Chuyển đổi số - Động lực để khu vực hợp tác xã phát triển

Thursday, 09/29/2022 14:49
Acronyms View with font size

Nhiều hợp tác xã đã sử dụng các ứng dụng công nghệ số ở mức độ khác nhau để thực hiện sản xuất, quản trị hoạt động sản xuất, kinh doanh, truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm.

Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao nhà màng tại xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam, khẳng định chuyển đổi số là quá trình ứng dụng công nghệ số và sử dụng cơ sở dữ liệu làm thay đổi mô hình kinh doanh, nhằm giảm chi phí, tiếp cận tối đa khách hàng, tăng năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, mang lại lợi ích cho thành viên hợp tác xã.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, thời gian qua, nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đã sử dụng các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản trị dữ liệu bằng các tệp máy tính có định dạng, trao đổi thông tin, quản trị hoạt động đầu vào, đầu ra,...; truy xuất thông tin, nguồn gốc sản phẩm; sử dụng hóa đơn điện tử trong hoạt động thanh toán.

Thống kê cho thấy có tới 65% số hợp tác xã được khảo sát vào tháng 6/2022 do Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh thực hiện đã sử dụng công nghệ số ở mức độ khác nhau để quản trị hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, nhiều hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ở lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ ứng dụng công nghệ số mang lại hiệu quả do cán bộ có trình độ, sẵn sàng tiếp cận công nghệ mới, liên kết chuỗi giá trị và được Nhà nước, các tổ chức ở trong, ngoài nước hỗ trợ.

Ngoài ra, các hợp tác xã nông nghiệp, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp áp dụng công nghệ cao như tưới nhỏ giọt, lò sấy trống, chế biến càphê ướt cũng như sản xuất sản phẩm có thương hiệu OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), hữu cơ, GlobalGap.

Đặc biệt, hầu hết các sản phẩm còn được tiêu thụ thông qua thương mại điện tử Facebook, Zalo, Fanpage, Group, Shopee, Sendo, Tiki, Voso, Postmart hay sàn bán hàng điện tử của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều hợp tác xã vận tải đã đầu tư thiết bị, phần mềm để quản trị hành trình, khách hàng và vận đơn hàng hóa, tích hợp thanh toán tự động không dừng.

Hơn nữa, các hợp tác xã thương mại đầu tư mở rộng kho và cửa hàng, thiết bị ứng dụng phần mềm bán hàng, quản lý nhập, xuất hàng hóa; Ngân hàng Hợp tác xã và các Quỹ tín dụng nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi số trong tổ chức hoạt động, cung ứng dịch vụ.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng chỉ ra việc thực hiện chuyển đổi số làm thay đổi hoạt động so với phương thức quản trị truyền thống; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Không những thế, các hợp tác xã qua đó đã có tiến bộ về nhận thức chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư thiết bị hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin đầu vào, đầu ra, giảm thời gian tìm kiếm thông tin trên nền tảng số, tiết kiệm không gian lưu trữ và chi phí quản lý, nâng cao hiệu suất làm việc.

Khảo sát đến cuối tháng 6/2022 do Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh thực hiện, có 83,5% số hợp tác xãđược khảo sát cho rằng việc chuyển đổi số là cần thiết, 18,9% hợp tác xã đã có kế hoạch chuyển đổi số, 68% hợp tác xã sử dụng ít nhất một trong các phương thức giới thiệu và bán hàng trực tuyến.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, quá trình chuyển đổi số của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã diễn ra chậm; theo khảo sát của Liên minh Hợp tác xã cấp tỉnh, khoảng 50% số hợp tác xã được khảo sát chưa có định hướng và kế hoạch chuyển đổi số.

Nhiều cán bộ quản trị ở nhiều hợp tác xã chưa quyết tâm, chưa tuyên truyền, lan tỏa được tới thành viên về lợi ích của chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu, mang lại hiệu quả và năng lực cạnh tranh.

Cùng đó, cơ sở hạ tầng thông tin của phần lớn hợp tác xã ở mức thấp, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số; nhiều hợp tác xã chưa có trụ sở làm việc.

Đáng lưu ý, cán bộ quản trị và nhân lực của hợp tác xã hiểu và thực hành kỹ năng số còn hạn chế như kỹ năng xây dựng cơ sở dữ liệu, kỹ năng sử dụng thiết bị số, tìm kiếm, đánh giá và quản trị thông tin trên thiết bị số, sử dụng phần mềm trong quá trình sản xuất, truyền thông số thông qua website, các trang thương mại điện tử, mạng xã hội, thương mại điện tử; kỹ năng thanh toán điện tử...

Sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt điều khiển từ xa bằng điện thoại thông minh để tưới nước cho dưa leo baby. (Ảnh: Đinh Văn Nhiều/TTXVN)

Mặt khác, việc ứng dụng các phần mềm tiện ích chưa được chú trọng; ứng dụng công nghệ số trong tìm kiếm, phân tích và dự báo thị trường còn nhiều hạn chế; thanh toán điện tử chiếm tỷ lệ thấp trong các hợp tác xã ở vùng sâu, vùng xa, quản trị tài sản bằng sổ giấy.

Ngoài ra, việc số hóa dữ liệu của phần lớn hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ở mức độ thấp như số hoá thông tin, tài liệu, chứng từ, sổ sách và chưa có khả năng chuyển các hoạt động quản trị sản xuất, kinh doanh lên không gian mạng, từ môi trường truyền thống lên môi trường số để chuyển đổi mô hình hoạt động dựa trên công nghệ số, dữ liệu số.

Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, ông Nguyễn Ngọc Bảo nêu rõ, hiện nay, tỷ lệ lớn hợp tác xã, nhất là lĩnh vực nông nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn theo mô hình truyền thống, chưa thấy được nhu cầu cấp bách về chuyển đổi số.

Hơn nữa, nhận thức của cán bộ quản trị và thành viên của nhiều hợp tác xã về chuyển đổi số còn hạn chế; thiếu nguồn lực và điều kiện cơ bản để chuyển đổi số như hạ tầng thông tin, tài chính và nhân lực có kỹ năng chuyển đổi số.

Mặt khác, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" chưa quy định cụ thể đối tượng áp dụng và thụ hưởng chính sách là hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu của các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ trên phạm vi toàn quốc và địa phương chưa được thu thập đồng bộ và chưa được công khai để hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp cận và sử dụng.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu và động lực phát triển của các hợptác xã, liên hiệp hợp tác xã.

Do đó, Liên minh Hợp tác xã kiến nghị cần thể chế hoá chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Cụ thể, hỗ trợ các tổ chức kinh tế tập thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong Luật Hợp tác xã(sửa đổi) và Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể trên phạm vi toàn quốc, có quy định cụ thể để các tổ chức kinh tế tập thể tiếp cận, thụ hưởng các nguồn lực hỗ trợ chuyển đổi số.

Cùng đó, xây dựng và tạo điều kiện cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tiếp cận và sử dụng cơ sở dữ liệu của ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế-xã hội để xây dựng, áp dụng các ứng dụng chuyển đổi số phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, ban hành hướng dẫn về chuyển đổi số cho hợp tác xã theo ngành, lĩnh vực mà các bộ, ngành, địa phương quản lý trên cơ sở nhiệm vụ đã được phân công thực hiện tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể như tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công nghệ số, kinh tế số và chuyển đổi số cho hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và thành viên; đào tạo, tập huấn về công nghệ thông tin; kiến thức và các kỹ năng chuyển đổi số.

Mặt khác, giải pháp chuyển đổi số với hợp tác xã; hỗ trợ thiết bị cơ bản phục vụ chuyển đổi số; hỗ trợ nhân lực lao động trẻ có chuyên môn về làm việc có thời hạn tại hợp tác xã...

Ông Nguyễn Ngọc Bảo cũng kiến nghị các cơ quan chức năng bổ sung hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã là đơn vị tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam theo Quyết định số 1320/QĐ-TTg ngày 8/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030.

Mặt khác, xây dựng, công khai và tổ chức thực hiện các quy hoạch cụ thể chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông sản chủ lực quốc gia, cấp tỉnh, gắn với ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số.

Hơn nữa, ban hành chính sách để huy động các nguồn lực hỗ trợ cho các thành phần kinh tế trong các chuỗi giá trị nông sản như tiền thuê đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tín dụng, thuế, bảo hiểm cây trồng và vật nuôi, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất và thông tin, truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu...

Đặc biệt, các đơn vị chức năng cần xem xét, cấp bổ sung vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã cấp tỉnh theo quy định tại Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển hợp tác xã, để có nguồn vốn cho vay hỗ trợ hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số, mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh./.

Source: TTXVN

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)