Hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp: Ứng dụng nhiên liệu LNG - nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính”

Wednesday, 01/31/2024 10:21
Acronyms View with font size

Ngày 30/1/2024, tại Hà Nội, Báo Xây dựng phối hợp với Viện Đào tạo tư vấn và phát triển kinh tế (IDE) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp: Ứng dụng nhiên liệu LNG - nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính”. Tham dự hội thảo có đông đảo nhà quản lý; chuyên gia, nhà khoa học thuộc các viện nghiên cứu, trường đại học; đại diện hội, hiệp hội chuyên ngành, lãnh đạo các doanh nghiệp.

Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng Tào Khánh Hưng phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, nhà báo Tào Khánh Hưng - Phó Tổng Biên tập Báo Xây dựng nhấn mạnh những thách thức của biến đổi khí hậu đối với sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đồng thời cho biết, tại Hội nghị COP 26, Việt Nam đã cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và với sự đồng hành, hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế, phấn đấu giảm nhanh lượng phát thải khí nhà kính đến 43,5% vào năm 2030 và đạt tỷ lệ năng lượng tái tạo hơn 70% vào năm 2050.

Để góp phần cùng ngành Xây dựng và cả nước chung tay giảm phát thải khí nhà kính, Báo Xây dựng phối hợp với Viện Đào tạo tư vấn và phát triển kinh tế (IDE) tổ chức hội thảo “Chuyển đổi xanh ngành công nghiệp: Ứng dụng nhiên liệu LNG - nền tảng cho lộ trình giảm phát thải khí nhà kính”, nhằm đề xuất các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường trong việc ứng dụng nhiên liệu LNG vào nhà máy sản xuất điện, xưởng sản xuất thực phẩm, nhiên liệu thay thế xăng và dầu trong ngành công nghiệp và xây dựng.

Trình bày tham luận tại hội thảo, TS. Nguyễn Hữu Lương - Chuyên gia cao cấp, Viện Dầu khí Việt Nam cho biết: LNG là khí thiên nhiên hóa lỏng được chuyển từ dạng khí sang dạng lỏng để thuận tiện cho quá trình vận chuyển. LNG được tạo ra bằng cách hạ nhiệt độ xuống -260 độ F (-162 độ C) ở áp suất khí quyển. Khi đó, khí thiên nhiên ở trạng thái khí sẽ chuyển sang trạng thái lỏng. Khi chuyển từ trạng thái khí sang lỏng thì thể tích của khí thiên nhiên sẽ giảm đi 600 lần. LNG có thể tích bằng 1/600 lần so với thể tích khí thiên nhiên và chứa chủ yếu thành phần methane.

Trong công nghiệp, LNG là một loại nguyên liệu đốt sạch, sản sinh lượng khí thải CO2 ít hơn đáng kể so với các loại nhiên liệu hóa thạch truyền thống. LNG cũng hiệu quả hơn các dạng khí tự nhiên khác vì nó tiêu tốn ít năng lượng hơn để làm lỏng và vận chuyển thuận lợi. Với nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng bền vững, nhiều ngành công nghiệp đang chuyển sang sử dụng LNG như một cách để giảm lượng khí thải Carbon và tuân thủ các quy định.

Trong xây dựng, LNG là một nguồn nhiên liệu sạch hơn nhiều so với dầu Diesel truyền thống, có nghĩa là sẽ tạo ra ít khí thải độc hại hơn tại các công trường xây dựng. Thiết bị xây dựng chạy bằng LNG có thể mang lại tiết kiệm chi phí đáng kể do chi phí nhiên liệu thấp hơn và tuổi thọ động cơ lâu hơn. LNG cũng có thể sử dụng tại các công trường xây dựng ở vùng sâu, vùng xa nơi các nguồn nhiên liệu khác có thể không dễ dàng tiếp cận.

Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập phát biểu tại hội thảo

Trên cơ sở nhận diện những khó khăn thách thức đối với ứng dụng nhiên liệu LNG, đặc biệt là những khó khăn do thiếu cơ chế, chính sách cho hoạt động của chuỗi khí điện LNG và tiêu thụ điện LNG, TS. Nguyễn Quốc Thập - Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam đề xuất nhiều giải pháp nhằm hiện thực hóa mục tiêu điện khí LNG theo Quy hoạch Điện VIII, bao gồm:

Thay đổi nhận thức và tư duy: Điện khí LNG không chỉ có kho, cảng LNG và Nhà máy điện; điện khí LNG cần được hấp thụ bởi các khu/cụm công nghiệp và các nhà máy, cần được vận hành theo thông lệ quốc tế; giá điện và giá khí LNG cần phải neo theo giá dầu thô trong công thức giá; các cam kết dài hạn và thị trường cũng là các điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch.

Mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ điện theo sát với mục tiêu trong các quy hoạch Điện: Quy hoạch, xây dựng tập trung và đồng bộ cụm kho cảng LNG, Nhà máy điện và các khu công nghiệp/nhà máy có quy mô sử dụng điện đủ lớn; thu hút và khuyến khích các nhà đầu tư các loại hình khu công nghiệp/nhà máy cam kết tiêu thụ điện dài hạn cùng với chuỗi nhà máy điện và kho cảng LNG; kích cầu điện, kích thích sản xuất, kích thích tiêu dùng; tháo gỡ nút thắt liên quan đến cam kết huy động tổng sản lượng điện.

Sửa đổi Luật Điện lực, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thuế, Luật Đầu tư và các Nghị định hướng dẫn: Quy hoạch, xây dựng tập trung và đồng bộ cụm kho cảng LNG, Nhà máy điện và các khu công nghiệp/nhà máy có quy mô sử dụng điện lớn.

Cập nhật, sửa đổi Điều lệ và Quy chế tài chính của các tập đoàn kinh tế nhà nước, đảm bảo các doanh nghiệp có đầy đủ cơ sơ pháp lý để cam kết và thế chấp với các chủ thể trong Hợp đồng mua bán LNG và mua bán điện.

Cần có Nghị quyết chuyên đề của Quốc hội để đảm bảo thực hiện các mục tiêu Quy hoạch năng lượng và Quy hoạch Điện VIII; lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực về công nghiệp, tài chính và kinh nghiệm triển khai; hợp tác quốc tế là một trong các điều kiện cần và đủ để hiện thực hóa các dự án khí điện LNG theo Quy hoạch Điện VIII và quy hoạch năng lượng quốc gia.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, theo đánh giá của các chuyên gia, LNG là loại khí thiên nhiên có độ tin cậy và hiệu quả cao, an toàn cho con người và môi trường. Việc ứng dụng nhiên liệu LNG vào nhà máy sản xuất điện, xưởng sản xuất thực phẩm, nhiên liệu thay thế cho xăng và dầu trong ngành công nghiệp và xây dựng tại Việt Nam nói chung có nhiều tiềm năng phát triển. Vấn đề đặt ra là cần tạo cơ chế, hành lang pháp lý thúc đẩy ứng dụng nhiên liệu LNG, qua đó góp phần giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới phát triển bền vững.

Trần Đình Hà

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)