nhóm đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công. Phó Thủ tướng cho rằng đây là hai chìa khóa để tỉnh mở ra cánh cửa mới, con đường mới cho sự phát triển của địa phương trong tương lai.

Theo Phó Thủ tướng, Thái Bình có 4 tiềm năng, lợi thế lớn để địa phương có thể có sự bứt phá trong thời gian tới: Vị trí địa lý và tiếp cận đất đai thuận lợi; từng là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới bài bản và nghiêm túc; nhận được sự quan tâm của nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng thời có nhiều doanh nhân người Thái Bình đã thành đạt và luôn hướng về quê hương; có sự đoàn kết, thống nhất, trước hết là trong tập thể lãnh đạo.

Về vị trí địa lý và tiếp cận đất đai, Phó Thủ tướng cho rằng trong tương lai, khi Luật Đất đai có hiệu lực, Thái Bình sẽ có nhiều điều kiện lấn biển để triển khai các dự án khu đô thị, khu công nghiệp thân thiện với môi trường…

Đối với nông nghiệp, số liệu thống kê cho thấy xuất khẩu nông sản của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt trên 9,8 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2023; xuất siêu đạt 2,88 tỷ USD, tăng 2,9 lần so với cùng kỳ năm 2023. Quan trọng hơn, giá gạo trung bình của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới. Những tín hiệu khả quan này có đóng góp tích cực của ngành nông nghiệp Thái Bình.

Mặt khác, ứng dụng của công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp sẽ rút ngắn thời gian làm đồng của người nông dân, tạo điều kiện để Thái Bình huy động nguồn nhân lực trong nông nghiệp sang phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, một lợi thế mà không phải địa phương nào cũng có được như Thái Bình.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh về lâu dài Thái Bình có thể ghi điểm từ phát triển công nghiệp nhưng trước mắt, đặc biệt trong lúc khó khăn, thì nông nghiệp vẫn là nền tảng rất quý giá.

Bên cạnh những lợi thế trên, Phó Thủ tướng cho rằng Thái Bình cũng còn những khó khăn nhất định, đơn cử tỉnh Thái Bình đã sử dụng hết 1.600 ha chỉ tiêu đất công nghiệp trong giai đoạn này, đòi hỏi phải có phương án giải quyết thấu đáo trong thời gian tới để tỉnh tiếp tục phát triển công nghiệp.

Đồng thời, Thái Bình cũng phải cạnh tranh với những địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh trong thu hút FDI trong khi phát triển cơ sở hạ tầng chưa theo kịp mong muốn.

Đối với việc triển khai quy hoạch của tỉnh, Phó Thủ tướng chia sẻ với địa phương 8 chữ: Tuân thủ, linh hoạt, đồng bộ và thấu hiểu.

Theo Phó Thủ tướng, giá trị lớn lao nhất của quy hoạch là định hướng, mục tiêu phát triển và những giải pháp để hiện thực hóa những mục tiêu đó, vì thế về nguyên tắc trước hết phải "tuân thủ" quy hoạch.

Tỉnh cũng phải "linh hoạt" trong tổ chức thực hiện, trong trường hợp cá biệt cụ thể, có thể điều chỉnh mục tiêu vì hôm nay nói chuyện ngày mai đã khó chứ chưa nói gì câu chuyện 6 năm sau (đến năm 2030) và tầm nhìn 26 năm sau (đến năm 2050).

Bên cạnh đó, phải tổ chức thực hiện "đồng bộ" với các quy hoạch khác như Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành...

Chính quyền phải "thấu hiểu" quy hoạch này thế nào để tổ chức thực hiện cho đồng bộ, linh hoạt; còn đối với người dân, doanh nghiệp cũng phải có sự thấu hiểu để đồng hành, chia sẻ thì việc triển khai mới trọn vẹn được.

 

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang dự Lễ khởi công Dự án Nhà máy Pegavision Việt Nam tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái - Ảnh: VGP/Hải Minh

Sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã dự Lễ khởi công Dự án Nhà máy Pegavision Việt Nam tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.

Dự án có tổng vốn đầu tư 4.680 tỷ đồng, tương đương 200 triệu USD, dự kiến tạo việc làm cho khoảng 1.140 lao động, với mức lương trung bình khoảng 8 triệu đồng/tháng/người.

Pegavision chủ yếu tập trung thiết kế, nghiên cứu và phát triển, sản xuất và kinh doanh kính áp tròng cung cấp cho các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và châu Âu.

Trong những năm qua, Thái Bình có sự chuyển mình mạnh mẽ, từ một tỉnh với nền sản xuất nông nghiệp là chủ yếu đã vươn lên trở thành một địa phương phát triển năng động, địa điểm thu hút đầu tư hấp dẫn, với mức tăng trưởng kinh tế cao hơn so với bình quân của cả nước, đặc biệt sau khi thành lập Khu kinh tế Thái Bình.

Đến nay, tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 20%. Thái Bình xếp thứ 15, 16/63 tỉnh, thành phố của cả nước về thu hút đầu tư FDI năm 2021, 2022 và đặc biệt năm 2023 thu hút FDI đạt gần 3 tỷ USD, xếp thứ 5/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Khu công nghiệp Liên Hà Thái, khu công nghiệp tiên phong trong Khu kinh tế Thái Bình, sau 3 năm thành lập đến nay đã thu hút đầu tư trên 1,2 tỷ USD, trong đó có dự án nhà máy Pegavision Việt Nam.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)