Bình Phước: Cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp

Tuesday, 05/30/2023 14:56
Acronyms View with font size

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn làm việc với UBND tỉnh Bình Phước về công tác kiểm soát TTHC và công tác bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm xác định các giải pháp hiệu quả hơn đối với các nhiệm vụ này trong thời gian tới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chủ trì cuộc làm việc trực tuyến với UBND tỉnh Bình Phước - Ảnh: VGP/Quang Thương

Chiều 29/5, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị định số 79/2022/NĐ-CP ngày 6/10/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn chủ trì cuộc làm việc theo hình thức trực tuyến với lãnh đạo UBND tỉnh Bình Phước về công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC) và công tác bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài đầu cầu chính tại trụ sở VPCP, tại trụ sở UBND tỉnh Bình Phước có sự tham dự của bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh.

Đánh giá về công tác kiểm soát TTHC để đề xuất giải pháp tháo gỡ

Phát biểu tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, VPCP tổ chức cuộc làm việc nhằm trao đổi với UBND tỉnh Bình Phước về công tác cải cách TTHC, những công việc liên quan công tác bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đánh giá tình hình triển khai công tác này của UBND tỉnh, ghi nhận những mặt đạt được, xác định những mặt còn khó khăn trong quá trình triển khai để kịp thời tháo gỡ, đề ra nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Về công tác cải cách hành chính, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, đến nay, Trục liên thông văn bản quốc gia đã kết nối, liên thông văn bản điện tử tới 95/95 bộ, ngành, địa phương. Hệ thống thông tin họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) phục vụ công tác họp, điều hành của Chính phủ, xin ý kiến các thành viên Chính phủ đang vận hành hiệu quả; Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia đến nay đã kết nối với các bộ, ngành, địa phương; Hệ thống đánh giá bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC đến nay đã đưa vào vận hành chính thức…

Đặc biệt là Hệ thống theo dõi, đánh giá nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được hoàn thiện và nâng cấp để đáp ứng nhiệm vụ, đáp ứng công tác chỉ đạo, điều hành. Mỗi kỳ họp thường kỳ của Chính phủ, các nhiệm vụ được giao, những công việc đã hoàn thành, công việc đang trong thời gian xử lý, công việc quá hạn đều được thống kê đầy đủ.

Đối với Cổng Dịch vụ công quốc gia, đến nay có hơn 7,23 triệu tài khoản đăng ký, hơn 1,8 tỉ lượt truy cập, 205 triệu hồ sơ được giải quyết… là những kết quả tích cực trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Đề án 06 của Chính phủ (Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030) đang được các bộ, ngành, địa phương triển khai tích cực…

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP nhận định, vẫn còn những hạn chế, vướng mắc trong công tác kiểm soát TTHC, công tác bảo đảm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể như việc xử lý, tháo gỡ kịp thời trong TTHC nhiều việc, nhiều nơi còn rườm rà, nhất là trong nội bộ các cơ quan hành chính Nhà nước, trong nội bộ một số Bộ, ngành, địa phương. Tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; công tác chỉ đạo, điều hành phần lớn vẫn theo phương thức truyền thống…

Vì vậy, VPCP làm việc với một số bộ, ngành, địa phương, trong đó có UBND tỉnh Bình Phước là một trong những tỉnh đi đầu về đơn giản TTHC, cải cách TTHC để tập trung trao đổi, đánh giá về kết quả triển khai các công việc về kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế Một cửa, một cửa liên thông; xử lý văn bản trên môi trường điện tử; rà soát, đơn giản hóa TTHC trong nội bộ; việc triển khai phân cấp, ủy quyền về TTHC bảo đảm công tác thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ… nhằm xác định các giải pháp hiệu quả hơn đối với các nhiệm vụ này trong thời gian tới.

Đầu cầu tại trụ sở VPCP - Ảnh: VGP/Quang Thương

Bình Phước: Nâng cao chất lượng phục vụ qua Trung tâm Phục vụ hành chính công

Tại hội nghị, đánh giá độc lập về kết quả thực hiện và những điểm còn hạn chế về kiểm soát TTHC của tỉnh Bình Phước, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (VPCP) cho biết, tỉnh Bình Phước đã thực hiện rất nghiêm túc việc công bố công khai các TTHC. Như kịp thời công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; công khai thông tin về Bộ TTHC và dịch vụ công trực tuyến trên các hệ thống của tỉnh để người dân, doanh nghiệp tra cứu, thực hiện.

Tuy nhiên, việc đồng bộ, công khai, minh bạch hồ sơ giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia chưa đầy đủ chưa đáp ứng yêu cầu Chỉnh phủ. Từ đầu năm 2023 đến nay còn 20,95% chưa đồng bộ, tương ứng với trên 44.000 hồ sơ.

Về triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC, tỉnh đã tập trung nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp thông qua việc triển khai Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, bộ phận một của cấp huyện, cấp xã được thành lập và kiện toàn, 100% TTHC được đưa ra thực hiện tại bộ phận một của theo quy định. Tỉnh cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết TTHC, từ đó giúp cho việc giải quyết TTHC kịp thời, nhanh chóng, chính xác, thuận tiện, công khai, minh bạch.

Đối với rà soát, đơn giản hóa TTHC, hàng năm, tỉnh đều ban hành và thực hiện Kế hoạch rả soát, đơn giản hóa TTHC. Tuy nhiên, phương án đơn giản hóa chủ yếu tập trung vào cắt giảm thời gian giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền của tỉnh, hầu như không có đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa trình tự, hồ sơ, yêu cầu điều kiện TTHC để đề xuất các bộ, ngành Trung ương đơn giản hóa.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng và trước hạn có chiều hướng tăng qua các năm, cụ thể năm 2021 là 98,5%; năm 2022 là 98,89%; quý I/2023 là 98%. Hồ sơ quá hạn chủ yếu ở lĩnh vực Đất đai, Môi trường (năm 2021 chiếm 83,18% tổng số hồ sơ quá hạn; năm 2022 chiếm 85,83%, quy /2023 chiếm 87,84%), nguyên nhân do các lĩnh vực này có lượng hồ sơ giao dịch lớn ở cả 3 cấp chính quyền, tuy nhiên vẫn chưa có giải pháp phù hợp để cải thiện chất lượng giải quyết TTHC.

Về thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, tỉnh đã cung cấp 1.468 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (đứng thứ 3/63 tỉnh thành phố). Tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến là 57,4%. Đã tổ chức số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC tại Bộ phận một cửa trong tiếp nhận, giải quyết TTHC. Đã triển khai kho dữ liệu của cá nhân, tổ chức.

Đối với ciệc thực hiện báo cáo điện tử và cung cấp thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng, tỉnh đã kết nối, cung cấp đầy đủ các dữ liệu đối với dữ liệu kinh tế-xã hội hàng tháng, giới thiệu tỉnh, niên giám thống kê về Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Tại cuộc làm việc, các sở, ngành và các đơn vị của VPCP đã trao đổi về các kiến nghị cần giải đáp của tỉnh Bình Phước; trao đổi về công tác triển khai của tỉnh và công tác phối hợp giữa VPCP và tỉnh Bình Phước để khắc phục và tăng cường hiệu của của công tác này thời gian tới.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhận định, tỉnh Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác kiểm soát TTHC - Ảnh: VGP/Quang Thương

Cần đổi mới phương thức làm việc qua xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử

Kết luận tại cuộc làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhận định, tỉnh Bình Phước đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác kiểm soát TTHC, bảo đảm thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh. Trong thời gian qua, theo đánh giá trên Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, tỉnh đã đạt 71,69/100 điểm, xếp loại khá, đứng thứ 10/63 các địa phương trong cả nước.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ nêu trên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đề nghị tỉnh tiếp tục linh hoạt trong chỉ đạo điều hành và triển khai nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo tỉnh và người đứng đầu các cơ quan, địa phương cần quan tâm sâu sát và chỉ đạo quyết liệt đối với công tác này và sự tham mưu chủ động, quyết liệt của Văn phòng UBND tỉnh, cấp huyện, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm soát TTHC, bảo đảm thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành.

Tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt, rà soát hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ triển khai Đề án 06, Chỉ thị số 05/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ triển khai hiệu quả các dịch vụ công thiết yếu và các ứng dụng của dữ liệu dân cư. Đây là Đề án đột phá của chuyển đổi số quốc gia, thành công của Đề án 06 sẽ là thành công của công tác kiểm soát TTHC, bảo đảm thông tin phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các bộ, ngành, địa phương.

Ngoài ra, cần chú trọng, ưu tiên đầu tư hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin để phục vụ cho việc giải quyết TTHC. Hướng dẫn, tổ chức triển khai số hóa đến tất cả các cán bộ, công chức, viên chức tham gia việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Trong đó, tập trung nguồn lực đẩy nhanh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC bảo đảm từ ngày 01/6/2023 người dân không phải cung cấp lại thông tin khi thực hiện TTHC tại các cấp chính quyền. Gắn trách nhiệm số hóa với quá trình thực thi nhiệm vụ, tiếp nhận giải quyết TTHC của tất cả các cán bộ, công chức.

Chỉ đạo tích hợp, đồng bộ dữ liệu đầy đủ, chính xác, thường xuyên, liên tục phục vụ đánh giá các nhóm chỉ số trên Hệ thống đánh giá Bộ chỉ số phục vụ người dân và doanh nghiệp để điều hành, nhằm nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, tháo gỡ điểm nghẽn về thực thi TTHC tại các cấp chính quyền, kịp thời xử lý nhũng nhiễu tiêu cực.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng đề nghị tỉnh tiếp tục đổi mới lề lối phương thức làm việc thông qua xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử, đặc biệt đề cao vai trò của lãnh đạo các cấp gương mẫu, đi đầu trong sử dụng chữ ký số cá nhân phê duyệt các hồ sơ, văn bản điện tử.

Ngoài ra, tỉnh cần hiện nghiêm túc việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đảm bảo hiệu quả, đúng tiến độ; triển khai phân hệ theo dõi nhiệm vụ của địa phương và kết nối, tích hợp, chia sẻ với Hệ thống thông tin theo dõi nhiệm vụ của VPCP.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)