ASEAN cùng nhau giải quyết thách thức về văn hóa – xã hội

Thursday, 03/31/2022 16:40
Acronyms View with font size

Ngày 30/3, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 27 được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Campuchia - nước Chủ tịch ASEAN năm 2022 và trực tuyến tại các nước thành viên ASEAN. Đây là sự kiện quan trọng và là cuộc họp đầu tiên trong năm của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam cam kết ủng hộ hết sức cho năm Chủ tịch của Campuchia - Ảnh: VGP/Thu Cúc

Tại hội nghị, các Bộ trưởng, thành viên của Hội đồng Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN trao đổi về những ưu tiên, các văn kiện đề xuất xây dựng để trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40 và 41 thông qua/ghi nhận. Đồng thời, các đại biểu cũng chia sẻ quan điểm về những vấn đề cần quan tâm và định hướng phát triển của ASEAN trong thời gian tới nhằm hiện thực hóa Tầm nhìn cộng đồng ASEAN 2025. 

Hội nghị có sự tham dự của 10 Bộ trưởng/Trưởng đoàn của các nước ASEAN phụ trách Cộng đồng Văn hóa – Xã hội (VHXH), Tổng Thư ký ASEAN, các đoàn đại biểu của các nước thành viên ASEAN và Ban Thư ký ASEAN.

ASEAN lấy con người là trung tâm của phát triển bền vững

Hội nghị bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ với chủ đề Campuchia đã lựa chọn "ASEAN hành động: Cùng nhau giải quyết thách thức" cùng với một loạt các sáng kiến Campuchia đưa ra trong năm nay, đặc biệt trong lĩnh vực thanh niên, thể thao, lao động và tăng cường khả năng kinh doanh cho phụ nữ.

Các Bộ trưởng đánh giá cao những ưu tiên và nỗ lực của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội trong việc gắn kết con người với con người, lấy con người là trung tâm của sự phát triển bền vững và không bỏ ai ở lại phía sau. Các hoạt động của Cộng đồng VHXH đang ngày càng thực chất, bám sát vào ưu tiên của quốc tế, khu vực và quốc gia thông qua các sáng kiến được thực hiện trong Kế hoạch tổng thể Văn hóa phòng ngừa, Khung khổ phục hồi toàn diện ASEAN hay Chiến lược hợp nhất về cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Hội nghị cũng hoan nghênh ngành giáo dục – đào tạo đang tạo sự chuyển biến trong việc thúc đẩy áp dụng chuyển đổi số trong giáo dục, mở cửa lại trường học và thích nghi giáo dục và đào tạo trong bối cảnh bình thường mới để học sinh, sinh viên có thể đến trường, kết hợp học tập theo nhiều hình thức khác nhau hướng tới một thế hệ công dân ASEAN là công dân toàn cầu.

Hội nghị cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của thể thao trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN và ủng hộ việc xây dựng Tuyên bố ASEAN về phát huy vai trò của thể thao trong xây dựng cộng đồng ASEAN và đạt được các mục tiêu phát triển bền vững và Tuyên bố ASEAN về củng cố bản sắc ASEAN thông qua bảo vệ các môn thể thao và trò chơi truyền thống trong thế giới hiện đại. 

Hội nghị cũng ghi nhận sự phát triển của Kế hoạch hợp tác ASEAN - FIFA 2021-2022 và Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Thể thao ASEAN về việc củng cố nền tảng của các vận động viên ASEAN tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á.

ASEAN xây dựng một xã hội cởi mở và thích ứng

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung bày tỏ sự ủng hộ cao đối với sáng kiến của Campuchia trong việc xây dựng Tuyên bố về liên thông bảo hiểm trong ASEAN, thúc đẩy tiềm năng của phụ nữ trong kinh doanh, hòa bình và an ninh. 

Bộ trưởng đánh giá những nỗ lực này của Cộng đồng VHXH ASEAN là minh chứng cho việc bảo vệ những nhân tố thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội, bảo đảm bảo vệ quyền của người lao động nói chung và lao động di cư nói riêng, xây dựng một xã hội cởi mở và thích ứng và xóa bỏ những bất bình đẳng còn tồn tại trong xã hội.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội  tin tưởng rằng những sáng kiến gần đây của ASEAN trong tăng cường vai trò của thanh niên ASEAN cũng sẽ góp phần xây dựng một Cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển bền vững.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chia sẻ những nỗ lực của Việt Nam để phục hồi sau đại dịch COVID-19. Chính phủ Việt Nạm đã ban hành các chính sách hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp vượt qua khó khăn và cũng mở rộng chính sách cho cả những đối tượng đặc thù như lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi và các nhóm đối tượng mà trong đó phụ nữ chiếm đa số như lao động tự do, hộ kinh doanh, viên chức hoạt động nghệ thuật. Đồng thời cũng đã thực hiện thành công chiến lược "đi sau - về trước" với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay, trở thành một trong các quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất trên thế giới.

Dù mỗi nước thành viên ASEAN hiện còn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức, song Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tin tưởng, với tinh thần "ASEAN Hành động: Cùng nhau giải quyết thách thức", Cộng đồng VHXH sẽ đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong năm Chủ tịch ASEAN 2022 của Campuchia. Việt Nam cam kết sẽ ủng hộ hết sức cho năm Chủ tịch ASEAN của Campuchia.

Kết thúc Hội nghị, các Bộ trưởng cũng thống nhất về nội dung của Báo cáo Hội nghị ASCC lần thứ 27 để trình lên Hội nghị Cấp cao ASEAN 40 và 41 sắp tới sẽ diễn ra vào tháng 11 năm 2022. 

Source: Chinhphu.vn

Search by :

Rating

(Hover on the star to select points)