Những chuyển biến trong cải cách hành chính ở Hà Nội

Monday, 04/03/2023 16:38
Acronyms View with font size

Hà Nội xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá hiệu quả của công tác CCHC. Sau những quyết tâm trong chỉ đạo điều hành, đến nay, công tác cải cách hành chính đã có nhiều chuyển biến rõ nét ở từng lĩnh vực khác nhau của Thành phố.

Lãnh đạo UBND phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) báo cáo với đại diện Đoàn kiểm tra công vụ thành phố Hà Nội (bên phải) về việc thực hiện nhiệm vụ của bộ phận "một cửa". Ảnh: VGP/Minh Anh

Hàng trăm TTHC đã được bãi bỏ, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp

Theo Sở Nội vụ Hà Nội, năm 2023, Thành phố tiếp tục xác định cải cách thủ tục hành chính (TTHC) là nhiệm vụ trọng tâm, chú trọng xây dựng cơ chế liên thông trong thực hiện TTHC và đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông theo hướng hiện đại.

Vì vậy, để triển khai thực hiện, Thành phố đã ban hành 26 văn bản liên quan đến kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Trên cơ sở Kế hoạch, chỉ đạo của Thành phố, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã đã ban hành các văn bản, kế hoạch để triển khai nhiệm vụ kiểm soát TTHC, cải cách TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông của cơ quan, đơn vị.

Trong quý 1/2023, UBND Thành phố đã quyết định thông qua phương án đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp (8 TTHC); ban hành 9 Quyết định công bố danh mục TTHC mới ban hành, TTHC được sửa đổi, bổ sung, bị bãi bỏ (công bố danh mục 203 TTHC, bãi bỏ 124 TTHC) thuộc các lĩnh vực: hội nghị, hội thảo quốc tế theo phương án ủy quyền giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của các Sở: Ngoại vụ; Nội vụ, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội, Văn hóa và Thể thao, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phê duyệt 215 quy trình nội bộ giải quyết TTHC (lĩnh vực: Nội vụ, ngoại vụ, du lịch, tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, thông tin và truyền thông).

Các quyết định công bố danh mục TTHC sau khi ban hành, đã được công khai trên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo quy định. Bên cạnh các hình thức công khai nêu trên, Sở Thông tin và Truyền thông đã kết nối, tích hợp dữ liệu TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia với Cổng Giao tiếp điện tử của thành phố Hà Nội. Tính đến ngày 9/3/2023, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố là: 1.867 TTHC, trong đó cấp sở, cơ quan tương đương sở: 1.471 thủ tục, cấp huyện: 284 thủ tục và cấp xã: 112 thủ tục.

Quán triệt tinh thần phục vụ người dân tốt nhất tại cơ quan hành chính

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, đến nay, 100% TTHC đã được tiếp nhận, giải quyết theo cơ chế Một cửa, Một cửa liên thông. Việc tiếp nhận, giải quyết TTHC được giám sát, kiểm soát chặt chẽ nên đã hạn chế tối đa việc nhũng nhiễu, chậm trễ trong việc giải quyết TTHC. Khi chậm trễ trong quá trình giải quyết hồ sơ, yêu cầu các đơn vị thực hiện việc xin lỗi công dân và khắc phục nhanh chóng, kịp thời để trả đúng hạn theo quy định.

Tại Bộ phận Một cửa của các cơ quan, đơn vị trên toàn Thành phố đều thực hiện niêm yết đầy đủ số điện thoại, địa chỉ, email tiếp nhận các phản ánh kiến nghị về quy định hành chính, để người dân trực tiếp liên hệ khi gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện TTHC. Bên cạnh đó, Thành phố tăng cường chỉ đạo nâng cao thái độ ứng xử, đạo đức công vụ của công chức, đặc biệt là công chức làm việc tại Bộ phận Một cửa, đề cao tính chuyên nghiệp, sự phục vụ của công chức đối với người dân, tổ chức, trên cơ sở lấy sự hài lòng của người dân làm một trong những cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của công chức.

Đáng chú ý, để triển khai thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông đồng bộ, hiệu quả, hiện đại trên địa bàn Thành phố, trên cơ sở Đề án Mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hiện đại các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 01/KH-UBND ngày 03/01/2023 về việc triển khai thực hiện Đề án mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hiện đại các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Đinh Mạnh Hùng cho biết, thực hiện Chỉ thị số 22/CT-UBND của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố trong năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, Đoàn kiểm tra công vụ thành phố Hà Nội đã kiểm tra đột xuất tại nhiều sở, quận, huyện và xã, phường. Qua kiểm tra 24 đơn vị (4 sở, 7 quận và 13 xã, phường) cho thấy, bộ phận "một cửa" của các đơn vị duy trì hoạt động nền nếp: Có công chức trực tiếp nhận hồ sơ hành chính, thái độ giao tiếp hòa nhã, lịch sự. Kiểm tra xác suất hồ sơ hành chính đều giải quyết đúng hạn.

Nhiều đơn vị đầu tư bộ phận "một cửa" khang trang, hiện đại (có máy lấy số tự động, máy scan, máy tính để công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến, máy đánh giá sự hài lòng của công dân) như UBND các quận: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng; UBND phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa), UBND xã Mai Lâm (huyện Đông Anh), UBND xã Nhị Khê (huyện Thường Tín)…

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, Đoàn kiểm tra công vụ Thành phố cũng phát hiện tại một số đơn vị vẫn còn tồn tại, thiếu sót như: Chưa niêm yết đầy đủ quy trình giải quyết thủ tục hành chính; chưa kịp thời bổ sung, cập nhật văn bản mới; chưa có đầy đủ chữ ký, dấu giáp lai trong sổ sách lĩnh vực Tư pháp - Hộ tịch; chưa niêm yết đầy đủ các văn bản theo quy định tại phòng tiếp công dân. Đối với các tồn tại, hạn chế đã được nêu ra, Đoàn kiểm tra công vụ Thành phố đề nghị các đơn vị khẩn trương khắc phục và gửi báo cáo về Sở Nội vụ đúng thời hạn quy định.

Những chuyển biến rõ nét

Với những cố gắng, nỗ lực triển khai nhiệm vụ CCHC của các Sở, ngành, quận huyện, vừa qua, Thành phố đã công bố kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 đối với các sở, cơ quan tương đương sở và UBND các quận, huyện, thị xã.

Theo đánh giá của Tổ công tác giúp việc Hội đồng thẩm định đánh giá, chấm điểm, xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 Thành phố, có thể thấy, công tác Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 của thành phố Hà Nội đã có sự cải thiện rõ nét. Cụ thể là, kết quả Chỉ số cải cách hành chính trung bình cả hai khối sở và khối huyện đều tăng so với năm 2021. Ở khối sở, kết quả trung bình năm 2022 là 85,73%, tăng 3,78% so với năm 2021. Ở khối huyện, kết quả trung bình năm 2022 là 92,75%, tăng 2,20% so với năm 2021.

Kết quả Chỉ số cải cách hành chính năm 2022 tăng cả 2 khối (ở cả điểm thẩm định và điểm điều tra xã hội học) thể hiện sự nỗ lực và tiến bộ của các cơ quan, đơn vị trong việc cải thiện chất lượng công tác cải cách hành chính của thành phố, được các đối tượng bị tác động đánh giá cao, người dân và doanh nghiệp ghi nhận…

Bên cạnh đó, có nhiều trục nội dung có Chỉ số cải cách hành chính trung bình năm 2022 tăng so với năm 2021. Có 3 trục nội dung ghi nhận tăng đều cả 2 khối là: Công tác chỉ đạo điều hành cải cách hành chính; xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số…

Những nỗ lực ở các đơn vị, địa phương nêu trên cho thấy sự nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính. Đây là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện được các mục tiêu thành phố Hà Nội đã đề ra trong Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước năm 2023: Phấn đấu Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) xếp trong nhóm 8 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước; Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) đạt tối thiểu 89%; 100% hồ sơ thủ tục hành chính được trả kết quả đúng hạn và trước hạn… 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo các đơn vị có thành tích xuất sắc, tiến bộ vượt bậc về cải cách hành chính đã được tôn vinh cần tiếp tục cố gắng, không được hài lòng; các đơn vị chưa được tôn vinh cần phải nỗ lực, còn rất nhiều cơ hội phát triển. Chủ tịch UBND thành phố khẳng định, từ chủ trương chung của Đảng, Quốc hội, Chính phủ…, cùng với cả nước, Hà Nội đã có bước tiến dài về cải cách hành chính, ngày càng phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp. Qua đó, chỉ số tăng trưởng, thu hút đầu tư, sự hài lòng của người dân đã tăng lên.

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)