Chuyển đổi số để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp

Thursday, 09/28/2023 16:54
Acronyms View with font size

Chiều 27/9, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải - Tổ trưởng Tổ công tác thúc đẩy chuyển đổi số giúp việc Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số Thành phố, đã chủ trì cuộc họp trực tuyến về công tác chuyển đổi số.

Tổ công tác thúc đẩy chuyển đổi số giúp việc Ban chỉ đạo. Anh: VGP/Minh Anh

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo, thực hiện Kế hoạch số 64/KH-UBND ngày 1/3/2023 về Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng TP. Hà Nội năm 2023, hiện các đơn vị đang triển khai 25/28 chỉ tiêu (bổ sung 6 chỉ tiêu), hoàn thành 5/102 nhiệm vụ và đang triển khai 82 nhiệm vụ.

Cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, thành phố đã tập trung phát triển dữ liệu, các HTTT, CSDL trong các ngành, lĩnh vực: giao thông - vận tải, xây dựng, nông nghiệp, đầu tư, tài chính, …được Thành phố giao các Sở, ngành triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định.

Để phục vụ người dân và doanh nghiệp, các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn tiếp tục duy trì vận hành khai thác Trang/Cổng thông tin điện tử phục vụ yêu cầu cung cấp thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp theo quy định. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC đã được xây dựng và đưa vào vận hành thử tại các đơn vị trực thuộc Thành phố từ ngày 11/4/2023. Toàn bộ các dữ liệu của công dân, doanh nghiệp bao gồm thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết được số hóa, xác thực bằng chữ ký số của công dân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ lưu trữ trên kho dữ liệu của công dân, tổ chức, doanh nghiệp, cho phép công dân, doanh nghiệp được sử dụng lại các dữ liệu trên kho để thực hiện các TTHC lần sau theo đúng quy định.

Đến nay Hà Nội đã cấp được 12.188 chữ ký số cho cán bộ, công chức thuộc Thành phố. Ảnh: VGP/Minh Anh

Đã kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, CSDL quốc gia về Dân cư, Hệ thống Cổng thanh toán trực tuyến quốc gia, các HTTT/CSDL các Bộ, ngành.

Việc khai thuế điện tử đã được áp dụng phổ biến với tỷ lệ 99,5% doanh nghiệp đang hoạt động khai thuế qua mạng; trên 99,1% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử. 100% hồ sơ hoàn thuế được xử lý điện tử. Thành phố cũng đã triển khai đồng bộ chữ ký số trên các hệ thống (Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, Hệ thống thông tin báo cáo) phục vụ xử lý công việc trên môi trường mạng và dịch vụ công trực tuyến. 

Hà Nội cũng đã tổ chức duy trì, vận hành kênh tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân về quy định hành chính thông qua ứng dụng Zalo; ban hành quy chế bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước TP. Hà Nội. Hướng dẫn, thông tin cảnh báo, đảm bảo ATTT, khắc phục sự cố ATTT mạng cho đội ngũ chuyên trách CNTT của Thành phố. Thường xuyên theo dõi và cảnh báo các cơ quan, đơn vị của Thành phố khi phát hiện IP nằm trong mạng botnet. Tổng hợp, đề nghị Cục An toàn thông tin gán nhãn tín nhiệm mạng cho 189 trang, cổng thông tin điện tử của các cơ quan TP. Hà Nội.

Tập trung khắc phục khó khăn trong chuyển đổi số

Đánh giá về những điểm hạn chế trong quá trình triển khai chuyển đổi số trên địa bàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải cho rằng, mặc dù Thành phố có nhiều kế hoạch, chương trình nhưng vẫn có sự chồng chéo, không tập trung, nhiều nội dung nằm rải rác ở các chương trình khác. Việc ban hành các kế hoạch vẫn mang định tính rất nhiều, không phân công rõ đầu mối chủ trì, thực hiện, giao nhiệm vụ mà không biết bên nào thực hiện.

Trong thời gian tới các đơn vị cần khắc phục ngay tình trạng nói trên. Khi ban hành kế hoạch cần xác định rõ người, rõ việc, rõ tiến độ hoàn thành. Thành phố sẽ đưa những nội dung chuyển đổi số lên hệ thống báo cáo trực tuyến để thể hiện rõ lộ trình triển khai các chương trình, kế hoạch của từng đơn vị, từ đó sẽ có điều chỉnh, tháo gỡ các khó khăn một cách kịp thời.

Theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, các công việc của chuyển đổi số còn rất nhiều, thay vì chỉ nhìn vào các kế hoạch dài hạn thì cần tập trung triển khai ngay từ những việc dễ đầu tiên, cái gì làm được thì cần làm ngay. Mục tiêu hàng đầu là tập trung làm hài lòng người dân và doanh nghiệp. Chuyển đổi số không chỉ là đầu tư thay đổi công nghệ mà việc đưa ra quy trình mới nhằm rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp đó chính là chuyển đổi số.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, các đơn vị cần xác định rõ phần nào là Thành phố làm, phần nào có thể xã hội hóa. Nếu tất cả mọi việc Thành phố đều làm thì sẽ không đủ nguồn lực, quan điểm của Thành phố là nếu không xã hội hóa được thì Thành phố mới thực hiện. Tuy nhiên, phần lõi như quy trình, yêu cầu, giá trị cốt lõi phải của Thành phố, xã hội hóa chỉ tập trung vào các giải pháp công nghệ để thực hiện theo yêu cầu. Để làm được điều này, vai trò của người đứng đầu các đơn vị rất quan trọng, đây là những người biết rõ nhất mỗi đơn vị cần làm gì để chuyển đổi số hiệu quả.

Liên quan tới nội dung thành phố thông minh, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải lưu ý, Hà Nội rất đặc thù khi có trên 50% là các huyện nông thôn vậy cần xác định cụ thể tiêu chí thành phố thông minh đối với Thủ đô là như thế nào? Các nội dung liên quan tới Thành phố thông minh cần xây dựng và đánh giá kỹ. Dự kiến, Thành phố sẽ xây dựng 3 trung tâm quan trọng và hình thành lõi của Thành phố thông minh, gồm: Trung tâm thông tin điện tử; Trung tâm giao thông thông minh (trên cơ sở tích hợp trung tâm điều hành giao thông của Sở GTVT và Công an Hà Nội); Trung tâm quản lý hạ tầng đô thị.

Đối với mục tiêu mà Kế hoạch số 64/KH-UBND về Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển Chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng thành phố Hà Nội năm 2023,  Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải yêu cầu các đơn vị phải tập trung tăng cường triển khai từ nay cho đến cuối năm. Việc cấp bách thì làm trước, việc chưa cấp bách thì cần có lộ trình triển khai cụ thể. Tất cả trên tình thần xác định rõ mục tiêu và thời điểm hoàn thành. Ưu tiên lựa chọn giải quyết các vấn đề mới, nổi cộm, mới phát sinh của doanh nghiệp và người dân.

Riêng đối với công tác truyền thông về chuyển đổi số, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải nhấn mạnh đây là khâu rất quan trọng. Các đơn vị báo chí của Thành phố, đặc biệt là báo Kinh tế & Đô thị, Đài truyền hình Hà Nội cần phản ánh những trường hợp điển hình về chuyển đổi số trên cả nước để Hà Nội lấy đó làm kinh nghiệm học tập, cũng như đăng tải những kết quả nổi bật mà Thủ đô đã có được trong quá trình chuyển đổi này. Các loại hình truyền thông cũng cần đa dạng từ báo in, báo điện tử, truyền hình cho đến tổ chức hội thảo, sự kiện … để làm nổi bật lên những lợi ích của chuyển đổi số, luôn lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)