Hà Nội: Xây dựng nông thôn mới trên Huyện Đan Phượng

Thursday, 05/18/2023 14:32
Acronyms View with font size

Huyện Đan Phượng không chỉ được biết đến là nơi khởi nguồn của phong trào phụ nữ "ba đảm đang" mà còn là điểm sáng của Thủ đô khi là huyện đầu tiên về đích nông thôn mới vào năm 2015. Đến hết năm 2020, huyện có 15/15 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hết năm 2022, huyện có 12/15 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Phụ nữ xã Song Phương, huyện Đan Phượng tham gia xây dựng chương trình nông thôn mới - Ảnh: VGP/Thiện Tâm.

Ông Nguyễn Viết Đạt, Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng cho biết, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Đan Phượng luôn chủ động, sáng tạo và xác định nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với từng giai đoạn phát triển và là huyện đi đầu Thành phố về xây dựng nông thôn mới.

Sau khi về đích nông thôn mới, không bằng lòng với kết quả đạt được, công tác xây dựng nông thôn mới được lãnh đạo huyện tiếp tục quan tâm và quyết liệt tập trung chỉ đạo triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp để cả hệ thống chính trị và nhân dân vào cuộc tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, huyện xác định xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với tiêu chí phát triển huyện thành quận, xã thành phường.

Đến nay, hạ tầng phục vụ các tiêu chí nông thôn mới đã được quan tâm đầu tư đồng bộ, hiện đại, gắn với tiêu chí phát triển đô thị. Trường học đạt chuẩn quốc gia tiếp tục dẫn đầu thành phố (54/58 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 do 01 trường mới thành lập và 3 trường cấp 3 thuộc nhiệm vụ đầu tư của thành phố trước đây), 33/58 trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 100% các trạm y tế  đạt chuẩn, tất cả các thôn cụm dân cư đều có vườn hoa, sân chơi được lắp đặt dụng cụ thể thao ngoài trời; hệ thống ao hồ, kênh, rãnh thoát nước được cải tạo đảm bảo vệ sinh môi trường (đã kè được 121/145 ao môi trường)… 

Bên cạnh đó, huyện cũng thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên năm 2022 đạt 98,56% (tăng 1,16% so với năm 2020); lao động qua đào tạo đạt 78% (tăng 4,25% so với năm 2020).

Đặc biệt, huyện Đan Phượng đã rất sáng tạo khi xây dựng được nhiều mô hình tiêu biểu như mô hình "thôn thông minh". Qua đó đã thành lập được 16 tổ công nghệ số cộng đồng ở các xã, thị trấn, 129 tổ công nghệ thôn, cụm dân cư, tổ dân phố với tổng số 1.015 thành viên phục vụ việc tuyên truyền, trao đổi về các vấn đề liên quan đến kinh tế, xã hội của thôn, xã và tiếp nhận phản ánh của người dân trên địa bàn. 

Mỗi xã đều có một thôn thông minh sử dụng giao tiếp thông minh, thương mại điện tử, có các hoạt động quảng bá về địa phương, có các dịch vụ xã hội như: Y tế thông minh, nông nghiệp thông minh và sinh hoạt cộng đồng thông minh. Hay phát động cuộc thi "Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn" gắn với xây dựng tuyến đê kiểu mẫu được triển khai sâu rộng, lan tỏa rộng khắp, được nhân dân hưởng ứng tích cực. 

Chương trình đã huy động nhân dân xã hội hóa hơn 30 tỷ đồng thực hiện chỉnh trang, làm đẹp thôn, tổ dân phố, và xây dựng được hơn 6,7/35 km tuyến đê kiểu mẫu và phát quang, làm sạch các tuyến đê còn lại. Cuộc thi góp phần nâng cao ý thức tự giác, vệ sinh môi trường duy trì nền nếp tạo bộ mặt cảnh quan nông thôn mới văn minh, trật tự, an toàn.

Đến nay, toàn huyện đã có 12/15 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, trong đó mỗi xã đạt kiểu mẫu từ 2 lĩnh vực trở lên, xã Đan Phượng đạt kiểu mẫu trên 5 lĩnh vực. Với những kết quả đạt được, huyện Đan Phượng tiếp tục là huyện dẫn đầu Thành phố về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Chia sẻ về những thành quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Chu Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Đan Phượng, huyện Đan Phượng cho biết, mục tiêu, giải pháp của chương trình xây dựng nông thôn mới đã được Ban chỉ đạo xã Đan Phượng cụ thể hóa phù hợp với với địa phương. 

Vì vậy, sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển nhanh, bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị, hiệu quả kinh tế cao; xây dựng nông thôn mới phát triển theo quy hoạch, cơ sở hạ tầng được từng bước đầu tư đồng bộ, hiện đại, đảm bảo môi trường sinh thái, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao. Cùng với đó, hệ thống điện dân sinh đã được quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, hệ thống chiếu sáng công cộng được chuẩn hóa, góp phần từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới và có nhiều biến đổi tích cực.

Theo ông Hòa, đến nay quy mô sản xuất của xã phân theo vùng sản xuất với từng chủng loại cây trồng chủ lực theo kế hoạch đã đề ra, cơ cấu cây trồng chuyển dịch theo hướng hiệu quả với diện tích trồng rau hữu cơ, hoa, cây cảnh, cây ăn quả tiếp tục được mở rộng. Công tác khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh, giúp nông dân mạnh dạn sản xuất theo hướng hàng hóa, bước đầu đã hình thành các mô hình ứng dụng công nghệ cao như sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, dưa lưới, cây dược liệu, rau hữu cơ, nho hạ đen... 

Từ đó đã khẳng định thành công và hiệu quả, bước đầu đã hình thành một số vùng chuyên canh sản xuất nông sản hàng hóa tập trung với năng suất và giá trị thu nhập cao.

Mô hình nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng - Ảnh: VGP/ Thiện Tâm.

Theo ông Nguyễn Thạc Hùng, Phó Chủ tịch huyện Đan Phượng, qua quá trình xây dựng và triển khai chương trình nông thôn mới cho thấy, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải đi trước một bước. Tuyên truyền phải được thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú theo hướng "gọn, rõ, sát" đối tượng, nhằm tạo sự đồng thuận cao để từ đó khơi dậy tinh thần tự giác, huy động sự vào cuộc của cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Đồng thời bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành phố và vận dụng phù hợp, sáng tạo theo điều kiện thực tế tại huyện. Thực hiện đồng bộ các giải pháp và có trọng tâm, trọng điểm, xác định lộ trình, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng xã, từng ngành. Trong quá trình thực hiện có kiểm tra, giám sát, đánh giá và rút kinh nghiệm, nhân rộng cách làm hay, hiệu quả…

Với việc thực hiện đề án phát triển huyện thành quận, xã thành phường giai đoạn 2021-2025, huyện định hướng phát triển kinh tế đô thị và xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thi văn minh. Trong đó, về phát triển kinh tế đô thị Đan Phượng sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng đô thị, tăng tỉ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp, giảm tỉ trọng nông nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thúc đẩy phát triển kinh tế số và các mô hình kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động...

Trong sản xuất nông nghiệp sẽ thực hiện tái cấu trúc lại sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái trải nghiệm và các điểm đến du lịch. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với nông nghiệp đô thị, khảo nghiệm, đưa các giống mới, giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Xây dựng bản đồ chất lượng đất làm căn cứ cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Năm 2023, huyện Đan Phượng sẽ phấn đấu hoàn thành 3 xã Liên Hồng, Hạ Mỗ, Thọ An đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 100% các xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời phấn đấu huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trước khi huyện thành quận. Đến năm 2025, xây dựng và phát triển huyện Đan Phượng nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao đáp ứng tiêu chí quận.

Theo ông Nguyễn Văn Chí, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Hà Nội, những kết quả huyện Đan Phượng đạt được là nỗ lực, quyết tâm chung tay góp sức của đảng bộ, chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân. Đây là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của Thủ đô và cần được lan tỏa sâu rộng đến các địa phương trên địa bàn Thành phố và cả nước.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)