Tiếp cận đa chiều đối với quy hoạch phát triển Thủ đô Hà Nội

Wednesday, 12/13/2023 15:18
Acronyms View with font size

Xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại kết hợp với bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử được lưu giữ từ hàng năm của Thăng Long - Hà Nội là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị.

Mùa thu năm Canh Tuất (năm 1010), nhà vua Lý Thái Tổ đã dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Trải qua hơn 1.000 năm lịch sử thăng trầm, kinh thành Thăng Long và nay là Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của người dân Việt Nam.

Từ khi trở thành Thủ đô của nước Viện Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945, Hà Nội đã trải qua nhiều lần điều chỉnh quy hoạch với những mục tiêu từng giai đoạn khác nhau phù hợp với các hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của đất nước. Tuy gần tám thập kỷ đã qua, địa giới Hà Nội có lúc mở rộng, có lúc thu hẹp lại nhưng quy hoạch cơ bản của Thủ đô vẫn không tách rời những triết lý của bao thế hệ cha ông từ ngàn năm trước "ở vào nơi trung tâm trời đất; được thế rồng cuốn, hổ ngồi, đã đúng ngôi Nam, Bắc, Đông, Tây; lại tiện hướng nhìn ra sông, dựa núi, địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng; muôn vật rất mực phong phú tốt tươi" và "xem khắp nước Việt ra, chỉ nơi này là thắng địa, thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của Đế vương muôn đời".

Hoàng thành Thăng Long, quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Đông Kinh Hà Nội.Ảnh internet

Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5-5-2022, của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra mục tiêu Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới. Bên cạnh các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tại Nghị quyết, công tác quy hoạch phát triển Thủ đô thời gian tới cần tập trung vào giải quyết hài hóa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế, đô thị hóa nhanh chóng với bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa và nâng cao năng lực ứng phó với những rủi ro của đô thị.

Quy hoạch phát triển Thủ đô theo chiều sâu với sự kết hợp của các loại hình đô thị

Với diện tích gần 3,4 nghìn km2 và dân số gần 9 triệu người, Hà Nội là thành phố trực thuộc Trung ương đông dân thứ hai cả nước. Dù có mật độ dân số cao thứ hai cả nước, dân số phân bổ không đồng đều nhưng tập trung vào phần lõi của đô thị trong khi ở các vùng ngoại vi, mật đô dân số thưa thớt hơn đi kèm với các hoạt động kinh tế xã hội kém hơn hẳn. Tuy phát triển đô thị theo chiều rộng, hay còn gọi là phát triển theo vết dầu loang, trong thời gian vừa qua cho phép gia tăng tài nguyên và thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển trong ngắn hạn và tận dụng được hạ tầng hiện có để phát triển đô thị trong điều kiệu nguồn vốn hạn hẹp. 

Mặt khác, việc mở rộng quản lý hành chính vượt quá năng lực đã và đang gây ra quá tải cho bộ máy công quyền, hạ tầng đô thị và nhiều dịch vụ giáo dục, y tế, giải trí… đã chịu áp lực, chất lượng không đồng đều và phát sinh các điểm nóng về xã hội và ô nhiễm môi trường. Gần đây, những vấn đề về thiếu hụt trường học, bệnh viện, công viên hay ngập khi mưa, ùn ứ rác thải khiến cho cuộc sống của người dân cũng như hình ảnh của một đô thị văn minh hiện đại bị ảnh hưởng. Do vậy, phát triển đô thị của Hà Nội trong thời gian tới nên từ bỏ phương án phát triển theo chiều rộng mà lựa chọn phương án phát triển theo chiều sâu.

Đô thị có thể được phân loại thành nhiều loại, tồn tại song hành hoặc phát triển tiếp nối nhau như đô thị tích hợp, đô thị sinh thái và đô thị nén. Là một đô thị trải qua hơn nghìn năm phát triển, quy hoạch đô thị cần phân tách Hà Nội theo các chức năng đã được lịch sử hình thành nhằm tôn trọng các giá trị văn hóa lịch sử đồng thời tạo ra dư địa cho các mô hình phát triển kinh tế hiện đại và thân thiện môi trường. 

Ngày trước, kinh thành Thăng Long được phân chia thành các khu vực như cấm thành dành cho hoàng gia, khu vực hoàng thành là nơi đặt các cơ quan hành chính và khu vực ngoài cùng là dành cho nhà ở của cư dân, các khu sản xuất và chợ. Nếu lấy hoàng thành làm trung tâm, phía Tây, khu lõi của quận Ba Đình ngày nay, là khu vực hành chính trung ương thời xưa; phía Đông, khu lõi của quận Hoàn Kiếm ngày nay, là khu 36 phố phường với các hoạt động buôn bán tấp nập; phía Nam là khu vực quận Hai Bà Trưng và Đống Đa ngày nay, là khu vực thôn dã của kinh thành, nơi trồng rau và hoa quả. Khu Bắc của kinh thành dành cho trồng cây. Đan xen vào các khu vực thôn dã này là các cơ quan văn hóa giáo dục như Văn Miếu, Khâm Thiên Giám và Giảng Võ Đường. 

Ngày này, các khu vực kể trên tuy không còn được thể hiện rõ nét nhưng những dấu tích của quy hoạch đô thị thời xưa vẫn còn được gìn giữ qua cách bố cục các khu vực trung tâm chính trị và phố cổ. Đối với các khu vực lõi này, không nên tìm cách thay đổi quá nhiều thực trạng về kết cấu hạ tầng mà nên tìm cách kéo giãn mật độ dân cư bằng cách tăng thêm sự hấp dẫn của các đô thị ở vòng ngoài để một bộ phận cư dân chuyển địa điểm sinh sống nhưng vẫn đảm bảo kế sinh nhai, nguồn thu nhập cho cư dân.

Trước tiên, hình thành mô hình đô thị tích hợp ở trung tâm thủ đô, bao gồm các quận lõi, như Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng… phát triển theo hướng bảo tồn các giá trị hiện tại. Đô thị tích hợp là đô thị nhấn mạnh giá trị của tính đan xen, kết nối, xốp, chân thực và nhạy cảm. 

Cụ thể, tính đan xen và kết nối mang các giá trị của con người gắn kết lại với nhau, tạo thành một mạng lưới gắn bó chặt chẽ cho sự phát triển năng động của đô thị. Tính xốp hàm ý là sự bảo tồn toàn vẹn các thành phần của đô thị, lan tỏa các chức năng của từng bộ phận trong không gian đô thị. Tính chân thực tạo ra các giá trị xã hội tốt đẹp cho đô thị như sự quan tâm, chia sẻ và tôn trọng. Tính nhạy cảm hướng tới việc xem xét, thấu hiểu và tôn trọng những phản hồi của thực tiễn cuộc sống. 

Dựa trên các yếu tố này thì tại các khu phố cổ, cần tôn trọng và giữ gìn cuộc sống nhộn nhịp hiện tại, có bản sắc riêng của phố phường. Các nhà ở phố cổ có cửa hàng buôn bán nhộn nhịp ở tầng một với chiều rộng hẹp, chiều dài sâu xuất phát từ đặc điểm của lịch sử xưa kia nộp thuế theo chiều rộng mặt tiền còn sinh hoạt của các gia đình diễn ra ở phía sâu bên trong và các tầng trên.

Để gìn giữ những khu vực này và bảo đảm chất lượng cuộc sống của cư dân ở đây, cần có các chính sách để kéo giãn cư dân ra ngoài, giảm mật độ dân cư và áp lực đối với cơ sở hạ tầng đã có từ nhiều thế kỉ. Ví dụ, quận Hoàn Kiếm với mật độ dân số cao nhất Hà Nội chứa trong mình nhiều tầng văn hóa - lịch sử - thương mại, có nguồn thu ngân sách nhà nước cao hơn nhiều so với một số tỉnh đang phải nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương. Thành phố căn cứ Luật Thủ đô để có những quy định về m2/người cư trú tại quận, vệ sinh môi trường, an toàn, phòng cháy… để coi khu phố cổ là nơi kinh doanh, hết giờ thì đóng cửa hàng về sinh hoạt tại các khu đô thị ngoài.

Khu vực lõi kể trên của Thủ đô sẽ kết hợp với mô hình đô thị nén ở vòng ngoài bao gồm các quận Hoàng Mai, Long Biên, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm… phát triển theo hướng hình thành các khu vực đa chức năng, đan xen với các mô hình đô thị sinh thái ở vòng ngoài cùng ở các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Sóc Sơn… Đô thị nén có mật độ dân số cao, có khả năng tự cung cấp các dịch vụ cho hoạt động của cư dân. Đô thị sinh thái là đô thị dành nhiều sự quan tâm cho yếu tố môi trường, tôn trọng các mục tiêu phát triển bền vững hơn các mục tiêu kinh tế.

Nếu như đô thị nén đề cao tính đa chức năng dựa trên các phương tiện giao thông công cộng kết nối với nhau, với vòng lõi và vòng ngoài cùng thì đô thị tích hợp nên tôn trọng tính cá nhân của phương tiện giao thông. Việc phát triển hạ tầng giao thông kết nối khu vực lõi và ngoại vi cần được đầu tư từ sớm để cùng với cơ sở hạ tầng về kinh tế và xã hội định hướng sự tái phân bổ cư dân của Thủ đô.

Không gian xanh của Thủ đô Hà Nội mới chỉ đạt khoảng 2 m2/người, còn khoảng cách rất xa với quy chuẩn 7 m2/người và theo theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là 10 - 15 m2/người. Việc tạo ra thêm không gian trong các đô thị nén và đô thị sinh thái sẽ thực hiện dễ dàng hơn so với đô thị tích hợp, đặc biệt là khu vực lõi vốn đã có lịch sử phát triển kéo dài và mật độ dân số cao. Bên cạnh việc duy trì và nâng cấp các ao, hồ, sông, công viên… hiện tại, cần cân nhắc lại chủ trương "cống hóa" các kênh mương hiện nay trên cơ sở kinh nghiệm thực tế của Hà Lan, Hàn Quốc… gắn với chủ trương phân tán việc xử lý nước thải theo khu vực nhỏ, khu dân cư, phường xã…

Việc hình thành các khu vực có nhiều cây xanh như công viên Trung tâm của thành phố NewYork, Hoa Kỳ tại các đô thị nén là rất cần thiết, những công viên có quy mô lớn như vậy kết hợp với việc bảo tồn và phát triển rừng tại các đô thị sinh thái ở vòng ngoài sẽ hình thành một mạng lưới các lá phổi xanh cho thủ đô. Không chỉ giúp cân bằng cuộc sống tinh thần và chất lượng môi trường, những công viên và rừng quy mô lớn như vậy sẽ trở thành các địa điểm thu hút khách du lịch của Thủ đô. Phương thức tiếp cận về không gian xanh sẽ cần sự khác biệt căn bản giữa khu vực lõi khi giữ gìn các cây xanh trên vỉa hè vốn là đặc trưng của Thủ đô còn ở khu vực ngoại vi cần có các công viên cây xanh, hạn chế trồng cây trên vỉa hè.

Việc quy hoạch Thủ đô theo hướng đa dạng về bố cục và chức năng tuy nhìn qua có vẻ thiếu tính thống nhất nhưng lại có sự đa dạng của một đô thị với sự giao thoa giữa đại diện của các thời kỳ khác nhau của một đô thị ngàn năm văn hiến, giữ gìn được bản sắc riêng, có chiều sâu văn hóa của một đô thị đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Phương thức quy hoạch này cũng đã được chính quyền những đô thị lâu đời trên thế giới, như Paris, Pháp và London, Anh lựa chọn sử dụng.

Chú trọng bảo tồn các giá trị văn hóa xã hội của Thủ đô

Một cách tiếp cận của quản lý đô thị là hướng tới cảm giác hạnh phúc của người dân thông qua gia tăng sự yêu mến và gắn bó của họ với đô thị nơi họ sống. Các cơ quan quản lý nhà nước sử dụng các công cụ để gắn kết mối quan hệ giữa người dân với từng bộ phận và hoạt động của đô thị, như di tích lịch sử, danh thắng, quán ăn, hiệu sách, khung cảnh phố phường… cho tới các hoạt động sinh hoạt thường ngày như cư ngụ, vui chơi và làm việc. 

Ở khía cạnh tiếp cận này, cư dân là trung tâm của mọi mối quan hệ, là chủ thể gắn kết cuộc sống của họ với các hoạt động quản lý kinh tế, xã hội, an ninh, chính trị của một đô thị nhưng cũng đồng thời đòi hỏi công tác quản lý đô thị phải tôn trọng các đặc điểm cá biệt của mỗi người dân. Thủ đô Hà Nội không chỉ là một khái niệm về địa lý, đơn vị hành chính đơn thuần do nhà nước thiết lập và quản lý mà nó là đời sống văn hóa xã hội của một người dân, một cộng đồng dân cư.

Trong bối cảnh đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nhiều đặc điểm và giá trị của đô thị hình thành và biến đổi liên tục, quản lý đô thị cần phải hướng tới mục tiêu đô thị phải trở thành một nơi bình yên trong lòng mỗi cư dân. Thực vậy, do phản ánh đời sống văn hóa xã hội của một cộng đồng dân cư qua thời gian, đô thị với tư cách là một nơi sống không chỉ là nơi ở, cần phải tạo dựng, duy trì và phát triển được những bản sắc của riêng mình. 

Tuy nhiên, bản sắc của một đô thị lại là một khái niệm rất khó xác định, không dễ dàng thu gọn, cũng không dễ dàng tách biệt thành các giá trị đơn lẻ. Do đó, phát triển thủ đô Hà Nội cần quan tâm tới các yếu tố như sự phát triển của từng cá nhân, cộng đồng như sinh kế, sức khỏe, giáo dục, an toàn; bảo đảm môi trường sống tốt bao gồm không khí, nguồn nước, chất thải; nâng cao đời sống văn hoa, xã hội; phát triển xã hội dân sự, tăng cường sự tham gia của người dân đối với các vấn đề lớn của đô thị.

Ví dụ, các phường, xã đã có nhà văn hóa với các chức năng cụ thể, nhưng lại chưa trở thành một địa điểm, hình ảnh quen thuộc và đặc trưng của lối sống của thủ đô Hà Nội. Thay vào đó là các nơi chốn như đầu ngõ, sân khu tập thể, đình làng, hiện đang là những nơi diễn ra cuộc sống tấp nập hàng ngày từ sáng tinh mơ đến tối mịt của người dân thủ đô, tuy không thuộc sở hữu của các hộ dân nhưng các hộ dân lại có quyền sử dụng chung, nó là nơi trao đổi thông tin về cuộc sống gia đình, tình hình công việc của người đi làm, đi học của trẻ nhỏ cho tới tuyên truyền, phố biến tình hình của đất nước.

Cũng như các đô thị lâu đời trên thế giới, Thủ đô Hà Nội cũng có những nơi chốn linh thiêng của riêng mình. Ngoài số lượng lớn các đình, đền, chùa mà còn có những nơi rất dân dã như cổng làng, cây đa, ngôi miếu nhỏ… Đúng với câu, "đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt", những địa điểm này đã vượt qua bao biến đổi của đời sống kinh tế xã hội để phản ánh đời sống tâm linh của người dân Hà Nội. Việc duy trì những nơi này không chỉ gìn giữ khí chất linh thiêng cho một đô thị ngàn năm văn hiến đang chuyển mình mà còn tạo ra cảm giác gần gũi, hòa nhập với thiên nhiên và tinh thần của người dân Hà Nội.

Sự phổ biến của các phương tiện giao thông cũng là một yếu tố tạo nên bản sắc của đô thị. Ví dụ như hình ảnh thủ đô Amsterdam của Hà Lan gắn với xe đạp, thủ đô Copenhagen của Đan Mạch gắn với đi bộ, thủ đô Bangkok của Thái Lan là gắn với xe tuk tuk. Hà Nội có xe máy (trước đây là xe đạp và xích lô). Đặc điểm của các con đường nhỏ, ngõ hẹp và cuộc sống tấp nập, nhộn nhịp của người dân đã làm nên văn hóa xe máy của Hà Nội. Đặc điểm kết cấu hạ tầng giao thông của khu vực lõi của thủ đô Hà Nội đề cao tính cơ động và trong bối cảnh các phương tiện giao thông công cộng chưa hoàn thiện thì vẫn nên duy trì xe máy. 

Vấn đề ắc tắc giao thông và ô nhiễm môi trường do xe máy gây ra cần được xử lý thông qua việc bố trí vị trí các cơ quan, trường học, nhà máy cũng như giờ làm việc, học tập cho phù hợp và quan trọng hơn cả là nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân và quản lý dân số đô thị. Tại các đô thị nén ở vòng ngoài, giao thông công cộng cần được ưu tiên phát triển từ sớm, tăng tính kết nối giữa các địa điểm trung tâm trong đô thị và với các đô thị xung quanh. Ở các đô thị sinh thái, cần ưu tiên phát triển các phương tiện giao thông công cộng sử dụng năng lượng sạch và đề cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

Không gian phố đi bộ tại khu vực Hồ Gươm cần tôn trọng không gian tự nhiên nhiều hơn. Gần đây, các quầy hàng được xây dựng theo cách quay lưng về phía hồ và che lấp phong cảnh hồ từ chỗ quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục kéo dài nhà hàng Lục Thủy. Cách làm này cần được xem xét kĩ càng để điều chỉnh lại để giữ lại không gian cho Hồ Gươm. Việc lắp đặt thêm hệ thống chiếu sáng hiện đại hơn cũng rất cần thiết để các hoạt động trên phố được diễn ra thuận lợi hơn. Tình trạng nút cổ chai ở nhiều tuyến phố lúc bắt đầu vào phố đi bộ vẫn chưa được giải quyết mặc dù đã tồn tại kéo dài. Cần hình thành các tuyến giao thông và phương tiện giao thông công cộng kết nối với các điểm nút này, hình thành các vùng đệm từ các tuyến giao thông cho tới phố đi bộ và xây dựng các khu vực trông giữ phương tiện cá nhân với khoảng cách ngắn hơn năm đến bảy phút đi bộ.

Tóm lại, bản sắc Thủ đô Hà Nội cũng không phải là một thứ có thể được tạo ra một cách duy ý trí trong một thời gian ngắn mà phải được hun đúc và nuôi dưỡng từ lịch sử của đô thị và từ văn hóa, lối sống của cư dân qua hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm. Một Hà Nội đáng sống phải kết nối được lịch sử với hiện tại và tương lai, giữ gìn được cả giá trị vật chất và tinh thần cho các thế hệ mai sau. 

Để gìn giữ được những bản sắc văn hóa xã hội riêng có của Hà Nội, cần đề cao hơn nữa vai trò của cộng đồng trong công việc quy hoạch đô thị. Cần có cơ chế phù hợp để cộng đồng có thể tham gia ý kiến vào những vấn đề sát thực nhất với cuộc sống hàng ngày ngay từ khâu xây dựng quy hoạch. Tính khả thi và đồng thuận để giải quyết triệt để các vấn đề của Thủ đô sẽ chỉ đạt được khi nhận thức, quyền lợi và trách nhiệm của cộng đồng dân cư được tôn trọng và tăng cường.

Quan tâm và ứng phó hiệu quả hơn với các rủi ro của đô thị

Sức mạnh của thiên nhiên và nhiều công nghệ thiếu thân thiện với môi trường ngày nay vẫn tiếp tục tàn phá các đô thị, trong đó có Thủ đô Hà Nội. Tình trạng đô thị hóa nhanh chóng bằng sự tích tụ ngày một nhiều người và các hoạt động kinh tế xã hội trong những không gian nhỏ hẹp khiến cho các đô thị trở nên dễ bị tổn thương hơn trước nhiều tác nhân dù đến từ bên trong hay ngoài, từ thiên nhiên hay do con người tạo ra.

Bên cạnh đó, các trung tâm của đô thị được đặc trưng bởi mật độ dân số cao, sống và làm việc trong những tòa nhà chọc trời, không gian công cộng chật hẹp là đối tượng dễ bị tổn thương bởi hỏa hoạn do sự cố điện. Số lượng phương tiện giao thông cá nhân lớn và nhu cầu tiêu thụ, xử lý thực phẩm dẫn tới tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Ở các khu phố cổ với đặc thù được xây dựng từ hàng trăm năm có nguy cơ cao gặp phải các tai nạn như hỏa hoạn và xuống cấp nếu không được quản lý và bảo tồn đúng mức.

Các vùng xa hơn của đô thị, các trung tâm thương mại, nhà máy, xí nghiệp, kho bãi và các cơ sở hạ tầng giao thông kết nối như nhà ga, bến tàu, sân bay sẽ tích tụ những rủi ro công nghệ, có thể ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Ở khía cạnh này của quản lý đô thị, tình trạng dễ bị tổn thương của một đô thị dĩ nhiên liên quan tới con người và tài sản nhưng nó cũng kéo theo tình trạng dễ bị tổn thương về hình ảnh, uy tín của đô thị trong suy nghĩ, cảm xúc của người dân.

Những vụ hỏa hoạn gây ra hậu quả đau lòng trong thời gian gần đây tại Thủ đô Hà Nội cho thấy cần có một cách tiếp cận đẩy đủ hơn với công tác quản lý các rủi ro của đô thị. Đây phải là một yếu tố cần có trong chính sách công của đô thị, đặc biệt là trong công tác quy hoạch đô thị và môi trường. Các rủi ro của một khu vực dân cư ở gần một kho chứa những sản phẩm nguy hiểm sẽ khác với các rủi ro của một vụ hỏa hoạn hoặc dịch bệnh xảy ra ở khu vực chật hẹp nhưng đông đúc dân cư.

Bên cạnh các quy định của pháp luật, hướng dẫn phản ứng khi rủi ro xảy ra và tăng cường ý thức của người dân, doanh nghiệp cần có kế hoạch cụ thể điều chỉnh từ công tác xây dựng và triển khai quy hoạch cho tới các hoạt động kinh tế xã hội thường nhật của người dân. Về phía chính quyền, cần tăng cường quản trị các rủi ro này thông qua việc kiểm soát các hoạt động được phân loại vào nhóm nguy hiểm, phát triển các năng lực dự phòng và ứng phó với rủi ro dựa vào sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến và hạn chế rủi ro thông qua công tác quy hoạch các vị trí, hoạt động tiềm ẩn rủi ro.

Trải qua chặng đường lịch sử hơn 1.000 năm tuổi với nhiều tên gọi Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Bắc Thành và Hà Nội từ 1831 đến nay, Hà Nội là nơi ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử lớn, những biến cố thăng trầm của Thủ đô và đất nước. Xây dựng, phát triển Thủ đô văn minh, hiện đại kết hợp với bảo tồn những giá trị văn hóa, lịch sử được lưu giữ từ hàng năm của Thăng Long - Hà Nội là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt, là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị. Chúng ta có niềm tin để phát triển Thủ đô Hà Nội như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn "Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần".

TS. Nguyễn Đức Kiên - Tổ tưởng tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng

TS.Chu Khánh Lân - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)